Thái Lan để mắt đến lĩnh vực sản xuất lúa gạo của Myanmar
Myanmar có thể trở lại vị trí một trong những nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới trong vòng 5-10 năm tới, khi nhiều nhà đầu tư Thái Lan và nước ngoài đang tìm kiếm để mở rộng các nhà máy chế biến gạo và các trang trại trong nước này.
Ngành lúa gạo của Myanmar đang thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư Thái Lan. Ảnh : ruraltec.net
|
Thương nhân Thái Lan và các chuyên gia đều tin rằng Myanmar có tiềm năng lớn để trở thành một nước sản xuất gạo lớn trong tương lai gần bởi vì họ có nhiều diện tích đất màu mỡ để trồng lúa, tài nguyên nước phong phú và ở vị trí chiến lược để phân phối gạo.
Vichai Sriprasert, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết mới đây rằng một số doanh nghiệp xay xát và xuất khẩu gạo đã bắt đầu tìm hiểu Myanmar để thiết lập các nhà máy xay gạo trắng và nhà máy chế biến gạo đồ.
"Các nhà đầu tư Thái Lan đang nghiên cứu luật và các quy chế đầu tư của Myanmar. Một khi tất cả các vấn đề được làm rõ, họ có thể bắt đầu đầu tư trong một vài năm", ông nói.
Hầu hết các nhà đầu tư đang xem xét việc thiết lập nhà máy gạo quy mô lớn. Để xây dựng một nhà máy lớn chế biến 500 tấn gạo mỗi năm, cần có số vốn đầu tư lên đến 300 triệu baht (8,84 triệu USD), không bao gồm chi phí đất đai.
Những khu vực mà các kinh doanh gạo Thái đang chú ý đến là chung quanh Yangon và các vùng trồng lúa dọc theo các sông lớn của Myanmar, như sông Ayeyarwaddy và Bago, chảy qua khu vực miền Trung, sông Thanlwin hay Salween, kết nối với Thái Lan, và sông Sittaung chảy qua phía đông-trung tâm của đất nước.
Bên cạnh các diện tích trồng lúa hiện có (6,2 triệu héc ta), có thể khai thác thêm 6,4 đến 8,0 triệu héc ta đất tại nước này để trồng lúa.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khác cũng đang quan tâm đến việc đầu tư vào các ngành công nghiệp trồng trọt, kể cả lúa, đến từ Trung Quốc đại lục, Nhật Bản, Hàn Quốc, và từ Trung Đông.
Myanmar từng là quốc gia cung cấp gạo lớn nhất thế giới trước thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, sau khi chính phủ quân sự đóng cửa đất nước, người nông dân địa phương xa lánh gạo vì lợi nhuận kém hấp dẫn.
Tuy nhiên, theo luật của Myanmar, đầu tư vào lúa gạo hoặc các doanh nghiệp nông nghiệp khác, các công ty Thái Lan cần phải thành lập một liên doanh với các nhà khai thác địa phương.
Chareon Laothammatas, Chủ tịch của hiệp hội cho rằng, với các chính sách an ninh lương thực của nhiều chính phủ nước ngoài, nhiều nước nhập khẩu gạo đang muốn mở rộng sang các nước đang phát triển bao gồm Myanmar và các nước khác trong khu vực ASEAN.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, Myanmar dự kiến xuất khẩu 1,3 đến 1,5 triệu tấn gạo trong năm nay, tăng từ khoảng 1,3 triệu tấn trong năm ngoái.
Trong niên vụ 2014-2015, sản lượng lúa gạo ở Myanmar được dự báo sẽ tăng thêm 1 phần trăm đến 12,16 triệu tấn với chuẩn bị cho việc tiếp tục mở rộng diện tích trồng.
Việc xây dựng tám đập nước, mục tiêu dự kiến được hoàn thành cuối năm trước, và việc cải tạo kênh mương thoát nước trong vùng lũ lụt và các vùng nước sâu ở khu vực Ayeyarwaddy, Myanmar có khả năng tăng diện tích trồng lúa mùa khô.
Aat Pisanwanich, Giám đốc của Trung tâm Nghiên cứu Thương mại Quốc tế, cho biết sản xuất lúa gạo ở Myanmar rẻ hơn so với ở Thái Lan, do Myanmar có nhiều thuận lợi như đất đai rộng, nguồn nước dồi dào và có một vị trí chiến lược để hỗ trợ sản xuất lúa và xuất khẩu.
Nghiên cứu cho thấy chi phí sản xuất lúa ở Myanmar là khoảng 7,122 baht/rai (tức là khoảng 1.318 USD/héc ta hoặc 28,7 triệu đồng), và có thể thấp hơn sau khi đập nước được xây dựng và hoạt động. (So với sản xuất theo ViệtGAP tại Đức Huệ, Long An chi phí là 16 triệu đồng/ha. Người dịch giải thích thêm).
Võ Tòng Xuân
TBKTSG
|