Thứ Tư, 29/07/2015 10:11

Hết cửa mua bán nợ lòng vòng

Các quy định cụ thể mà Thông tư 09 nêu ra sẽ ngăn chặn các trường hợp xử lý nợ ảo, đưa khuôn khổ hoạt động mua bán nợ vào nề nếp và đi vào thực chất.

Giữa tháng 7 vừa qua, NHNN đã ban hành Thông tư 09/2015/TT-NHNN (Thông tư 09) quy định về hoạt động mua bán nợ của các TCTD, chi nhánh NH nước ngoài. So với Quyết định 95/2006/QĐ-NHNN trước đó, những quy định mới tại Thông tư này có nhiều điểm chặt chẽ và cụ thể hơn đối với các điều kiện, nguyên tắc mua bán nợ.

Tìm hiểu chi tiết về những điểm đổi mới trong Thông tư 09 cho thấy, ít nhất có 3 nội dung sẽ giúp các TCTD và các cơ quan quản lý ngành NH kiểm soát được tình trạng thiếu khách quan và minh bạch trong hoạt động xử lý nợ xấu.

Cụ thể, nội dung thứ nhất, Thông tư 09 quy định các TCTD được phép mua nợ xấu phải là những đơn vị được NHNN chấp thuận trong giấy phép hoạt động và có tỷ lệ nợ xấu dưới 3% (trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt). Ngay cả các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản do các NH lập ra cũng chỉ được mua nợ của TCTD khác khi đáp ứng được tỷ lệ nợ xấu dưới 3%. Quy định này sẽ loại trừ trường hợp các TCTD yếu kém tham gia mua bán nợ, gây ra tình trạng đảo nợ lòng vòng giữa các NH và các công ty xử lý nợ với nhau.

Nội dung thứ hai, Thông tư 09 yêu cầu các NH không được bán nợ cho công ty con của chính mình (trừ trường hợp bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của TCTD mẹ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt), đồng thời không được mua lại khoản nợ đã bán. Quy định này sẽ triệt tiêu trường hợp các NH dùng chính tiền của mình mua lại các khoản nợ xấu bằng cách lập ra các công ty sân sau do người thân đứng tên sở hữu.

Nội dung thứ ba, NHNN yêu cầu các TCTD phải ban hành quy định nội bộ về hoạt động mua, bán nợ. Trong đó, phân định rõ về thẩm quyền, trách nhiệm của từng khâu đoạn trong quá trình mua bán nợ. Sau khi mua, bán nợ, các NH bắt buộc phải theo dõi, hạch toán kế toán và báo cáo thống kê định kỳ cho các cơ quan thanh tra giám sát NHNN theo quy định của pháp luật.

Việc yêu cầu chi tiết đến từng khâu đoạn của quá trình mua bán nợ này sẽ nhanh chóng giúp các NH và các cơ quan giám sát phát hiện các sai phạm hoặc gian lận trong hồ sơ mua bán nợ và giúp xử lý nhanh các trường hợp xử lý nợ xấu không tuân theo quy định.

Tóm lại, với sự ra đời của Thông tư 09, nếu trước đây bất cứ TCTD nào cũng có thể tham gia mua nợ, thậm chí thông qua các đơn vị môi giới lập ra các công ty sân sau để xử lý nợ xấu hình thức trên giấy tờ thì đến nay, hoạt động này buộc phải dừng lại.

Các quy định cụ thể về tỷ lệ nợ xấu bắt buộc của đơn vị mua nợ, phạm vi mua nợ cho phép của các công ty quản lý tài sản cũng như các yêu cầu mới về quy trình, thủ tục, hồ sơ mua bán nợ… mà Thông tư 09 nêu ra sẽ ngăn chặn các trường hợp xử lý nợ ảo, đưa khuôn khổ hoạt động mua bán nợ vào nề nếp và đi vào thực chất.

Điều này đặt cơ sở cho việc thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu của hệ thống NH, đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống về mức dưới 3% vào cuối năm 2015 theo như cam kết của NHNN.

Hà Minh

Thời báo ngân hàng

Các tin tức khác

>   Đề xuất cho ngân hàng ngoại bảo lãnh bán nhà đang xây (29/07/2015)

>   Ngân hàng dồn gần 90.000 tỷ đồng dự phòng rủi ro (28/07/2015)

>   Sacombank: Ngân hàng TMCP đầu tiên vay vốn và hợp tác với Cathay United Bank (28/07/2015)

>   Luật đứng về phía con nợ chây ì (28/07/2015)

>   Ngân hàng không muốn thêm gói tín dụng cho giao thông (27/07/2015)

>   Đại gia đổ nợ, nhiều người vạ lây: Đề nghị truy tố tổng giám đốc Upexim  (27/07/2015)

>   NHNN đủ khả năng giữ ổn định tỷ giá (27/07/2015)

>   "Đại án" công ty Phương Nam: Đề nghị các lãnh đạo ngân hàng 5-9 năm tù (27/07/2015)

>   Bán nợ cho VAMC, ngân hàng khó rảnh rang (27/07/2015)

>   Có nên mua bảo hiểm tín dụng? (27/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật