Chủ đầu tư nợ thuế, khách hàng bị “treo” sổ đỏ: Bất hợp lý
Trong khi người bán nhà vi phạm nghĩa vụ tài chính với Nhà nước, thay bằng việc tách bạch mối quan hệ giữa ba bên và có biện pháp mạnh để xử lý hành vi vi phạm của chủ đầu tư thì cơ quan nhà nước lại quay sang hạn chế quyền lợi của người mua nhà. Rơi vào mối quan hệ mua - bán mà nhiều quy định pháp luật còn bất cập, chỉ khách hàng là người chịu thiệt.
Danh sách các dự án chây ì đóng thuế có cả những chung cư đang mở bán (ảnh minh họa).
|
Sơ hở lớn cần hoàn thiện
Chuyện các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản (BĐS) nợ tiền sử dụng đất (SDĐ) không phải là mới, hệ lụy nó để lại cho khách hàng (mua căn hộ nhưng không được cấp sổ hồng, sổ đỏ) cũng được bàn luận rất nhiều. Nhưng đến nay tình trạng trên vẫn tiếp tục tái diễn và chắc chắn là chưa thể chấm dứt hoặc giải quyết triệt để trong nay mai. Nhiều ý kiến cho rằng, chính sự buông lỏng quản lý của các cơ quan chức năng cộng với những bất cập trong các quy định xử phạt đã khiến nhiều chủ đầu tư có cớ để trì hoãn nghĩa vụ nộp thuế. Hơn nữa, nhìn ra xung quanh cũng có vô khối doanh nghiệp khác đều trong tình trạng tương tự, vậy nên chẳng có lý do gì phải vội vàng khi công việc huy động vốn của họ đang gặp khó khăn.
Về phía người dân thì hầu hết không nắm rõ quy định của pháp luật điều chỉnh mối quan hệ giữa trách nhiệm nộp tiền SDĐ với quyền mở bán căn hộ của chủ đầu tư các dự án. Dự án này có giấy phép hợp pháp hay không?. Cơ sở hạ tầng có thuận lợi không?. Tiến độ xây dựng ra sao?. Giá sàn căn hộ là bao nhiêu... đó mới là những quan tâm hàng đầu của khách hàng. Không thể đổ lỗi hết cho người mua nhà khi căn hộ họ đã mua chưa làm được sổ đỏ. Bởi việc đốc thúc chủ đầu tư nộp thuế cũng như chậm xử lý sai phạm này là nghĩa vụ và trách nhiệm của các cơ quan chức năng.
Tại sao khi quản lý không chặt, không thu được tiền thuế thì cơ quan chức năng lại quay sang “túm tóc” người dân, dùng người dân để gây “sức ép”, buộc chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước? Căn cứ theo Điều 42 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ thì những dự án chung cư chưa nộp tiền SDĐ sẽ không được phép bán căn hộ cho khách hàng. Để chặt chẽ hơn, sao không buộc các chủ đầu tư phải nộp đủ tiền SDĐ trước khi khởi công công trình, việc này vừa bảo vệ được quyền lợi của khách hàng, vừa giảm tải công việc cho các cơ quan chức năng khi không phải “thả gà ra đuổi”? Đợi đến khi cơ quan nhà nước bêu tên vì nợ thuế thì chủ đầu tư đã thu được rất nhiều tiền của người mua nhà. Như vậy, chỉ khách hàng là người chịu thiệt.
“Việc công khai các dự án nợ tiền SDĐ lẽ ra cần phải làm sớm hơn, trước khi chủ đầu tư mở bán sản phẩm. Tôi nghĩ pháp luật đang có một sơ hở lớn cần phải hoàn thiện. Bởi khi chủ đầu tư làm những dự án lớn, họ phải có đủ năng lực tài chính để đảm bảo tối thiểu về việc xây dựng móng, nộp thuế và các nghĩa vụ tài chính ban đầu thì mới đảm bảo triển khai thành công dự án và quyền lợi của người mua nhà. Còn nếu chủ đầu tư “tay không bắt giặc”, nguồn lực tài chính không có, tất cả chỉ là đi huy động và dựa vào số tiền bán nhà hình thành trong tương lai thì đương nhiên dẫn đến rủi ro cho khách hàng và thiệt hại cho Nhà nước” - một luật sư thuộc Đoàn Luật sư TP.Hà Nội chia sẻ.
Nhà nước sẽ khởi kiện chủ đầu tư nợ thuế?
Bên cạnh các ý kiến cho rằng phải có biện pháp mạnh tay đối với chủ đầu tư chậm nộp thuế như phong tỏa tài khoản, vô hiệu hóa hóa đơn hoặc không cho doanh nghiệp thực hiện dự án mới… thì cũng có ý kiến đề xuất nên tách bạch mối quan hệ giữa chủ đầu tư với Nhà nước và chủ đầu tư với khách hàng. Việc chủ đầu tư vi phạm pháp luật sẽ có các chế tài điều chỉnh, còn quyền lợi của khách hàng khi đã nộp đủ tiền mua nhà thì phải được đảm bảo.
Ở một khía cạnh khác, đề cập đến quyền lợi của khách hàng mua nhà, pháp luật cho phép họ có quyền kiện chủ đầu tư ra tòa nếu đã nộp đủ tiền mua căn hộ mà chưa được cấp sổ đỏ. Vậy tại sao không hoán đổi mối quan hệ này cho Nhà nước và chủ đầu tư? Tức là cơ quan chức năng sẽ khởi kiện chủ đầu tư khi họ cố tình chây ì việc nộp tiền SDĐ và các nghĩa vụ tài chính khác thay vì khách hàng phải khởi kiện.
Nói như vậy không phải để khuyến khích người dân “tiếp tay” cho các sai phạm của chủ đầu tư bằng cách tiêu thụ những căn hộ thuộc dự án chưa đủ điều kiện chào bán mà để thấy rằng trong mối quan hệ chủ đầu tư – khách hàng - Nhà nước thì khách hàng luôn là “người yếu thế”. Trong khi đó các quy định của pháp luật hiện hành ở chừng mực nào đấy vẫn chưa bao quát và đảm bảo được quyền lợi hợp pháp của người dân khi họ rơi vào mối quan hệ pháp luật có khá nhiều rủi ro mà không thể lường trước.
Khánh Chi
pháp luật vn
|