Người mua nhà đang bị “chiếm đoạt tài sản”
Nhiều người dân phải chịu “quả đắng” khi rơi vào trường hợp mua nhà không có giấy chủ quyền, thậm chí không được giao nhà…
Chủ đầu tư “phủi tay”
Chị Diễm Phương là chủ căn hộ tầng 4 tại chung cư Nam An (Bình Thạnh), do Công ty Địa ốc Nam An xây dựng có vị trí đẹp ở khu trung tâm thành phố. Khi tìm mua nhà, chị Phương được giới thiệu tòa nhà nằm trong khu đất với diện tích 700m2, gồm 1 tầng hầm, 1 tầng trệt và 12 tầng lầu, được xây dựng theo kỹ thuật công nghệ mới nhất. Mỗi căn hộ thuộc cao ốc được thiết kế theo phong cách hiện đại, bố cục hài hòa khiến không gian từng căn hộ thêm thoáng rộng và thẩm mỹ.
Dự án PetroVietnam Landmark
|
Ngoài ra, cao ốc còn dành 2 tầng với nhiều căn hộ đặc biệt có diện tích trên 100m2 để khách hàng đặt mua và tự thiết kế căn hộ cho phù hợp với cá tính và sở thích riêng của từng người… Tin lời quảng cáo mỹ miều này, chị Phương mua căn hộ và được hứa sớm có giấy tờ chủ quyền.
Đến nay, sau gần 5 năm ở tại Nam An, điều mà chị Phương nhận được là tòa nhà xuống cấp, giấy tờ chủ quyền không làm được và chủ đầu tư thì tuyên bố “phá sản, hết trách nhiệm”.
Cũng rơi vào trường hợp bị chủ đầu tư “xù”, chị H. Nam còn cay đắng hơn là không được vào ở căn hộ cao cấp Petrovietnam Landmark khi đã đóng hết 100% tiền mua nhà. Petrovietnam Landmark là tổ hợp khu chung cư cao cấp, trung tâm thương mại, văn phòng tọa lạc tại phường An Phú, quận 2, TP. HCM do CTCP Bất động sản Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVCLand) làm chủ đầu tư.
Giá bán khởi điểm ban đầu tại dự án khoảng 23,8 triệu/m2, theo hợp đồng đến tháng 12/2011, chủ đầu tư phải bàn giao xong nhà cho khách hàng. Thế nhưng cho đến giờ, tất cả vẫn chỉ nằm trên… giấy!
Đến nay, dự án đã bán 410/418 căn hộ chung cư cho khách hàng. Đa phần khách hàng đã đóng đến 80% số tiền, thậm chí có người đóng 102% (bao gồm 2% phí bảo trì). Không chịu nổi cảnh có nhà không được lấy, mới đây, gần 100 khách hàng dự án Petrovietnam Landmark đã kéo đến trụ sở công ty PVCLand để tìm hiểu tình hình.
Thế nhưng, chủ đầu tư đã trốn mất tăm, khách hàng chỉ biết nhìn khối bê tông khổng lồ, ngưng trệ… “Chủ đầu tư đã lừa người mua nhà đóng tiền rồi trốn biệt tăm. Dự án chỉ là cái khung và đang bắt đầu xuống cấp nên người mua nhà cũng không có cách nào để nhận nhà vào ở. Chúng tôi có cảm giác như bị lừa khi mua nhà tại dự án”, chị H.Nam nói
Có phải chiếm đoạt tài sản?
Trên thực tế, những câu chuyện như trên là không ít. Ngoài thị trường có hàng trăm dự án được xây dựng cao ngất nhưng chẳng có miếng giấy tùy thân. Điều buồn cười ở đây là không có cơ quan quản lý nào can thiệp để xử lý, trong khi các sai phạm của họ đối với người dân diễn ra nhan nhản.
“Chúng tôi muốn làm giấy chủ quyền để hưởng những chính sách hợp pháp… Ngoài ra, mỗi người mua nhà đều phải đóng phí bảo trì 2% trên giá trị nhà, chủ đầu tư thu tiền này nhưng sau đó “lơ” để cho tòa nhà xuống cấp. Nay, chủ đầu tư tuyên bố không còn trách nhiệm với tòa nhà nên mỗi sự việc phát sinh người dân phải bỏ tiền túi ra để làm. Chúng tôi mong muốn pháp luật xử lý họ theo hình thức “chiếm đoạt tài sản” của người dân”, chị Phương bức xúc.
Thực tế, trong những lần trả lời báo chí gần đây, ông Nguyễn Mạnh Hà - Cục trưởng Cục Nhà và Thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, khách hàng có thể khởi kiện hành vi trục lợi của chủ đầu tư khi cố tình chiếm đoạt tiền góp của người mua nhà.
Tuy nhiên, khi bị phản ánh, một số chủ đầu tư thì trốn mất, còn lại phần lớn các chủ đầu tư vẫn “trơ ra” và biện hộ bằng hàng ngàn lý do. Chẳng hạn, đại diện chủ đầu tư dự án Nam An thừa nhận, vì dự án đã xây dựng quá lâu nên việc xuống cấp là có. “Tòa nhà có những sai phạm về giấy phép xây dựng nên không thể làm giấy chủ quyền cho các hộ dân”, đại diện chủ đầu tư nói!
Về lý thuyết, một số luật sư cho rằng có một số phần lỗi thuộc về người mua. Chẳng hạn, những hợp đồng của khách hàng như ở dự án PetroVietnam Landmark hay dự án Nam An là dạng hợp đồng góp vốn dự án nhà ở hình thành trong tương lai. Dạng hợp đồng này phụ thuộc vào uy tín của chủ đầu tư và khi có tranh chấp người mua sẽ chịu thiệt.
“Do đó, người mua căn hộ cần tìm hiểu kỹ về dự án, về uy tín chủ đầu tư, các điều khoản cam kết trên hợp đồng. Đặc biệt, theo quy định mới, khi mua dự án phải yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai giữa chủ đầu tư với ngân hàng”, vị luật sư nói.
Thế nhưng, cũng phải nhìn nhận một điều là người dân làm sao có thể biết chủ đầu tư đó có vi phạm luật pháp hay không khi họ vẫn là một DN có pháp nhân kinh doanh? Như vậy, trách nhiệm phải thuộc về cơ quan quản lý DN, nên chăng các đơn vị này thanh tra tổng thể tất cả các chủ đầu tư và công bố danh sách những chủ đầu tư lừa đảo giống như cơ quan thuế công bố những DN trốn thuế.
Ngoài ra, có những điều nghịch lý đang diễn ra khiến người dân mất tiền oan đó là chủ đầu tư không làm được giấy tờ chủ quyền sở hữu cho người mua tức là vi phạm pháp luật. Vậy tại sao vẫn có thể xây được rất nhiều dự án cùng một lúc để bán ra? Chẳng hạn, riêng Công ty Địa ốc Nam An có đến 4 cao ốc bán ra tại các quận khác nhau trên địa bàn TP.Hồ chí Minh…
Hoàng Long
thời báo ngân hàng
|