Cán cân quyền lực tại EFI và “ván bài” thâu tóm đất vàng? (Kỳ cuối)
EFI – PVR – NXBGD VN: “Ván bài” thâu tóm đất vàng Giảng Võ?
Mắt xích để làm rõ mối quan hệ giữa NXBGD VN – PVR – EFI, 3 doanh nghiệp hoạt động ở 3 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, có lẽ nằm ở điểm chung lại là dự án tại địa chỉ 187 Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP.Hà Nội.
Địa chỉ 187B Giảng Võ, phường Cát Linh, quận Đống Đa, TP.Hà Nội hiện đang là Cửa hàng Sách Giáo dục của NXBGD VN.
|
* Kỳ 1 - EFI: Mâu thuẫn nội bộ, chây ì tổ chức ĐHĐCĐ
* Kỳ 2 - EFI: Gom cổ phiếu, xoay chuyển cán cân quyền lực
Câu chuyện “đất vàng”
Câu chuyện đất vàng bắt đầu từ năm 2008. Cụ thể, ngày 20/02/2008, CTCP Đầu tư Tài chính Giáo dục (EFI), NXBGD VN, CTCP Xây dựng Sông Hồng (ICG) và Xúc tiến thương mại KAF đã ký kết hợp đồng liên doanh số 01/2008/HĐLD về việc góp vốn thành lập CTCP Đầu tư IP Việt Nam (Incomex – Pushishing House) thực hiện đầu tư xây dựng Công trình hỗn hợp cao tầng tại 187 Giảng Võ, Cát Linh, Đống Đa, Hà Nội. Cơ cấu cổ đông của Đầu tư IP Việt Nam bao gồm: Đại diện cho phần vốn góp nhà nước (NXBGD VN) là 38%, ICG nắm giữ 39%, EFI nắm giữ 13% và KAF nắm giữ 10%.
Dự án được xây dựng trên diện tích đất khoảng 9,100 m2 chia làm 2 khu riêng biệt: Khu chung cư có quy mô 21 tầng cao và 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn là 29,568 m2; Khu văn phòng và siêu thị có tổng mức đầu tư là 1,300 tỷ đồng với quy mô 29 tầng cao và 3 tầng hầm, tổng diện tích sàn là 58,200 m2, dự kiến dự án này sẽ đáp ứng nhu cầu ở của khoảng 200 hộ dân.
Tuy nhiên, việc đầu tư dự án này không suôn sẻ như dự tính, kể từ năm 2008 đến nay, tất cả những gì dự án làm được chỉ là những bản thảo trên giấy, thậm chí đến tháng 04/2012, do tiến độ thực hiện quá chậm, UBND Tp Hà Nội đã ban hành văn bản yêu cầu chủ đầu tư sớm triển khai dự án. Trong BCTN 2014 của EFI, nguyên nhân chưa triển khai được dự án do phải chờ UBND Tp Hà Nội phê duyệt Quy chế quản lý kiến trúc công trình cao tầng trong nội đô. Đến tháng 07/2013, UBND Tp Hà Nội đã hoàn thiện Dự thảo quy chế và có văn bản gửi Bộ Xây Dựng xin ý kiến góp ý trước khi chính thức phê duyệt. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin gì thêm.
Cũng tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của ICG, khi được hỏi về tiến độ triển khai dự án 187 Giảng Võ, đại diện công ty cho biết, đến hiện tại vẫn chưa có thêm tin mới về quy hoạch và tất cả các doanh nghiệp vẫn chưa thể thực hiện được dự án. Với việc kéo dài dự án và chưa có thời gian cụ thể thực hiện, ICG đã lên phương án chuyển nhượng dự án này. Vị này cũng chia sẻ, ICG đã ký hợp đồng chuyển nhượng với một công ty tư nhân, tuy nhiên do vướng thủ tục pháp lý nên dự án vẫn chưa được chuyển nhượng.
Quay lại với câu chuyện về NXBGD VN – PVR – EFI, mặc dù PVR không hề tham gia trong hợp đồng góp vốn thực hiện dự án nhưng PVR lại có mối quan hệ đặc biệt với EFI và ICG. Trên BCTC quý 2/2015 của PVR, Công ty hiện đang có 2 khoản đầu tư ngắn hạn – chứng khoán kinh doanh vào ICG và EFI với giá trị lần lượt là 4.3 và 5.4 tỷ đồng. Đồng thời, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT của PVR cũng đảm nhiệm vị trí thành viên HĐQT tại cả 2 công ty trên và cả Đầu tư IP Việt Nam (Chủ đầu tư dự án 187 Giảng Võ), trước đó ông Nguyễn Tuấn Anh cũng đã có một thời gian dài làm việc tại ICG trước khi đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT tại PVR.
