Thứ Bảy, 29/08/2015 10:46

Hà Nội: Nhà tái định cư ở 10 năm chưa nộp tiền

Hơn 500 căn nhà có người ở nhưng chưa nộp tiền mua nhà; hơn 30 tỷ tiền thuê nhà tạm cư chưa thu được; thất thu phí dịch vụ nhà, trông giữ xe; chưa công khai chi phí;... và còn vô số những tồn tại khác trong quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư ở Hà Nội...

Sử dụng 10 năm chưa nộp tiền mua nhà

Theo kết quả giám sát của Ban Kinh tế và Ngân sách (HĐND thành phố Hà Nội) về công tác quản lý, vận hành, sử dụng nhà chung cư tái định cư, ngay tại thời điểm giám sát (tháng 8/2015), Hà Nội còn 583 căn hộ đã bàn giao cho người sử dụng nhưng chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền mua; 1.303 căn hộ đã có quyết định, văn bản bố trí nhưng người dân chưa nộp tiền và chưa nhận nhà; 625 căn hộ trống chưa có quyết định bố trí sử dụng.

Những căn hộ loại này nằm rải rác ở nhiều tòa nhà, trên nhiều địa bàn, trong đó có những tòa nhà đã đưa vào sử dụng trên 10 năm. Cụ thể, có 550 căn hộ Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội tự cho người dân vào ở sử dụng, chưa ký hợp đồng, chưa nộp tiền mua nhà; 226 căn hộ cho thuê tạm cư song số tiền thu được từ cho thuê năm 2013 và năm 2014 chỉ đạt gần 2 tỷ đồng, còn nợ lũy kế đến 31/12/2014 là 32,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, toàn Thành phố còn 4.493 căn hộ đã giao cho người dân vào sử dụng nhưng chưa cấp được giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, chiếm hơn 1/3 tổng số căn hộ đã giao cho người dân vào sử dụng. Nhiều căn hộ bố trí không đúng quy định, chưa thu được tiền, chưa bàn giao nhà.

Kết quả giám sát của HĐND Thành phố cũng cho thấy, tại các khu tái đinh cư phổ biến tình trạng thất thu thu phí dịch vụ nhà chung cư, tiền trông giữ xe máy, ô tô trong khi kinh phí thu được chưa đảm bảo chi phí vận hành.

Các chủ đầu tư và quản lý nhà cũng chưa thực hiện thường xuyên việc công khai chi phí quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư để người dân biết, giám sát, tạo sự đồng thuận của dân cư.

Theo kết quả giám sát, trong tổng số 59.288 m2 do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội quản lý có 9.957 m2 chưa bố trí sử dụng, 5.155 m2 bố trí tạm; 13.397 m2 đã cho thuê nhưng chưa ký hợp đồng; 28/87 hợp đồng thuê đã hết hạn chưa ký lại. Việc tổ chức đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ triển khai chậm, kết quả còn hạn chế. Theo đó, trong 3 năm từ năm 2012 (thời điểm UBND ban hành quyết định quy chế đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh dịch vụ tại các nhà chung cư) đến nay mới tổ chức đấu giá được 3 điểm.

Bên cạnh đó, theo Ban Kinh tế và Ngân sách, việc quản lý, khai thác diện tích dành cho mục đích công cộng và kinh doanh dịch vụ còn nhiều hạn chế, thiếu chặt chẽ; nhiều diện tích để trống chưa sử dụng trong khi nhiều nơi chưa bố trí được diện tích dành cho sinh hoạt cộng đồng. Nhiều diện tích đơn vị quản lý tự ý cho thuê, không thu được kinh phí. Việc thu, sử dụng kinh phí thu được từ cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ chưa đúng quy định...

Khu tái định cư Việt Hưng cũng từng xảy ra nhiều xung đột trước khi có ban quản lý mới là Hợp tác xã nhà ở Thụy Điển tiếp quản, quản lý - Ảnh: Xuân Hưng

Làm trái quy định

Theo Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách Nguyễn Tuấn Thịnh, qua giám sát, HĐND Thành phố đã chỉ ra nhiều hạn chế thiếu sót và kiến nghị các giải pháp khắc phục song việc thực hiện của các đơn vị còn chậm, chưa có chuyển biến rõ rệt. Việc thực hiện Nghị quyết của HĐND cũng còn chưa nghiêm, thậm chí có nội dung thực hiện trái quy định. Đơn cử như Công ty quản lý và phát triển nhà Hà Nội chưa thực hiện nộp ngân sách nhà nước kinh phí thu được từ cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ thuộc sở hữu nhà nước mà giữ lại để chi phí cho quản lý, vận hành.

