Nợ đọng vốn tạm ứng đầu tư: Bao giờ mới giảm?
Tính đến hết tháng 5, số dư tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) theo chế độ quy định gồm tạm ứng hợp đồng và có bảo lãnh tại hệ thống Kho bạc Nhà nước (KBNN) là 52.252,6 tỷ đồng. Nếu so sánh số vốn tạm ứng với con số đã giải ngân theo kế hoạch vốn năm 2015 (90.214 tỷ đồng) cũng chiếm hơn 50%. Bài toán khó đặt ra lúc này phải có hành lang pháp lý để ngăn ngừa các khoản nợ đọng khó thu hồi.
Bộ Tài chính sẽ siết chặt quản lý dự án sử dụng nguồn vốn NSNN. Ảnh: Thu Hằng
|
Kẽ hở
Theo báo cáo của KBNN, trong số dư tạm ứng vốn đầu tư 52.252,6 tỷ đồng thì số dư tạm ứng vốn đền bù giải phóng mặt bằng chiếm 17.993,5 tỷ đồng và dư tạm ứng thuộc kế hoạch năm 2015 là 12.406,3 tỷ đồng.
Đi tìm nguyên nhân tạo kẽ hở để các nhà thầu chiếm dụng vốn của công trình, dẫn tới gia tăng tạm ứng, sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) không hiệu quả, Phó Trưởng phòng Đầu tư Trung ương- Vụ Đầu tư- Bộ Tài chính, Đỗ Thị Bích chỉ ra rằng, theo quy định hiện hành tại Thông tư 86/2011/TT-BTC về quản lý, thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN của Bộ Tài chính, khi tạm ứng không yêu cầu bắt buộc phải có bảo lãnh và việc thu hồi vốn tạm ứng chỉ thu hồi hết khi giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng. Do vậy, các khoản nợ vốn tạm ứng từ năm 2013 về trước chiếm tới 235,3 tỷ đồng.
Còn đứng dưới góc độ của đơn vị thực hiện khâu kiểm soát và thanh toán cuối cùng trong giải ngân vốn đầu tư, Phó Tổng giám đốc KBNN Nguyễn Việt Hồng cho rằng, để giảm số dư vốn tạm ứng phụ thuộc vào phần lớn sự chủ động, tích cực từ phía chủ đầu tư.
“Các chủ đầu tư tập trung chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng (GPMB); phối hợp và kiểm tra các nhà thầu, đơn vị thực hiện nhiệm vụ đền bù GPMB đối với các khoản đã tạm ứng, đảm bảo vốn tạm ứng được sử dụng đúng đối tượng, đúng quy định. Cần khẩn trương nghiệm thu, hoàn thiện hồ sơ và làm thủ tục thanh toán đối với khối lượng công việc đền bù GPMB đã hoàn thành để hoàn ứng, giảm số dư tạm ứng vốn đầu tư tại cơ quan KBNN”- ông Nguyễn Việt Hồng dẫn chứng.
Từ đó, lãnh đạo KBNN đề xuất nên chăng một số dự án đã GPMB được 80% khối lượng thì khoanh vùng thanh toán luôn 80% này để giảm tồn ngân.
Bởi thực tế tồn tại từ nhiều năm nay, có nhiều dự án khi có khối lượng nghiệm thu để thanh toán nhưng lại không khẩn trương làm thủ tục hồ sơ thanh toán ngay với KBNN. Nhiều chủ đầu tư để dồn khối lượng hoàn thành mới làm hồ sơ thanh toán vào những tháng cuối năm. Thậm chí có dự án hoàn thành xong nhưng phải 3 đến 4 năm sau mới làm thủ tục thanh toán.
Theo ông Nguyễn Việt Hồng, việc dồn hồ sơ thanh toán vào cuối năm gây khó cho cơ quan chi trả cũng như khách hàng vì nhiều khi luồng tiền về chưa đủ để đáp ứng ngay. Vì vậy, ông Hồng đề nghị Bộ Tài chính cần nghiên cứu đưa vào văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể với dự án có khối lượng thì phải ra KBNN thanh toán ngay.
