Ai đang lãnh đạo ngành cà phê Việt?
Vì sao chỉ mới Starbucks phát hiện được tiềm năng của cà phê Đà Lạt?
* Cà phê Việt Nam vào chuỗi cửa hàng Starbucks
* DN cà phê Việt: Có nên an phận?
* Cà phê Việt: Gian nan xây dựng thương hiệu
Giấc mơ mang lại vị thế cao hơn trên thị trường thế giới cho hạt cà phê Việt vừa đạt được một bước tiến mới. Hãng Starbucks cho biết sẽ mang cà phê Arabica được trồng ở Đà Lạt bán trong hệ thống hơn 21.500 cửa hàng trên toàn cầu, trong đó có thị trường Mỹ.
Thông tin này thật sự mang đến một tâm lí hứng khởi cho ngành cà phê Việt Nam, trong bối cảnh xuất khẩu cà phê 7 tháng đầu năm nay đã giảm mạnh đến 33,9% về khối lượng và 33,7% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Theo Starbucks, chất lượng cà phê Arabica của Đà Lạt khá hoàn hảo với vị chua nhẹ dịu, thích hợp gu thưởng thức của khách hàng. Giá của mỗi ký cà phê Đà Lạt đã đóng gói tại các cửa hàng của Starbucks sẽ không hề rẻ, lên đến gần 50 USD/gói. Trước hạt cà phê Đà Lạt, Starbucks mới chỉ chọn 6 địa điểm làm nhà cung cấp cà phê Arabica cho chuỗi cửa hàng của họ, bao gồm Indonesia, Kenya, Rwanda, Brazil, Colombia và Guatemala.
Ðằng sau hành động mang cà phê Việt ra thế giới của Starbucks cũng có thể là những ẩn ý khôn ngoan trong quảng bá thương hiệu cho chính họ, cũng như thu hút thêm sự quan tâm của hơn 90 triệu dân ở một thị trường mà Starbucks chỉ mới đặt chân vào. Tính đến đầu năm 2015, hệ thống cửa hàng của Starbucks tại Việt Nam mới có 8 cửa hàng ở TP.HCM và 4 cửa hàng ở Hà Nội.
Việt Nam là quốc gia xuất khẩu cà phê thứ 2 thế giới chỉ sau Brazil, với sản lượng khoảng 25 triệu bao vào năm ngoái. Nhưng sản phẩm cà phê của Việt Nam vẫn chủ yếu là cà phê rang xay, có chất lượng thấp. Thậm chí một số sản phẩm có pha lẫn nhiều tạp chất, bẩn và có thể gây hại cho sức khỏe. Vì thế, lợi nhuận và giá trị thương hiệu mang lại cho ngành cà phê trong nước thực tế vẫn chưa lớn. Đây là bài toán nan giải cho ngành này, dù Việt Nam may mắn sở hữu những điều kiện thuận lợi về địa hình, thổ nhưỡng để phát triển cà phê.
Ðể một ngành có thể phát triển thịnh vượng, mỗi quốc gia đều phải có những doanh nghiệp quy mô lớn và có đủ sức lãnh đạo. Nhưng trong lúc này, Tổng Công ty Cà phê Việt Nam vẫn làm ăn không hiệu quả. Các doanh nghiệp lớn trong nước như Intimex, Tín Nghĩa, 2/9 Đắk Lắk thì chủ yếu chỉ mới dừng lại ở khâu xuất khẩu thô cho các đối tác nước ngoài. Việc gầy dựng thương hiệu cho cà phê Việt dường như bị xem nhẹ.
Năm 2013, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Chủ tịch của Trung Nguyên từng tuyên bố muốn xây dựng hệ thống cửa hàng để bán cà phê có chất lượng cao tại Mỹ, thánh địa của Starbucks. Để có vốn tài trợ cho chiến lược này, Trung Nguyên dự kiến sẽ bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư. Tuy vậy, sau hơn 2 năm công bố, chiến lược này vẫn im hơi lặng tiếng dù đã có một số sản phẩm như cà phê hòa tan G7 vào được các siêu thị tại Mỹ.
Một doanh nhân nổi tiếng khác là ông Phạm Đình Nguyên, người Việt đầu tiên chi ra cả triệu USD để mua lại một thị trấn của Mỹ, cũng từng bày tỏ giấc mơ mang cà phê Việt đến quốc gia này. Ông có kế hoạch sẽ bán cổ phần trong công ty PhinDeli của mình cho tập đoàn Kinh Ðô để hợp tác phân phối các sản phẩm cà phê rang và hòa tan vào Mỹ. Nhưng thương vụ này cuối cùng đã không thể diễn ra như mong đợi. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến khả năng mang thương hiệu PhinDeli ra thế giới của vị doanh nhân này.
Một doanh nghiệp khác là Passio cũng có tham vọng mang thương hiệu cà phê Việt ra nước ngoài, điển hình là kế hoạch tấn công thị trường Trung Quốc vào năm 2014. Nhưng đến nay, điều này vẫn chưa thể diễn ra khi ông chủ của chuỗi cà phê này vẫn đang quá bận rộn với thị trường cạnh tranh khắc nghiệt trong nước.
Có lẽ thực tế luôn có khác biệt lớn so với lý thuyết. Việc xây dựng một thương hiệu cho cà phê Việt thật sự không hề đơn giản, đòi hỏi sự cải tổ lớn theo hướng chuyên nghiệp, đảm bảo chất lượng cho tất cả các khâu sản xuất và kinh doanh của ngành. Điểm yếu của hầu hết các doanh nghiệp cà phê trong nước là đến nay, họ chỉ mới chú trọng đến các khâu cuối cùng trong chuỗi kinh doanh mà quên mất những khâu quan trọng đầu tiên. Ðây lại là điều mà các tập đoàn lớn nước ngoài có thừa kinh nghiệm để nhận ra.
Khu vực cao nguyên Đà Lạt với khí hậu mát mẻ, cao hơn 1.200m so với mực nước biển, với đất đỏ bazan được đánh giá là môi trường phù hợp để trồng cà phê. Nhưng vì sao chỉ mới Starbucks phát hiện được tiềm năng của cà phê Đà Lạt?
Hành động thiết thực cũng là cách làm của các doanh nghiệp ngoại. Mới đây, một tập đoàn nước ngoài khác là Nestlé đã cử chuyên gia Thụy Sĩ đến Tây Nguyên để hướng dẫn cho hàng chục ngàn nông dân các kĩ thuật cải thiện chất lượng hạt cà phê và tăng năng suất mùa vụ.
“Trong dài hạn, việc đào tạo cho các nông dân sẽ mang lại lợi ích cho họ và Nestlé, bởi sẽ giúp chúng tôi mua được các sản phẩm có chất lượng cao”, Ganesan Ampalavanar, Giám đốc Ðiều hành Nestlé Việt Nam, nói.
Năm ngoái, hãng này đã mua hơn 20% trong sản lượng 1,7 tấn hạt cà phê Việt Nam sản xuất được. Từ nguồn nguyên liệu cà phê, họ đã tinh chế và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị cao hơn ra thế giới rồi thu được lợi nhuận không hề nhỏ. Nhưng thực tế này khiến không ít người trăn trở rằng liệu giữa doanh nghiệp nội và ngoại, ai mới là nhà lãnh đạo ngành cà phê Việt Nam.
Nguyễn Sơn
nhịp cầu đầu tư
|