“Ván bài” thâu tóm dần gợi mở
Liên quan đến dự án “đất vàng”, tại ĐHĐCĐ thường niên 2014, cổ đông EFI đã thống nhất thông qua chủ trương thoái vốn khỏi dự án 187 Giảng Võ với mức giá không thấp hơn giá trị vốn góp vào Đầu tư IP Việt Nam (13 tỷ đồng). Tuy nhiên, việc thoái vốn của EFI đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có thông tin gì mới.
Trong khi trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2015 của ICG, đại diện công ty này cũng cho biết thêm, việc chuyển nhượng phần vốn góp của ICG tại dự án đã được đàm phán với một doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp này cũng mua lại 23% của các đơn vị khác qua đó nắm 62% vốn.
Theo những gì vị này cho biết thì con số 23% hoàn toàn trùng với giá trị phần vốn góp của EFI và KAF nắm giữ. Nhưng với những thông tin trên BCTC quý 2/2015 của ICG, toàn bộ 39% tương đương giá trị 39.78 tỷ đồng hiện vẫn còn là sở hữu của ICG, đồng thời trên BCTC quý 1/2015 của EFI, phần vốn góp vẫn giữ nguyên 13 tỷ đồng. Điều này cho thấy, có thể vụ việc chỉ đang dừng ở mức đàm phán và phía những doanh nghiệp nói trên chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Cần lưu ý rằng, tỷ lệ sở hữu hiện tại của NXBGD VN là 38%, nếu giữ lại được 13% của EFI thì vừa đủ 51% để chi phối tại Đầu tư IP Việt Nam, cùng với đó là quyền chủ động khai thác khu đất vàng 187 Giảng Võ, trong khi nếu nhà đầu tư “bí ẩn” kia muốn thâu tóm dự án, việc mua lại 13% của EFI cũng là bắt buộc để đưa tỷ lệ sở hữu vượt quá bán.
Sự việc này có thể sẽ lý giải hoàn toàn nhưng sự kiện diễn ra tại EFI kể từ đầu năm trở lại đây, nhất là những động thái trong cuộc “chạy đua” chiếc ghế cuối cùng của HĐQT.
Hiện tại HĐQT EFI chỉ có 4 người, việc quyết định có thoái vốn khỏi Đầu tư IP Việt Nam hay không và thoái vốn như thế nào hoàn toàn phụ thuộc vào quyết định của HĐQT do trước đó tại ĐHĐCĐ 2014, cổ đông đã thống nhất chủ trương thoái vốn. Tuy nhiên nhìn một cách đơn giản hơn, quyết định này lại phụ thuộc chính vào thành viên HĐQT mới sẽ được bầu bổ sung tại ĐHĐCĐ bất thường sắp tới, cũng như phụ thuộc vào cán cân quyền lực trong HĐQT sẽ nghiêng về phía nào.
Câu chuyện tại EFI sẽ có lời giải khi thành viên HĐQT còn khuyết lộ danh tính, cùng với đó là dự án trên “đất vàng” 187 Giảng Võ liệu sẽ về tay nhà đầu tư “bí ẩn” hay sẽ được NXBGD giữ lại cũng sẽ được hé mở.
CTCP Kinh doanh Dịch vụ Cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) tiền thân là CTCP Dầu khí Tản Viên trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với vai trò là một đơn vị chuyên nghiệp của ngành Dầu khí đảm nhận lĩnh vực kinh doanh bất động sản; kinh doanh các dịch vụ cao cấp như sân Golf, resort, khu vui chơi giải trí; kinh doanh các hoạt động thể thao…
Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, PVR rơi vào tình cảnh “bi đát” cùng với sự đi xuống của thị trường BĐS. Hoạt động kinh doanh trong 2 năm gần đây nhất của PVR hoàn toàn phụ thuộc vào doanh thu tài chính, trong khi hoạt động kinh doanh cốt lõi không thu được kết quả. Năm 2015 của PVR cũng báo hiệu triển vọng không tốt khi công ty ghi nhận lỗ ròng trong cả 2 quý đầu năm.
|
Đăng Tùng
|