Thứ Hai, 24/08/2015 15:46

Ai được lợi khi khách sạn thương mại Sài Gòn “cố tình” làm lỗ ?

Khách đến thuê phòng và sử dụng các dịch vụ tại khách sạn, nhân viên sẽ gây khó khăn để khách phải chán, bỏ đi. Sự việc kỳ lạ này đang diễn ra tại khách sạn thương mại Sài Gòn (80, Lý Thường Kiệt, Hà Nội), ngay trong giai đoạn đơn vị này "dính" nghi án bất thường, lình xình trong quá trình xin thoái vốn...

Tận mắt kiểu kinh doanh kỳ lạ

Trong vai khách cần thuê phòng tại khách sạn Sài Gòn (Hà Nội), phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam trực tiếp thâm nhập vào khách sạn thương mại Sài Gòn để tìm hiểu về nội tình sự việc. 

Khi phóng viên vào khách sạn thương mại Sài Gòn để đặt phòng thì quầy lễ tân vắng teo. Quan sát xung quanh khách sạn, phóng viên nhận thấy không có hoạt động như một khách sạn bình thường, nhìn ngó xung quanh chỉ thấy nhân viên lễ tân, nhân viên mở cửa và phóng viên. Thắc mắc về cửa hàng cà phê của khách sạn không thấy có người phục vụ, nhân viên lễ tân tên Hoàng Thị Ngân cho biết: “Quán cà phê bên em dẹp đi rồi anh ạ”.

Khi phóng viên đặt vấn đề muốn thuê phòng cho khách du lịch, vẻ mặt của lễ tân Ngân bỗng nhiên biến sắc, ấp úng nói: “Để em gọi chị Tuyết Anh phụ trách việc này, anh hỏi nhé!”. Sau cuộc gọi của nhân viên lễ tân, vài phút sau người phụ trách tên Nguyễn Tuyết Anh tuổi chừng ngoài 40 xuất hiện. 

Trái với suy nghĩ của phóng viên, thái độ của bà Tuyết Anh không tỏ vẻ hồ hởi đón tiếp khách, mà thay vào đó là vẻ mặt hời hợt. Sau khi nghe phóng viên nói chuyện, bà Tuyết Anh nói: “Thực ra khách sạn đang nằm trên đất của dự án nên cũng không muốn cho thuê phòng lắm”, phóng viên cũng hơi bất ngờ.

Khi phóng viên hỏi giá tiền phòng và xin bảng báo giá phòng để báo về công ty để thông báo lại cho khách, bà Tuyết Anh nói: “Ở đây không niêm yết bảng báo giá, chả có chỗ nào cung cấp cho em bảng báo giá cả”?. Thấy vô lý vì là khách sạn có cổ phần của cơ quan nhà nước vả lại bảng báo giá phòng thường dán thông báo công khai cho khách chứ không có chuyện “mập mờ” như vậy.

Phóng viên liền nói: “Em từng dẫn khách đi rất nhiều khách sạn, chưa bao giờ thấy khách sạn nào không có bảng giá phòng cả”, lúc này bà Tuyết Anh nói: “Ở đây không niêm yết bảng giá, 40 USD/phòng, cả phòng lớn và phòng nhỏ như nhau, nếu em thích thì thuê, không thích thì thôi”. Thấy vậy, phóng viên liền nói: “Vậy em xin cái card của khách sạn, có gì em liên hệ sau” và ra về.

Cố tình "làm lỗ" để thoái vốn thuận lợi?

Nhiều ngày sau, quan sát tại khách sạn này, nhóm phóng viên vẫn thấy tình trạng "vắng vẻ" và tâm lý "đuổi khách", không muốn kinh doanh. Đến một quầy hàng bên cạnh hông khách sạn, được biết giá thuê cao ngất ngưởng, cũng bị dẹp bỏ. Trong khi đây là khu đất vàng, khách sạn này cũng từng rất nhộn nhịp, đông khách cùng với các quán cà phê và khu vực cho thuê quầy hàng bên ngoài, hoạt động suốt ngày đệm.

Tìm hiểu của PLVN cho thấy dường như khách sạn này cố tình làm ăn thua lỗ nên khi khách đến thuê phòng và sử dụng các dịch vụ tại khách sạn, nhân viên sẽ gây khó khăn để khách phải chán, bỏ đi và không thuê phòng của khách sạn, nhằm kéo hụt doanh thu xuống, tạo lộ trình cho con đường thoái vốn của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) được thuận lợi.

Được biết, khách sạn thương mại Sài Gòn chính thức đi vào hoạt động từ tháng 7/2013 với hình thức liên doanh giữa VNR và Công ty TNHH Hà Thành. Trong đó, VNR giữ 50% vốn điều lệ với việc tích góp giá trị tài sản trên đất, trang thiết bị và quyền sử dụng lô đất 1.005 m2 này. Công ty TNHH Hà Thành góp bằng tiền mặt, chiếm nốt 50% vốn còn lại.

Với mục tiêu kinh doanh khách sạn 4 sao trên nền khách sạn cũ, nhưng suốt 3 năm qua kết quả kinh doanh của khách sạn này lại rất lẹt đẹt và tệ hại. Được biết, tính từ tháng 7-2013 đến hết năm 2014, dù vẫn cơ sở vật chất và đội ngũ nhân viên cũ, song công suất phòng giảm thê thảm, chỉ đạt từ 52-58%. Trong đó 5 tháng cuối năm 2013 lỗ 0,6 tỉ đồng, năm 2014 lỗ 2,73 tỉ đồng.

Cùng với đó, phương án chuyển nhượng vốn của VNR được thảo ra trong nghị quyết số 08-15/NQ-HTV ngày 17/04/2015, ngày 07/05/2015, VNR đã gửi lên Bộ Giao thông Vận tải tờ trình số 1108/Ttr-ĐS về phương án chuyển nhượng vốn tại Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn.

Tuy nhiên, phương án này ngay sau đó bị Vụ quản lý doanh nghiệp (Bộ Giao thông Vận tải) không đồng ý vì cho rằng phương án chuyển nhượng vốn của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có nhiều nội dung không phù hợp và đã gửi văn bản lên Bộ Giao thông Vận tải đề xuất dừng việc thoái vốn của VNR.

Ngày 11/05/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn số 7562/BGTVT-Ttr gửi VNR, theo đó: “Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam dừng việc triển khai nghị quyết số 08-15/NQ-HĐTV ngày 17/04/2014 nói trên đến khi có kết luận chính thức của Thanh tra Chính phủ và chỉ đạo của Bộ Giao thông Vận tải”.

Tiếp theo đó, Bộ Giao thông Vận tải gửi nhiều công văn, văn bản tới VNR và Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, trong đó có công văn số 7330/BGTVT-QLDN ngày 09/06/2015 của Bộ Giao thông Vận tải gửi đến Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Bộ Giao thông Vận tải nghiêm khắc phê bình Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật trong quá trình thành lập Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn. Đặc biệt, trong việc sử dụng kết quả thẩm định giá để thương thảo, đàm phán giá trị góp vốn vào Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn (Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thỏa thuận với Công ty TNHH Hà Thành về giá trị góp vốn 47 tỷ đồng) nhưng chứng thư thẩm định giá số 406-13/BC-ĐG/ĐG-VAE ngày 25/06/2013 của Công ty TNHH Kiểm toán và định giá Việt Nam là 67.449.257.000 đồng. Như vậy giá của VNR góp vốn thấp hơn giá trị thẩm định hơn 20 tỷ đồng.

Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu VNR chỉ đạo người đại diện phần vốn của VNR tại Công ty TNHH Khách sạn thương mại Sài Gòn báo cáo kết quả kinh doanh từ khi thành lập đến nay. Kiểm điểm làm rõ trách nhiệm liên quan (nếu có) của những thành viên dẫn đến việc kinh doanh thua lỗ. Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu VNR nghiêm túc thực hiện, đảm bảo vốn đầu tư không để thất thoát, thua lỗ.

"Người trong cuộc" nói gì?

Phóng viên đã có buổi làm việc với Tổng công ty đường sắt Việt Nam về những nội dung liên quan, ông Ngô Cao Vân - Phó Tổng giám đốc cho biết: “Bộ Giao thông vận tải đã có công văn chỉ đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam dừng phương án thoái vốn của Tổng công ty đường sắt Việt Nam tại khách sạn thương mại Sài Gòn để chờ kết luận của Thanh tra chính phủ. Do thanh tra chính phủ đang làm nên những tài liệu mà phóng viên yêu cầu cung cấp, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam chưa thể cung cấp cho phóng viên được. Những nội dung mà phóng viên phản ánh tại khách sạn thương mại Sài Gòn, chúng tôi sẽ cho kiểm tra lại”.

Chiều cùng ngày, phóng viên có cuộc trao đổi với ông Vũ Anh Minh – Vụ trưởng Vụ quản lý (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết: “Hiện tại Bộ cũng đã có nhiều công văn chỉ đạo Tổng Công ty đường sắt Việt Nam dừng phương án thoái vốn tại khách sạn thương mại Sài Gòn để chờ có kết luận của thanh tra chính phủ. Với những nội dung mà phóng viên yêu cầu làm việc, chúng tôi chờ Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông về rồi báo cáo cụ thể để làm việc với phóng viên”.

Rất nhiều ngày đã trôi qua song tới nay, Bộ GTVT vẫn chưa trả lời công luận trong khi khách sạn thương mại Sài Gòn vẫn đang "diễn" bài thiếu mặn mà với khách, như cố tình để kinh doanh thua lỗ.

Vì sao các đơn vị có trách nhiệm vẫn "mũ ni che tai" trước sự việc nghiêm trọng, có dấu hiệu làm thất thoát tài sản nhà nước? 

PLVN sẽ tiếp tục cập nhật thông tin.

Tố Vân

plvn

Các tin tức khác

>   Bao giờ TP.HCM có đường trên cao? (24/08/2015)

>   Cẩn thận cỡ nào cũng ‘dính’ giấy tờ giả (24/08/2015)

>   Công bố giá bồi thường thu hồi đất xây đường sắt đô thị Nhổn – Ga Hà Nội (24/08/2015)

>   Có thể mất trắng nếu “mua chui” nhà ở xã hội (22/08/2015)

>   Nam Long và chiến lược “đứng trên vai người khổng lồ” (22/08/2015)

>   Xuất hiện xu hướng đầu tư "lệch pha" sản phẩm bất động sản (22/08/2015)

>   Đề án tái cơ cấu ngành Xây dựng giai đoạn 2014 -2020 (22/08/2015)

>   “Chiêu trò” lợi dụng bán chung cư trên thị trường (22/08/2015)

>   Sân tập golf Mỹ Đình Pearl “hóa phép” vi phạm như thế nào? (22/08/2015)

>   Xin nộp tiền sử dụng đất cũng không được (22/08/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật