Thứ Sáu, 07/08/2015 10:13

Châu Âu tháng 8

Mùa hè là kỳ nghỉ quan trọng nhất với dân châu Âu và cũng là hàn thử biểu quan trọng cho những nền kinh tế.

Thứ Bảy cuối tuần qua được gọi là “Ngày đen tối” ở nước Pháp. Không phải là chỉ số CAC-40 tụt dốc ghê gớm như Shanghai Composite. Cũng không có vụ khủng bố ghê rợn nào như Charlie Hebdo. “Ngày đen tối” chỉ là cách gọi của báo chí về ngày mà dân chúng Pháp chất đồ lên xe và lao ra quốc lộ từ 4 giờ sáng để đến những khu nghỉ mát. Kỳ nghỉ hè là đợt nghỉ quan trọng nhất trong năm ở Pháp và các nước châu Âu. Nước Pháp là cục nam châm khổng lồ thu hút du khách từ khắp nơi, vừa với tư cách điểm đến, vừa với vai trò là trạm dừng chân để xuôi xuống các điểm nóng du lịch phía Nam như Tây Ban Nha, Ý.

Trong ngày thứ Bảy, tổng số quãng đường kẹt xe trên các quốc lộ trên toàn nước Pháp lên tới 880 ki lô mét, bắt đầu từ sáng sớm cho đến tối mịt. Tất cả diễn ra trên những quốc lộ 4-8 làn xe và tốc độ lưu thông 130 ki lô mét/giờ. Cắn đuôi nhau trên các con đường không chỉ có dân Pháp mà còn cả dân khắp nơi từ châu Âu đổ qua, nhiều nhất là Hà Lan, Anh và Đức. Những quãng đường phải đi với thời gian gấp đôi, gấp ba so với thường lệ. Với những người vượt biển từ Anh sang, sự mệt mỏi còn nhiều hơn khi Eurotunnel đóng cửa do bạo loạn của những người nhập cư ở cửa ngõ Calais. Mùa hè êm ả trong các thành phố, nhưng ầm ĩ trên những con đường.

Với những nước như Pháp, kỳ nghỉ hè được xem là hàn thử biểu của nền kinh tế. Năm nào kinh tế khởi sắc, dân chúng túa đi khắp nơi, năm nào u ám, các trại nghỉ dưỡng ở các thành phố lại phải mở nhiều hơn để chăm sóc những người không có điều kiện đi xa. Khởi nguồn từ thập kỷ 30 của thế kỷ trước, kỳ nghỉ hè trở thành một quan niệm sống của dân Pháp: dù có bận rộn, khó khăn đến đâu cũng phải có một kỳ nghỉ trong hè. Trong “ba thập kỷ vinh quang”, dân Pháp nghỉ cả tháng mùa hè và cả tháng mùa đông, giờ khó khăn hơn thì ít nhất cũng phải nghỉ 2-3 tuần. Vì thế, mới có những khái niệm đặc trưng “người tháng 7”, “người tháng 8”... về sau lan sang cả những nước láng giềng.

Nhưng, mọi thứ đang đổi thay, theo chiều ảm đạm. Kinh tế châu Âu và nước Pháp khó khăn suốt sáu năm qua đã buộc người dân phải thay đổi lối sống. Những chuyến đi kéo dài cả tháng trời giờ trở nên xa xỉ. Theo thống kê mới đây của IFOP, 63% dân Pháp dự định đi nghỉ trong hè nhưng trên một nửa chọn các điểm đến trong nước với thời gian trung bình là hai tuần. Người lao động đã thế, các doanh nghiệp cũng hạn chế nghỉ ngơi.

Ba năm trước, 40% doanh nghiệp Pháp đóng cửa trong tháng 8 nhưng năm nay, con số chỉ là 23%. Nước Pháp không còn là ốc đảo kinh tế trong tháng 8. Ngay cả mùa giảm giá hàng năm kết thúc vào cuối tháng 7 thì năm nay cũng kéo dài thêm hai tuần, đến tận 4-8 mới kết thúc và còn dai dẳng nhiều ngày sau đó.

