Thứ Hai, 27/07/2015 15:47

Khi ông chủ Nhà Trắng “mong họ hàng thông cảm”

Chuyến về thăm quê cha Kenya của Tổng thống Mỹ Barack Obama vào cuối tuần vừa rồi được tờ Wall Street Journal đánh giá là một nỗ lực muộn mằn của ông chủ Nhà Trắng, trong việc dùng câu chuyện cá nhân ông để thúc đẩy tiến bộ kinh tế và xã hội cho châu Phi.

Tổng thống Mỹ Barack Obama được người dân Kenya chào đón trước khi có bài phát biểu ở thủ đô Nairobi ngày 26/7 - Ảnh: WSJ/AP

Với nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai của ông Obama sắp kết thúc, giới quan sát hoài nghi về kết quả chính sách của ông đối với châu Phi. Những chính sách này khó có khả năng đem lại “trái ngọt” cho “lục địa đen” trước khi ông Obama rời khỏi Nhà Trắng vào tháng 1/2017.

Kỳ vọng chỉ là... kỳ vọng

Thách thức lớn nhất của ông Obama hiện nay ở châu Phi là giúp châu lục này đương đầu với mối lo an ninh ngày càng lớn trước sự lan rộng của chủ nghĩa khủng bố.

Phát biểu tại Kenya ngày 26/7, ông Obama miêu tả quốc gia này “đang đứng giữa ngã ba đường”, giữa một bên là những mối đe dọa của các tổ chức khủng bố và một bên là lời hứa về tiến bộ kinh tế và văn hóa.

“Tôi ở đây với tư cách một người bạn mong muốn Kenya thành công”, ông Obama phát biểu trước khán giả là hàng nghìn người Kenya. Sau chuyến thăm kéo dài hai ngày đến Kenya - quê hương của người cha thân sinh - ông Obama sẽ tới thăm Ethiopia và có bài phát biểu trước Liên minh Châu Phi (AU) vào ngày thứ Ba tuần này.

Trong bài phát biểu ở Kenya, ông Obama cũng nhấn mạnh chống tham nhũng, mở rộng nhân quyền, và tạo ra một xã hội bình đẳng hơn với phụ nữ và trẻ em gái - những vấn đề được ông xem là tối quan trọng đối với tương lai của quốc gia này.

“Hãy tưởng tượng các bạn có một đội chơi, nhưng lại để không để cho một nửa đội đó tham gia chơi, thì đó là một điều ngớ ngẩn”, ông Obama nói khi đề cập tới truyền thống đối xử với phụ nữ và trẻ em gái trong văn hóa châu Phi.

Việc ông Obama đắc cử Tổng thống Mỹ vào năm 2008 đã làm dấy lên những kỳ vọng ở châu Phi về mối quan hệ với Mỹ. Tuy vậy, đến nay, những kỳ vọng này hầu như không được đáp ứng.

Thậm chí, những gì ông Obama làm được cho châu Phi còn “thua” cả những gì mà người tiền nhiệm George W. Bush làm được cho châu lục này. Trong nhiệm kỳ của mình, ông Bush đã có nhiều nỗ lực giúp châu Phi chống đại dịch AIDS.

Phải đến nhiệm kỳ thứ hai, ông Obama mới thúc đẩy sáng kiến của ông dành cho châu Phi. Tuy vậy, sáng kiến cấp điện cho châu Phi ra đời vào năm 2013 nhằm tăng gấp đôi mạng lưới điện ở châu lục này đến nay vẫn diễn ra chậm chạp.

Tại Kenya, ông Obama nói sáng kiến này sẽ là một nhân tố thay đổi cuộc chơi cho châu Phi trong vòng 10 năm nếu được thực hiện đầy đủ.

Trong chuyến về quê lần này, ông Obama cũng được nhiều người đặt câu hỏi vì sao ông ít dành sự chú ý cá nhân cho châu Phi trong suốt 6 năm qua.

Tổng thống Mỹ trả lời, ông đã đề nghị họ hàng ở Kenya thông cảm, vì suốt gần một thập kỷ qua không về thăm quê hương. Ông còn nói đùa rằng, phải đến giờ mới về quê, vì “tôi không muốn mọi người nghĩ là tôi lại ưu ái quê hương mình nhanh đến thế”.

Đón chào nồng hậu

Câu chuyện cá nhân của ông Obama là một chủ đề xuyên suốt chuyến thăm này.

“Ông ấy có chúng tôi. Ông ấy là một trong số chúng tôi”, bà Auma, người chị em cùng cha khác mẹ của ông Obama, nói trước khi ông phát biểu ngày 26/7.

Tại Kenya, ông Obam thường được giới thiệu bằng tên gọi đầy đủ là Barack Hussein Obama, cái tên mà nhiều người Mỹ xem là sự “xúc phạm” đối với Tổng thống của họ.

Obama cũng nói về người cha quá cố của mình, một người Kenya, người đã không ở bên ông khi ông lớn lên. Ông cũng nhắc lại những chuyến trở về Kenya đơn giản khi ông còn là một thanh niên “mặc quần jean và đeo ba lô”.

Obama đã nhảy múa theo nhạc châu Phi cùng với các nhà lãnh đạo Kenya và một số người họ hàng của ông trong buổi quốc yến do Chính phủ Kenya tổ chức.

Tuy vậy, dù nhiều kỳ vọng ở Obama chưa được đáp ứng, người dân Kenya vẫn dành cho ông sự đón chào nồng hậu.

Hàng nghìn người đã tập trung tại Đại học Kenyatta ở thủ đô Nairobi, nơi ông Obama có bài phát biểu vào ngày 26/7 và dọc theo con đường dẫn tới ngôi trường này với mong muốn được nhìn tận mặt ông.

Nhiều người đã leo nóc nhà và thậm chí leo lên cây để dõi theo đoàn xe của Tổng thống Mỹ. Họ vẫy cờ Kenya và mặc những chiếc áo phông in hình Obama.

Ông Obama hy vọng sức hút cá nhân của ông đối với Kenya nói riêng và châu Phi nói chung sẽ tạo ra sự khác biệt giữa Mỹ với các cường quốc khác muốn tăng đầu tư vào châu Phi, nhất là Trung Quốc.

Kể từ khi trở thành người đứng đầu Nhà Trắng vào năm 2009 tới nay, Obama đã thăm châu Phi 4 lần. Đó cũng là khoảng thời gian mà Trung Quốc đẩy mạnh đầu tư vào châu Phi.

Điệp Vũ

vneconomy

Các tin tức khác

>   "Đại án" công ty Phương Nam: Đề nghị các lãnh đạo ngân hàng 5-9 năm tù (27/07/2015)

>   Sau Financial Times đến lượt The Economist bị bán (26/07/2015)

>   Đường ống nước sông Đà gặp sự cố lần thứ 12 (25/07/2015)

>   Đại tướng Phùng Quang Thanh đã về đến Hà Nội (25/07/2015)

>   Crimea đang trở thành “đứa con hư” của Nga (24/07/2015)

>   NASA tuyên bố tìm thấy 'Trái Đất thứ hai' (24/07/2015)

>   Nguyên Giám đốc Hanoi Land bị bắt sau 6 năm trốn truy nã (24/07/2015)

>   Singapore phối hợp với Việt Nam thu hồi tài sản của Giang Kim Đạt (23/07/2015)

>   Kiến nghị dừng thu phí đường bộ đối với xe máy từ 1/1/2016 (23/07/2015)

>   Vụ đại gia lừa đảo ở Sóc Trăng: Gần 800 tỉ đồng “bốc hơi” như thế nào? (23/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật