Trái mắc ca không biết tiêu thụ ở đâu
Đó là phản ảnh của nhiều người dân trồng mắc ca ở Đắk Lắk sau khi thu hoạch trái mắc ca, chưa kể vườn cây cho rất ít trái so với “hứa hẹn”.
* Cây mắc ca và lời hứa của Bộ trưởng
* Thị trường mắc-ca đang ở đâu?
Vườn mắc ca đã tám năm tuổi của ông Khởi - Ảnh: K.Thịnh
|
Ông Lưu Văn Khởi (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) cho biết vườn mắc ca 300 cây trên diện tích 3ha của gia đình ông đã trồng được tám năm nhưng vẫn chưa bán được vụ nào.
“Năm ngoái thu được khoảng 50kg, nhưng đổ rụng nên tôi để ăn hết chứ có bán được đồng nào đâu. Nghe quảng cáo là cây “triệu đô”, sắp mở cơ sở chế biến ở Đắk Lắk, xuất khẩu sang Úc nên chúng tôi cũng trồng thử. Nhưng cho đến nay vẫn chưa biết bán cho ai, chưa biết chở đi đâu để thanh lý đống mắc ca này” - ông Khởi cho biết.
Ông Phan Xuân Hảo (Ea Tân) - chủ vườn mắc ca với 630 cây - cho biết đã mua giống với giá 80.000 đồng/cây, cộng cả chi phí ban đầu là gần 75 triệu đồng, được trạm giống cam kết là sau ba năm không đậu quả sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm.
“Nhưng đến nay đã hơn ba năm, rất nhiều cây không đậu quả, chúng tôi có thông báo cũng chưa thấy họ giúp đỡ gì” - ông Hảo bức xúc nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Rễ - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Krông Năng - cho biết đã từng khuyến cáo người dân cẩn thận khi trồng loại cây này.
“Nhưng nhiều người dân nghe những thông tin về loại cây “triệu đô” từ các tổ chức cá nhân cung ứng và kinh doanh giống mắc ca nên đổ xô vào mua giống về trồng dẫn đến thua lỗ như hiện nay...” - ông Rễ nói.
Khắc Thịnh
Tuổi trẻ
|