Trong khi đó, sở Xây dựng chưa chủ động nghiên cứu, đề xuất UBND Thành phố về phát triển nhà tái định cư đối với khu vực nội đô ở Thành phố theo quy định của Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7/2015.

Theo đó, Luật quy định trường hợp thu hồi đất và giải tỏa nhà ở để xây dựng công trình khác tại khu vực nội đô thuộc đô thị loại đặc biệt, tại đô thị loại 1 và loại 2 thì Nhà nước chuẩn bị quỹ nhà ở thông qua việc sử dụng nhà ở thương mại hoặc nhà ở xã hội được xây dựng theo dự án để bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất và giải tỏa nhà ở; Trường hợp thu hồi đất và giải tỏa nhà ở để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại mà người có nhà ở bị giải tỏa có nhu cầu tái định cư tại chỗ thì chủ đầu tư dự án phải ưu tiên bố trí nhà ở thương mại ngay trong dự án đó để phục vụ tái định cư.

Theo Ban Kinh tế và Ngân sách, nguyên nhân để xảy ra tình trạng này là do nhận thức về đầu tư, quản lý và vận hành sử dụng nhà chung cư tái định cư của các sở, ngành Thành phố và đơn vị vận hành, người dân được bố trí tái định cư còn chưa thống nhất. Các đơn vị quản lý, vận hành nhà chung cư tái định cư thiếu trách nhiệm và Hà Nội đã duy trì quá lâu phương thức đầu tư tái định cư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Ban Kinh tế và Ngân sách cũng nhận thấy, quy định hiện hành của Thành phố còn nhiều bất cập, chưa xác định cụ thể quyền, trách nhiệm của các bên, cơ chế tài chính chưa rõ ràng, tiền thu được từ cho thuê diện tích kinh doanh dịch vụ có đơn vị nộp vào ngân sách, có đơn vị không nộp...

Trước những thực trạng trên, sau giám sát, Ban Kinh tế và Ngân sách kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, xử lý trách nhiệm và có biện pháp khắc phục đối với 147 căn hộ do đơn vị quản lý, vận hành tự ý cho dân vào ở; 174 căn hộ bố trí cho Tập đoàn Nam Cường tạm cư tại khu chung cư Nam Trung Yên chưa thu tiền.

Ngoài ra, Ban Kinh tế và Ngân sách kiến nghị, lãnh đạo UBND Thành phố kiểm tra, rà soát các căn hộ còn trống chưa bố trí dân vào ở để có giải pháp sớm đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu nhà tái định cư của Thành phố, sử dụng hiệu quả quỹ nhà đã có và thu hồi ngân sách đã bỏ ra xây dựng tránh lãng phí, thất thoát; đẩy mạnh đấu giá quyền thuê diện tích kinh doanh...

Xuân Hưng

vnmedia

Các tin tức khác

>   TDH: Sau soát xét, 6 tháng từ lãi 25 tỷ thành lỗ gần 9 tỷ đồng (29/08/2015)

>   TP.HCM: Nguồn cung hạn hẹp trước nhu cầu thị trường nhà ở xã hội (28/08/2015)

>   Bí ẩn những bệnh viện Sài Gòn, Hà Nội xây mãi không xong (03/03/2016)

>   Tồn kho BĐS giảm trên 3.400 tỷ đồng (28/08/2015)

>   Người mua nhà đang bị “chiếm đoạt tài sản” (28/08/2015)

>   Khởi công 3 dự án tỉ đô tại Thủ Thiêm trong năm 2016 (28/08/2015)

>   NHNN công bố thêm 5 ngân hàng được bảo lãnh cho chủ đầu tư bất động sản (28/08/2015)

>   Cò đất cúng giải hạn, khách trúng đậm tháng cô hồn (28/08/2015)

>   Tỷ giá tăng không ảnh hưởng nhiều tới bất động sản (27/08/2015)

>   Vingroup đầu tư 500 tỷ xây dựng công viên ven sông lớn nhất TP.HCM (27/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật