“Phá sản” lộ trình cải tạo xây dựng lại các chung cư cũ
Nghị quyết số 34/2007 của Chính phủ về một số giải pháp thực hiện cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ đưa ra mục tiêu cơ bản hoàn thành trong năm 2015. Tuy nhiên, đến nay, sau 8 năm thực hiện, kết quả chỉ đạt được khoảng 2%.
Nhiều chung cư cũ đang cần được cải tạo, xây mới. Ảnh: Trần Quý
|
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trên toàn quốc hiện có khoảng 1.700 chung cư cũ, trong đó có rất nhiều khu chung cư đang xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng và tài sản của người dân.
Riêng tại Hà Nội, cho đến nay mới chỉ có 14 khu chung cư cũ được triển khai xây dựng lại/1.516 chung cư cũ. Trong đó, có những chung cư cũ đã phá dỡ hơn 6 năm nhưng hiện công trình vẫn chỉ là nền đất trống với hàng rào tôn bao quanh. Còn người dân vẫn phải đi tạm cư và hàng ngày mong đợi được tái định cư về nơi ở cũ.
Hầu hết các dự án (D.A) cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại Hà Nội lâm vào tình trạng chậm tiến độ, khiếu kiện kéo dài. Trong khi đó, sự quan tâm của chính quyền còn khá hời hợt; chính sách cứng nhắc, bất hợp lý chậm được tháo gỡ…
Chung cư C1 Thành Công, phường Thành Công, quận Ba Đình đã được di dời khẩn cấp và phá dỡ hơn 5 năm nay, nhưng đến nay vẫn… quây tôn để đấy. Tương tự, nhà chung cư B6 Giảng Võ được di dời, phá dỡ và tổ chức khởi công hoành tráng, thế nhưng hơn 4 năm trôi qua vẫn chưa thể triển khai do tranh chấp giữa các chủ đầu tư.
Theo Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nguyên nhân cơ bản là do Nghị định 34 còn nhiều rào cản. Đặc biệt, sau khi có quy định về hạn chế chiều cao nhà chung cư nên các D.A đều giậm chân tại chỗ.
Tình trạng thiếu rõ ràng về quy hoạch chi tiết, tầng cao khiến nhiều D.A dậm chân tại chỗ gây lãng phí, tốn kém cho các bên tham gia. Ngay cả sau khi Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung thì vẫn phải chờ quy hoạch phân khu chức năng, cơ chế đầu tư cũng không ổn định. Hàng loạt D.A từng dậm chân tại chỗ nhiều năm do giải phóng mặt bằng như B4 - B14 Kim Liên; A1, A2 Nguyễn Công Trứ; C1 Thành Công… Nhiều D.A khác đang vướng khiếu kiện kéo dài và sự bất hợp tác từ một bộ phận người dân.
Ông Trần Mạnh Dũng, Giám đốc Cty Cổ phần Đầu tư xây dựng phát triển nhà số 7 Hà Nội (Handico7) - chủ đầu tư cải tạo nhà A1, A2 tập thể Nguyễn Công Trứ, cho rằng, vấn đề khiến D.A chậm tiến độ là cơ chế, chính sách trong giải phóng mặt bằng.
Đại diện Cty TSQ Việt Nam phản ánh, doanh nghiệp (DN) đã bỏ nhiều công sức, tiền bạc tham gia lập quy hoạch cải tạo lại khu tập thể Thành Công nhưng chưa biết khi nào quy hoạch được triển khai dẫn đến giảm sút niềm tin của nhà đầu tư.
Một số nhà đầu tư khác đề nghị TP cần sớm cụ thể “đầu bài” cho từng khu theo kiểu mời gọi nhà đầu tư tham gia D.A cụ thể, thông tin rõ ràng, cắt giảm tình trạng nhà đầu tư phải gõ nhiều cửa hỏi thông tin mất nhiều thời gian.
Chung tình trạng như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hiện có khoảng 200 chung cư cũ và đa số đã tồn tại trên 50 năm. Trong đó, có nhiều chung cư đang xuống cấp nghiêm trọng, ở tình trạng nguy hiểm như chung cư 727 Trần Hưng Đạo ở quận 5, chung cư Cô Giang ở quận 1...
Theo Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh (HoREA) tiến độ xây mới các chung cư cũ đang rất chậm, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân sống tại đây.
Điểm nút của vấn đề được một số DN chỉ ra là chưa cân bằng lợi ích 3 bên giữa Nhà nước - DN - người dân. DN muốn tiết kiệm chi phí phải thuê quỹ nhà tạm cư xa, chọn phương án đền bù tốt cho họ…
Theo tính toán, khi cải tạo một khu nhà 5 tầng, DN phải dành 10 tầng để trả cho người dân tái định cư và phải xây thêm ít nhất 10 tầng để bán thương mại thì mới có lãi.
Hiện Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến để trình Chính phủ sớm ban hành Nghị định về cải tạo chung cư cũ với nhiều điểm đổi mới được kỳ vọng sẽ gỡ khó cho chương trình này.
Trần Quý
thanh tra
|