Thứ Ba, 18/08/2015 13:00

Dấu ấn dự phòng rủi ro và hoạt động khác lên lợi nhuận ngân hàng quý 2/2015

Trong bối cảnh ngành ngân hàng đang gặp nhiều sóng gió, kết quả kinh doanh quý 2/2015 cũng phần nào phản ánh được điều này khi biến động tăng giảm khó lường, rủi ro vẫn chực chờ khiến lợi nhuận không dễ dàng được bảo toàn hay dự đoán. Bởi ngân hàng to chưa chắc đã khỏe, ngân hàng cho vay nhiều chưa chắc đã lãi nhiều và ngân hàng lãi nhiều chưa chắc là ít rủi ro.

Tăng trưởng tín dụng cao thì thu nhập lãi thuần nhiều?

Nổi lên trong quý 2/2015 là trường hợp của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với thu nhập lãi thuần đột biến hơn 2,390 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng cho vay của VPBank cũng cao ngất ngưởng ở mức 23% so với đầu năm 2015, còn tăng trưởng huy động khách hàng là 11%.

Cũng nằm trong mối tương quan thuận giữa tín dụng và thu nhập lãi thuần nhưng Eximbank (EIB) ghi nhận giảm cả tăng trưởng tín dụng lẫn thu nhập lãi thuần xấp xỉ 5%. Thu nhập lãi thuần trong quý 2 của ngân hàng đạt gần 660 tỷ đồng.

Tăng trưởng cho vay khách hàng đến cuối quý 2/2015
ĐVT: tỷ đồng
Thu nhập lãi thuần quý 2/2015 của các ngân hàng
ĐVT: tỷ đồng

Thông thường lập luận cho vay càng nhiều thì lãi càng cao nghe có vẻ logic nhưng bức tranh hoạt động kinh doanh của các ngân hàng trong quý 2/2015 không chỉ tương quan thuận đơn thuần như vậy mà có đủ mọi sắc thái tăng giảm khác nhau (hầu hết các ngân hàng đều tăng trưởng huy động thấp hơn cho vay hoặc giảm huy động trong khi cho vay tăng).

Nghịch lý tăng trưởng tín dụng mạnh nhưng lãi thuần thu về sụt giảm xuất hiện tại trường hợp của BIDV (BID) - một ngân hàng cỡ “bự” với tăng trưởng cho vay và huy động lên đến 16% và 21%, đạt hơn 518,250 tỷ và 531,060 tỷ đồng - cao nhất toàn ngành nhưng thu nhập lãi thuần giảm 7% so với cùng kỳ năm trước. Hay Ngân hàng Phương Đông (OCB) tăng trưởng tín dụng 14% nhưng thu nhập lãi thuần giảm nhẹ 1% - đạt 363 tỷ đồng.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng vẫn “ca” nốt thăng

Vẫn như những kỳ trước, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tiếp tục đeo bám ngân hàng và trở thành yếu tố sống còn tác động mạnh đến lợi nhuận của các nhà băng này.

Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng quý 2/2015 tại các ngân hàng
ĐVT: tỷ đồng

Cùng với việc ghi nhận thành tích về tăng trưởng cho vay và thu nhập lãi thuần trong ngành ngân hàng, VPBank thêm lần nữa xuất hiện trong top các ngân hàng có mức tăng chi phí dự phòng rủi ro cao nhất – gấp gần 7 lần cùng kỳ năm trước với hơn 860 tỷ đồng. Mức tăng chi phí dự phòng rủi ro tại Ngân hàng Kỹ thương VN (Techcombank) cũng cao đột biến, gần gấp 3 lần cùng kỳ năm trước với hơn 720 tỷ đồng.

Ba “ông lớn” BIDV, Vietcombank và VietinBank (CTG) đứng đầu về số tuyệt đối chi phí dự phòng đã trích lập trong kỳ, đều trên 1,000 tỷ đồng, trong đó Vietcombank và VietinBank tăng trên dưới 50% so với cùng kỳ năm trước. Riêng BIDV trích lập cao nhất - gần 2,590 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro, nếu so sánh với thu nhập lãi thuần thì khoản này tương đương tỷ lệ 66%.

Và đây cũng là yếu tố sống còn quyết định cuối cùng đến lợi nhuận của các nhà băng mang về trong kỳ bởi thứ hạng về lợi nhuận trước và sau khi trích lập dự phòng đều bị xáo trộn.

Lợi nhuận trước dự phòng và sau dự phòng trong quý 2/2015 của các ngân hàng
ĐVT: tỷ đồng

Ngay trong nhóm ba “ông lớn”, mặc dù lợi nhuận trước thuế và dự phòng của Vietcombank cao nhất nhưng VietinBank lại giành quán quân lãi sau thuế do trích lập dự phòng thấp hơn. Hay như trường hợp của BIDV, lợi nhuận trước thuế và dự phòng hơn 3,460 tỷ - á quân toàn ngành nhưng khoản trích lập dự phòng khủng đã đẩy lãi sau thuế tụt xuống vị trí thứ tư và bị Ngân hàng Quân đội (MBB) qua mặt.

VietinBank mặc dù xếp quán quân nhưng lãi sau thuế lại sụt giảm 5%, đạt gần 1,790 tỷ đồng cũng do thủ phạm chính là chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Ngôi sao mới nổi VPBank mặc dù xếp trước MBB về lợi nhuận trước thuế và dự phòng nhưng cuối cùng cũng hoán đổi vị trí lãi sau thuế bởi chi phí dự phòng rủi ro tín dụng cao.

Giảm mạnh nhất là Eximbank hơn 84% so với cùng kỳ năm trước, từ 169 tỷ về còn 27 tỷ đồng, lùi về sau OCB mặc dù xếp đàn anh về lãi trước dự phòng rủi ro.

Lãi từ hoạt động khác tăng mạnh

Quý 2/2015 xuất hiện hiện tượng lãi từ hoạt động khác tại nhiều ngân hàng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt trong số các nhà băng này khoản lãi thuần từ hoạt động khác gần 1,120 tỷ đồng của BIDV, cao gấp 3.5 lần cùng kỳ năm trước và gần bằng 1/3 thu nhập từ lãi.

Mặc dù có số tuyệt đối và tỷ trọng thấp hơn nhưng lãi thuần từ hoạt động khác của VietinBank cũng gấp 3 lần cùng kỳ năm trước, hay VPBank tăng vọt từ 19 tỷ lên gần 250 tỷ đồng, và trường hợp từ 8 tỷ “nhảy” lên 202 tỷ đồng tại Techcombank.

Lãi từ hoạt động khác của các ngân hàng trong quý 2/2015
ĐVT: tỷ đồng

Còn tại PVcomBank, tình trạng này đã lặp lại từ nhiều kỳ trước với nguồn lợi nhuận chính của ngân hàng đến từ hoạt động khác. Trong quý 2/2015, khoản lãi này tại PVcomBank là 404 tỷ đồng, tăng 33% cùng kỳ và cũng vượt xa so với 12 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.

Mặc dù hầu hết các ngân hàng này không trình bày chi tiết thuyết minh về các khoản thu nhập khác đột biến nhưng nhìn lại cáo cáo tài chính năm 2014 của BIDV, VietinBank và Vietcombank thì phần lớn lợi nhuận khác này đến từ thu nhập nợ xấu đã được xử lý. Xét về dòng tiền thu vào từ hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này trong nửa đầu năm 2015, tiền thu các khoản nợ đã được xử lý xóa, bù đắp bằng dự phòng rủi ro của BIDV gần 1,280 tỷ, VietinBank gần 700 tỷ và Vietcombank 580 tỷ đồng. Còn tại PVcomBank, dòng tiền tăng thêm ngoài hoạt động kinh doanh chính không phải đến từ tiền thu các khoản nợ đã được xử lý mà chỉ được ghi là thu nhập khác. Riêng Techcombank có thuyết minh rõ khoản lợi nhuận khác này chủ yếu từ thu hồi nợ đã xóa sổ và thu nhập khác.

* PVcomBank: số liệu BCTC công ty mẹ quý 2/2015

Nhìn chung trong 6 tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đạt trên 50% kế hoạch năm như MBB, ACB, VietinBank, Vietcombank, Sacombank và Eximbank, một số nhà băng khác thực hiện được trên 40% kế hoạch, riêng OCB mới đi được hơn 15% chặng đường năm.

Minh Hằng

Các tin tức khác

>   ĐHĐCĐ GEX: Những bất ngờ từ nhân sự tham gia HĐQT (05/03/2016)

>   BPC: Báo cáo tài chính bán niên năm 2015 (18/08/2015)

>   Danh sách các Công ty Chứng khoán đã nộp BCTC soát xét bán niên và tỷ lệ an toàn tài chính bán niên năm 2015 (tính đến hết ngày 17/08/2015) (18/08/2015)

>   Sao Mai An Giang và bài toán 'nhất cử lưỡng tiện' (18/08/2015)

>   NDN: Ngày đăng ký cuối cùng Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2015 (18/08/2015)

>   EFI – PVR – NXBGD VN: “Ván bài” thâu tóm đất vàng Giảng Võ? (18/08/2015)

>   MCO: Báo cáo tài chính quý 2/2015 (17/08/2015)

>   VTX: Báo cáo tài chính bán niên năm 2015 (17/08/2015)

>   SDI: BCTC công ty mẹ quý 2/2015 (17/08/2015)

>   SDI: BCTC hợp nhất quý 2/2015 (17/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật