Sẽ rà soát lại chính sách thuế trong lâm nghiệp
Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất chính sách thuế trong lâm nghiệp để nhằm khuyến khích và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lâm sản.
Cây xoan được kỳ vọng là “cây thoát nghèo” cho đồng bào Mông ở Mường Lát, Thanh Hóa. Ảnh: Đ. Trung
|
Đó là nội dung được các đại biểu thảo luận trong sáng ngày 3-7, tại hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện tái cơ cấu ngành lâm nghiệp, nhân rộng mô hình điển hình của Bộ NN&PTNT vừa được tổ chức tại Hà Nội.
Theo Nguyễn Bá Ngãi Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, sau hai năm triển khai thực hiện tái cơ cấu lâm nghiệp, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản tăng trưởng mạnh, tăng gấp 2 lần trong vòng 5 năm từ 3,035 tỷ USD/năm giai đoạn 2010-2012 lên 6,267 tỷ USD/năm giai đoạn 2013 đến nay.
Tuy nhiên ông Ngãi cũng chỉ ra những yếu kém, chủ quan trong việc tái cơ cấu như ngành lâm nghiệp như nhận thức về tái cơ cấu ngành, cách tiếp cận trong nhiều lĩnh vực chậm thay đổi, tư duy cũ vẫn ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực của ngành. Kinh tế hộ nhỏ lẻ hạn chế, các lâm trường quốc doanh, công ty lâm nghiệp Nhà nước đổi mới chậm,…
“Thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan rà soát, đề xuất chính sách thuế trong lâm nghiệp để nhằm khuyến khích và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh lâm sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm sau chế biến” ông Ngãi khẳng định.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hà Công Tuấn cho biết thời gian tới các địa phương cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư liên kết với người dân sản xuất theo chuỗi trong lâm nghiệp, đặc biệt là chính sách tín dụng hỗ trợ người dân có thể đầu tư thâm canh trồng rừng, có thể kéo dài chu kỳ trồng rừng hơn.
“Bộ NN&PTNT cũng sẽ tìm kiếm thêm thị trường cho xuất khẩu, dỡ bỏ nhiều thủ tục rườm rà để đưa ngành lâm nghiệp phát triển hơn trong tương lai”, ông Tuấn cho hay.
Đặng Trung
pháp luật tphcm
|