Được biết, Vụ Đầu tư- Bộ Tài chính đang sửa đổi, bổ sung Thông tư 86/2011/TT-BTC theo hướng việc tạm ứng vốn của chủ đầu tư, cho nhà thầu về cơ bản thì mức tạm ứng vẫn giữ nguyên mức tối đa, tối thiểu nhưng quy định thắt chặt về điều kiện tạm ứng và thu hồi tạm ứng theo hợp đồng (bao gồm quy định việc bảo lãnh tạm ứng là bắt buộc đối với các giá trị tạm ứng trên 1 tỷ đồng) như: Quy định chủ đầu tư phải có đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng, quy định thêm trách nhiệm của cơ quan Kho bạc trong đánh giá tình hình thực hiện tạm ứng vốn cho nhà thầu và trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư thu hồi trong trường hợp vốn tạm ứng không được sử dụng đúng mục đích.
Trong khi chờ những nội dung sửa đổi này ban hành, Bộ Tài chính yêu cầu KBNN phải thường xuyên đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng, phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra vốn đã tạm úng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Ngoài ra, chủ đầu tư khi tạm ứng vốn phải có mặt bằng xây dựng được bàn giao một phần hoặc toàn bộ để tránh trường hợp khi tạm ứng xây lắp nhưng chưa có mặt bằng để thi công.
Hoàn thiện cơ chế quản lý
Tại Hội thảo về cơ chế quản lý tài chính đầu tư và giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân năm 2015 do Bộ Tài chính tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu cho biết, cùng với cơ chế quản lý đầu tư chung được tiếp tục đổi mới, việc ban hành các Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), Nghị quyết của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN trong các năm qua đều yêu cầu điều hành, quản lý chi ngân sách chặt chẽ; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn đầu tư từ NSNN, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.
"Trước những yêu cầu này, Bộ Tài chính đang hoàn thiện văn bản pháp lý để quản lý chặt chẽ các dự án, đặc biệt là các dự án sử dụng vốn NSNN nhằm tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính, tránh lãng phí, thất thoát tài sản. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính cho các chủ đầu tư theo hướng công khai minh bạch…"- Thứ trưởng Trần Văn Hiếu cho hay.
Cụ thể, Bộ Tài chính sửa đổi các Thông tư quy định quản lý, sử dụng chi phí quản lý dự án của các dự án sử dụng vốn NSNN và vốn trái phiếu Chính phủ, Thông tư quy định quản lý, thanh toán vốn đầu tư thuộc nguồn vốn NSNN, Thông tư quy định quyết toán dự án hoàn thành thuộc nguồn vốn NSNN.
Đại diện đơn vị chủ trì soạn thảo, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư- Bộ Tài chính Lê Tuấn Anh cho biết, nội dung nghiên cứu sửa đổi lần này đã mạnh dạn đưa ra các cơ chế quản lý mới thể hiện rõ và cao hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan tài chính các cấp trong quản lý vốn đầu tư. Đồng thời mở rộng phạm vi quản lý nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ vốn đầu tư của NSNN tại tất cả các khâu thực hiện như: Không giao dự án cho chủ đầu tư, ban quản lý dự án có dự án chậm nộp báo cáo quyết toán từ 24 tháng trở lên…
Trước mắt, trong năm nay, Bộ Tài chính khống chế tổng mức vốn tạm ứng đối với các hợp đồng của các dự án sử dụng vốn NSNN (vốn trong nước) và vốn TPCP của các hợp đồng thực hiện trong năm tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án.
Từ 1-7-2015, Bộ Tài chính thực hiện quy định mới về tạm ứng vốn KBNN (theo Thông tư số 62/2015/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 162/2012/TT-BTC quy định việc tạm ứng vốn KBNN), các khoản tạm ứng sử dụng không đúng mục đích đã được phê duyệt sẽ bị thu hồi. Trường hợp khoản tạm ứng không được hoàn trả đúng hạn, đúng quy định thì KBNN có quyền trích tồn quỹ ngân sách để thu hồi đủ số vốn đã tạm ứng, phí tạm ứng và phí tạm ứng quá hạn.
Bộ Tài chính cũng thay đổi cách tính mức phí tạm ứng vốn KBNN được áp dụng thống nhất là 0,15%/tháng (30 ngày) tính trên số dư nợ tạm ứng. Mức phí tạm ứng quá hạn được tính bằng 150% mức phí tạm ứng trong hạn. Phí tạm ứng quá hạn được tính theo mức phí tạm ứng quá hạn và số ngày quá hạn.
|
Thu Hằng
hải quan
|