Với người dân Paris, sự thay đổi thấy rõ nhất là đỗ xe ở Paris vào tháng 8 không còn miễn phí. Đỗ xe ngày thứ Bảy cũng không miễn phí. Và thay vì chỉ thu tiền đến 19 giờ, người đi xe phải trả tiền đến tận 20 giờ. Với phí 4 euro/giờ, ngân sách Paris dự tính sẽ thu về 125 triệu euro năm 2015, gần gấp đôi con số 68 triệu năm 2014.

Với nước Pháp, mùa hè bây giờ là của những chuyến đi ngắn hối hả và của những khoản tận thu, không phải là mùa hè của những tháng ngày nằm dài thượt trên các bãi biển Địa Trung Hải mà vẫn hưởng nguyên lương.

Nhìn vào những người đi du lịch, cũng có thể so sánh được bức tranh kinh tế của Pháp với những nước châu Âu khác. Dù vẫn cùng Đức chiếm tỷ lệ dân số đi nghỉ hè nhiều nhất (63% và 62%) nhưng tỷ lệ này ở Pháp và Đức giữ nguyên, thậm chí giảm so với các năm trước, trong khi ở các nước mà kinh tế bắt đầu phục hồi, như Ý, Tây Ban Nha hay Bỉ, số người đi nghỉ tăng mạnh: 18% ở Tây Ban Nha, 8% ở Ý và 10% ở Bỉ. Người dân các nước này đi nhiều hơn và cũng chi mạnh tay hơn. Trung bình, ngân sách cho một kỳ nghỉ của cư dân châu Âu là 2.390 euro, cao hơn năm trước 180 euro, nhưng dân Đức, Áo, Anh, Hà Lan chi mạnh hơn dân Pháp, Ý. Để so sánh, tăng trưởng của Pháp quí vừa qua ở mức 0,2% trong khi ở Anh là 1,7%.

Mùa hè nước Pháp, với các bãi biển Địa Trung Hải và Đại Tây Dương đẹp như tranh, giờ có vẻ như không còn dành nhiều cho dân Pháp mà dành cho dân Anh, Hà Lan, Đức, hay ầm ĩ nhất vài ngày qua là dành cho phái đoàn giàu có đến 1.000 người của Hoàng gia Ảrập Saudi. Điểm đến số 1 của dân Pháp dịch xuống xa hơn: đảo Corse, nơi chi phí rẻ hơn. Còn trong các khu cắm trại và các khách sạn bờ biển, dày đặc dân cư các nước láng giềng. Ở đó, như miêu tả của những tờ báo Pháp, “cảm giác như một nửa nước Hà Lan đã đổ về đây”.

Tất nhiên, xét về kinh tế, đó vẫn là một thắng lợi.

Quang Dũng (Paris)

tbktsg

Các tin tức khác

>   Vàng hồi sinh trước làn sóng bán tháo trên TTCK Mỹ (07/08/2015)

>   Dầu WTI ngày càng rời xa 45 USD/thùng, dầu Brent vẫn dưới 50 USD (07/08/2015)

>   Ngân hàng Trung ương Anh vẫn chưa tăng lãi suất trong năm nay (06/08/2015)

>   Pháp bí mật chuyển cho Nga 1,1 tỷ euro bồi thường vụ Mistral (06/08/2015)

>   CPI của Thụy Sĩ xuống thấp nhất 8 năm, nguy cơ giảm phát cận kề (06/08/2015)

>   "Kinh tế thế giới có thể tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 2008" (06/08/2015)

>   Vàng suýt tiếp đáy 5 năm khi đồng USD tăng mạnh (06/08/2015)

>   Dầu rớt mốc 45 USD/thùng lần đầu tiên kể từ tháng 3 (06/08/2015)

>   Chủ nợ không chấp nhận đề xuất tái cơ cấu nợ của Ukraine (05/08/2015)

>   IMF dự định hoãn đưa nhân dân tệ vào rổ tiền tệ SDR (05/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật