EVFTA: Gạo Việt Nam hưởng ưu đãi thuế theo hạn ngạch
Sau khi EVFTA có hiệu lực, nhiều mặt hàng xuất khẩu vào EU sẽ được miễn thuế nhưng chỉ theo một lượng hạn ngạch nhất định. Các mặt hàng này sẽ phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về nguồn gốc xuất xứ.
Ảnh minh họa
|
Tại buổi họp báo của Phái đoàn EU mới đây, ông Franz Jessen- Trưởng phái đoàn EU- cho biết, Việt Nam và EU sẽ xóa bỏ hơn 99% dòng thuế theo lộ trình, đối với Việt Nam là 10 năm, còn EU là 7 năm. Với rất ít dòng thuế còn lại, hai bên cũng sẽ dành cho nhau hạn ngạch thuế quan hoặc cắt giảm thuế quan một phần. Điểm đáng lưu ý là hiệp định này sẽ có hiệu lực ngay từ khi ký kết.
Lý giải về việc có sự chênh lệch thời gian lộ trình giảm thuế giữa hai bên, Đại sứ Franz Jessen cho hay, do trình độ phát triển thấp hơn nên lộ trình giảm thuế của Việt Nam dài hơn. Đó là một trong những biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt có thời gian chuẩn bị thích ứng.
Về lộ trình giảm thuế các mặt hàng quan trọng, Việt Nam sẽ dỡ bỏ thuế cho mặt hàng thịt lợn đông lạnh trong 7 năm; thịt bò trong 3 năm; thịt gà là 10 năm và sữa trong 5 năm… Đối với các phương tiện, máy móc, thiết bị, các doanh nghiệp nhập khẩu xe máy từ EU sẽ được miễn thuế theo lộ trình 7 năm; ôtô là 10 năm nhưng các dòng ôtô dung tích lớn lộ trình chỉ 9 năm.
EU sẽ dỡ bỏ dần thuế quan cho sản phẩm dệt may, nông sản và thủy sản Việt Nam theo lộ trình. Ví dụ, mặt hàng cà phê chế biến của Việt Nam không thuộc diện những nhóm nhạy cảm nên sẽ được hưởng mức thuế 0% sau 7 năm. Một số mã hàng thủy sản được miễn thuế nhưng chỉ theo hạn ngạch. Tương tự với gạo, chỉ một lượng nhất định được hưởng ưu đãi như: 30.000 tấn/năm với gạo thơm; 25.000 tấn/năm với gạo xay xát; 30.000 tấn/năm với gạo sữa. “Việc EU cấp hạn ngạch với gạo không những giúp Việt Nam chuyển đổi hướng sản xuất mà còn tránh việc các loại gạo giá rẻ chất lượng thấp của các nước khác trà trộn vào Việt Nam để tranh thủ ưu đãi”- ông Jean Jacques Bouflet - Trưởng Bộ phận thương mại- kinh tế phái đoàn EU- phân tích.
Riêng dệt may, ngay khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ miễn thuế cho các sản phẩm nhập khẩu từ EU, nhưng EU chỉ miễn thuế cho sản phẩm dệt may của Việt Nam sau 7 năm và phải thỏa mãn quy định về nguồn gốc xuất xứ. Điểm đặc biệt, mặc dù yêu cầu nguồn gốc xuất xứ chặt chẽ, song EU lại cho phép áp dụng quy chế cộng dồn, tức là chấp nhận nguồn gốc xuất xứ từ các nước mà cả EU và Việt Nam đều có quan hệ FTA chung như Hàn Quốc. Đây sẽ là điểm DN Việt Nam có thể tận dụng để hưởng ưu đãi.
Sau khi EVFTA có hiệu lực, Việt Nam sẽ được EU công nhận 37 chỉ dẫn địa lý thay vì chỉ có 1 (nước mắm Phú Quốc) như hiện nay.
|
Phượng - Hường
báo công thương
|