Tiền tệ các nước mới nổi chạm đáy 15 năm khi CK Trung Quốc rơi tự do
Các thị trường tiền tệ đóng vai trò như một thước đo tâm lý nhà đầu tư vì thế đà sụt giảm này đã gia tăng khả năng xảy ra một đợt bán tháo sâu rộng hơn trên các thị trường cổ phiếu và thị trường nợ.
* Vì sao không có tiếng nói chung về thời gian nâng lãi suất của Fed?
* Trung Quốc điều tra nguyên nhân bán tháo cổ phiếu
* Điều gì đang đứng sau đà rớt giá “thê thảm” của dầu, vàng và các kim loại khác?
Các đơn vị tiền tệ thị trường mới nổi đã ổn định hơn trong giờ giao dịch tại châu Á vào ngày thứ Tư sau khi rớt xuống mức thấp nhất trong 15 năm trước làn sóng bán tháo dữ dội trên thị trường chứng khoán Trung Quốc và đà rơi tự do của giá hàng hóa.
Theo đó, đồng tiền của các quốc gia xuất khẩu nguyên vật liệu thô như Brazil, Nga và Colombia bị bán tháo mạnh nhất do đà giảm giá của các loại hàng hóa như dầu, đồng và quặng sắt vẫn chưa có dấu hiệu suy yếu trong tuần này, với hợp đồng dầu thô Brent rớt xuống mức thấp nhất kể từ tháng 2/2015.
Tình trạng bất ổn như trên có thể gia tăng một khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định nâng lãi suất từ các mức gần 0% như hiện nay, một động thái có thể tác động khủng khiếp đến các thị trường đang phát triển.
James Lord, chiến lược gia thị trường mới nổi tại Morgan Stanley cho rằng Fed là “một rủi ro thường trực”. Ông nói: “Bất kỳ sự thay đổi nào trong kỳ vọng về lần nâng lãi suất đầu tiên của Mỹ bắt nguồn từ các số liệu kinh tế khả quan cũng có thể khiến bất ổn gia tăng”.
Gần sát giờ đóng cửa phiên giao dịch ngày thứ Tư tại châu Á, đồng baht của Thái Lan giảm 0.31% so với đồng USD, đồng won của Hàn Quốc tăng 0.53% trong khi đồng ringgit của Malaysia và đồng rupiah của Indonesia đi ngang.
Các thị trường tiền tệ đóng vai trò như một thước đo tâm lý nhà đầu tư vì thế đà sụt giảm này đã gia tăng khả năng xảy ra một đợt bán tháo sâu rộng hơn trên các thị trường cổ phiếu và thị trường nợ. Chỉ số chứng khoán MSCI Emerging Markets hiện đã giảm 10.9% trong năm nay trong khi chi phí vay mượn của doanh nghiệp và Chính phủ tại các thị trường mới nổi như Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga lại gia tăng.
“Rủi ro tiếp theo là những bất ổn tiếp diễn trên các thị trường tài chính Trung Quốc có thể châm ngòi cho các phản ứng mạnh hơn nữa trên các thị trường vốn toàn cầu, đặc biệt là nếu các rủi ro khác cũng trở thành hiện thực”, nhà phân tích Alberto Gallo tại RBS cho biết.
Sự thất bại của Bắc Kinh trong việc bình ổn thị trường chứng khoán trong các ngày vừa qua sau đà bán tháo chưa từng thấy đã gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Điều này đã làm xói mòn niềm tin vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới, qua đó nhấn chìm giá cả hàng hóa và khiến các thị trường đang phát triển dễ bị tổn thương trước các cú sốc mới.
Đồng real của Brazil và đồng peso của Colombian đã giảm lần lượt 22% và 17% trong năm nay, đẩy JPMorgan Emerging Market Currency - chỉ số đo lường sức mạnh của các đồng tiền thị trường đang phát triển được giao dịch nhiều nhất so với đồng USD – xuống mức thấp nhất kể từ khi chỉ số này ra đời vào năm 1999.
Michael Marrese, Trưởng bộ phận chiến lược Thị trường mới nổi tại JPMorgan, cho biết các khó khăn khác cũng đang hiện hữu, chẳng hạn như suy thoái sâu tại Brazil và Nga, và điều này đã nhấn chìm đồng tiền của 2 quốc gia này.
Và tác động không chỉ dừng lại ở các nhà xuất khẩu hàng hóa. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đã giảm hơn 15% trong năm nay khi nước này phải vật lộn với rất nhiều khó khăn.
“Tồn tại một số vấn đề cố hữu tại các thị trường mới nổi”, nhận định của William Jackson, nhà kinh tế thị trường mới nổi và chuyên gia tư vấn tại Capital Economics. Ông cho biết thêm đà giảm sâu có thể phản ánh sự thay đổi trong tâm lý của nhà đầu tư đối với các thị trường mới nổi.
Mặc dù đà giảm giá tiền tệ được một số quốc gia hoan nghênh vì góp phần giúp các mặt hàng xuất khẩu của họ cạnh tranh hơn nhưng cũng đã gia tăng chi phí nhập khẩu và chi phí thanh toán nợ bằng đồng ngoại tệ, qua đó đe dọa đến sự ổn định về mặt tài chính.
Nghiên cứu của Công ty Tư vấn McKinsey ước tính nợ của các thị trường mới nổi đã chiếm gần một nửa đà gia tăng của nợ thế giới kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và đạt 49 ngàn tỷ USD tại thời điểm cuối năm 2013.
Phước Phạm (Theo Financial Times)
|