Vì sao không có tiếng nói chung về thời gian nâng lãi suất của Fed?
Các nhà kinh tế và các quan chức Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày càng tin chắc rằng lãi suất sẽ tăng trong năm 2015, nhưng các thị trường lại kỳ vọng lãi suất sẽ tăng trễ hơn đôi chút. Bức tranh trái chiều về sức mạnh của nền kinh tế Mỹ và quyết tâm nâng lãi suất của Fed đang dẫn tới những ý kiến bất đồng giữa các nhà kinh tế và các thị trường.
* IMF: Mỹ nâng lãi suất làm tăng rủi ro cho các nước khác
* Mỹ: Chủ tịch Fed chủ trương thắt chặt chính sách tiền tệ
* Fed có thể nâng lãi suất 1 hoặc 2 lần trong năm 2015
Trong bài phát biểu của mình trước Hạ viện vào ngày 15/07 vừa qua, Chủ tịch Fed Janet Yellen đã nhắc lại thông điệp: Fed sẽ nâng lãi suất trong năm nay và sẽ không chờ đến năm 2016.
Đối với một số người, điều này dường như đối lập hoàn toàn với một người thuộc phe “bồ câu” như bà Yellen. Tuy nhiên, như những gì bà đã trình bày trong bài phát biểu, tình hình việc làm và chỉ số chi phí cho nhân viên cho thấy hiện nền kinh tế Mỹ đã đủ mạnh để chịu đựng được lần tăng lãi suất đầu tiên – cho dù điều đó đi kèm với cảnh báo rằng tốc độ chung của chu kỳ nâng lãi suất sẽ chậm và thận trọng.
Trong 5 nhà kinh tế được Wall Street Journal khảo sát thì có đến 4 người tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất vào tháng 9, nhưng các thị trường lại tỏ ra không tin tưởng lắm về thời điểm này. Số liệu cho thấy các thành phần tham gia thị trường vẫn đang đặt rất nhiều kỳ vọng vào việc lãi suất sẽ chưa “nhúc nhích” cho đến quý 1/2016.
Các thị trường ít tự tin hơn so với cách đây 3 tháng
Thậm chí thú vị hơn là lãi suất trong tương lai của Fed theo kỳ vọng của thị trường còn thấp hơn cả mức cách đây 3 tháng, bất chấp những lời phát biểu của bà Yellen. Và họ tin rằng điều đó sẽ tiếp tục kéo dài cho đến hết tháng 3/2016.
Câu hỏi ở đây là: Tại sao kỳ vọng của thị trường lại khác rất nhiều so với kỳ vọng của các nhà kinh tế, và tại sao cả hai lại đi theo hai hướng trái ngược nhau kể từ cuộc họp gần đây nhất?
Trước hết, có một vài chỉ báo kinh tế đã vẽ nên những bức tranh khác nhau về tình trạng của nền kinh tế Mỹ. Điều khiến người ta tin rằng lãi suất sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp chính là doanh số bán lẻ và số liệu về triển vọng sản xuất bết bát trong thời gian gần đây, cũng như sự thật rằng lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2% của Fed.
Trái lại, lĩnh vực việc làm tăng trưởng rất mạnh mẽ và chỉ số chi phí việc làm cho thấy sắp có đợt tăng lương mới. Quan trọng là, các dữ liệu đó có thể cho thấy niềm tin về lịch trình của Fed là tương đối hợp lý.
Sự khác biệt lớn nhất giữa quan điểm của các thị trường và các nhà kinh tế là ở nhận thức. Tình hình tài chính rối ren tại Hy Lạp và Trung Quốc trong tháng vừa qua đã tác động đến các thị trường tài chính Mỹ mạnh hơn nhiều so với tác động từ nền kinh tế nước này. Điều đó giải thích tại sao các nhà kinh tế và Fed lại không thay đổi những quan điểm trước đây của họ nhiều bằng những người tham gia thị trường.
Sự khác biệt tương tự giữa các thị trường và các nhà kinh tế có thể sẽ xuất hiện trở lại trong năm tới khi Fed ấn định tốc độ cho các lần tăng lãi suất tiếp theo. Lần nâng lãi suất đầu tiên chắc chắn sẽ là một sự kiện quan trọng, nhưng tốc độ của những lần nâng lãi suất tiếp theo sẽ có tác động lớn hơn nhiều lên nền kinh tế. Tuy nhiên, đối với các chuyên viên giao dịch, lần tăng lãi suất đầu tiên sẽ có một ảnh hưởng rất lớn, và vì thế có thể hiểu được rằng các thị trường đang đóng tầm quan trọng tương đối lớn hơn đến lần nâng lãi suất đầu tiên.
Ở một mức độ sâu hơn, sự thiếu niềm tin của các thị trường vào lịch trình tăng lãi suất của bà Yellen có thể là vì một kỉ niệm khá lâu trước đây: Khi Chủ tịch của Fed lúc đó là Alan Greenspan cho biết ý định thắt chặt tiền tệ vào năm 1996 bằng bài diễn văn “hứng khởi một cách vô lý” của mình, các thị trường đã phản đối dữ dội. Thế là Fed đành từ bỏ ý định này trước ước muốn duy trì lãi suất ở mức thấp của thị trường. Có thể một bộ phận không nhỏ của các thị trường tài chính tin rằng điều này có thể xảy ra lần nữa.
Nhã Thanh (Theo SeekingAlpha)
|