Vay 30.000 tỉ đồng để làm gì?
Nếu muốn thuyết phục thị trường và dân chúng về mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thì ngành tài chính cần giải trình rõ về gói vay 30.000 tỉ đồng.
* Thấy gì từ đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho vay 30.000 tỷ?
Vay 30.000 tỉ đồng để làm gì khi thu NSNN đang "tích cực"? Ảnh TL
|
Sau một thời gian im lặng, rốt cuộc thì Bộ Tài chính cũng chính thức lên tiếng về đề nghị vay 30.000 tỉ đồng từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngân sách.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải trả lời VTV1 ngày 29-7 nói: “Theo quy định của Luật NSNN và Luật NHNN, trong trường hợp ngân sách có thiếu hụt tạm thời thì tạm vay ngân hàng và hoàn trả ngay trong năm”. Trước đó phóng viên đã hỏi: “…Vậy tại sao mới đây Bộ Tài chính lại đề xuất vay 30.000 tỉ của NHNN?”, nên câu trả lời như trên của Thứ trưởng đã chính thức xác nhận có việc Bộ Tài chính đề nghị vay của NHNN số tiền trên.
Thông tin về đề xuất gói vay 30.000 tỉ đồng của Bộ Tài chính khởi nguồn từ Vinanet, trang tin điện tử của Bộ Công Thương, đã ngay lập tức gây sự chú ý của dư luận.
Tuy nhiên, dù các phóng viên đã nỗ lực liên lạc xin xác nhận, thì vẫn không thể tiếp cận được với văn bản này từ Bộ Tài chính. Thậm chí, khi gửi tin nhắn tới Bộ trưởng, ông cũng phủ nhận có văn bản này.
Câu hỏi mà nhiều người đặt ra sau bản tin trên VTV1 là liệu câu trả lời của Thứ trưởng như trên có xác đáng?
Thực ra, điều này đã quy định trong Luật Ngân sách Nhà nước năm 2002 đang còn hiệu lực vài tháng nữa.
Điều 23 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định:
1. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chiến lược, kế hoạch vay nợ, trả nợ trong nước và ngoài nước, xây dựng và triển khai thực hiện phương án vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước;
2. Tạm ứng cho ngân sách nhà nước để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Hai điều trên được giữ nguyên trong Luật Ngân sách Nhà nước được Quốc hội thông qua gần đây.
Như vậy, đề xuất của Bộ Tài chính là đúng theo luật.
Tuy nhiên, cần đảm bảo minh bạch và trách nhiệm giải trình về gói vay này nếu tôn trọng thị trường. Xét về điều này, thì Bộ Tài chính vẫn còn thiếu.
Chẳng hạn, thứ trưởng khẳng định kết quả thu NSNN bảy tháng đầu năm đạt 59.5% dự toán là “tích cực”. Vậy, tại sao Bộ Tài chính phải mượn từ NHNN? Đáng tiếc, là ngay câu giải thích này của Thứ trưởng đã mâu thuẫn với chính mình, khi trước đó ông nhắc tới tình trạng “thiếu hụt” của NSNN.
Tuy nhiên, còn hàng loạt câu hỏi khác mang tính kỹ thuật cũng đáng được đặt ra. NHNN lấy đâu ra tiền để cho vay? Lãi suất được trả thế nào hay có trả lãi không? Vì sao Bộ Tài chính không huy động từ bán trái phiếu chính phủ trong và ngoài nước như thông thường? Số tiền này được chi dùng thế nào, và nó có gây lạm phát, bất ổn vĩ mô?
Câu hỏi cuối cùng gợi lại một thực trạng trước đây khi ngân sách nhà nước cũng đã vay 1 tỉ đô la Mỹ từ Quỹ dự trữ ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước để hỗ trợ lãi suất, kích cầu năm 2009. Chính sách này, như Ngân hàng Thế giới, nhiều tổ chức nghiên cứu trong nước, và các nhà khoa học khẳng định, đã tiếp tục gây bong bóng bất động sản phình to, tạo hứng khởi cho cú sốc lạm phát tiếp theo, và tạo đà cho vòng xoáy bất ổn vĩ mô lặp lại năm 2010, sau những gì đã diễn ra năm 2008.
Thật đáng tiếc, những bài học từ gói kích thích này đã không được đánh giá, tổng kết chính thức khi đó để rút kinh nghiệm cho lần này.
Quốc hội khóa đó, đáng tiếc, dù có thảo luận nhưng đã không quan tâm đủ mức đến gói này với lý do nguồn tài chính đó không phải ngân sách nhà nước. Kết quả thế nào từ việc thiếu giám sát thì ai cũng rõ khi vòng xoáy bất ổn vĩ mô được kích hoạt ngay sau đó.
Nhưng với gói này, rõ ràng, nó được vay cho ngân sách Nhà nước. Vì lẽ đó, nó cần được giám sát, và phải được giải trình: Vay để làm gì?
Về phía mình, NHNN cũng cần phải trả lời câu hỏi: Vì sao một ngân hàng trung ương cứ đứng ra gánh vác nhiệm vụ của ngân sách? Làm sao mà cơ quan này giúp giảm lãi suất khi cho Bộ Tài chính vay ngần ấy tiền?
Nếu muốn thuyết phục thị trường về mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thì cần giải trình rõ về gói vay này.
Tư Hoàng
tbktsg
|