Càng dùng nhiều điện càng phải trả giá cao: Chưa theo quy luật thị trường!
Những đợt nắng nóng kéo dài trong tháng 5 và 6-2015 đã khiến cho hóa đơn tiền điện của nhiều gia đình tăng đột biến, dẫn đến việc không ít khách hàng sử dụng điện đặt câu hỏi, tại sao dùng càng nhiều điện lại càng phải trả giá cao hơn?
Trên thị trường, hầu hết người mua đều muốn mua các sản phẩm với giá rẻ, còn người bán lại muốn bán với giá đắt và đây là một quy luật của thị trường. Đối với một thị trường tự do thì quan hệ giữa cung - cầu sẽ điều chỉnh giá cả của thị trường đến mức cân bằng giá cả mua - bán một cách nhanh chóng. Nhưng đối với thị trường có kiểm soát, thường là Nhà nước ấn định giá tối đa nhằm làm cho người bán không được phép bán quá giá trần và mức giá này thường được đưa ra khi thiếu hàng hóa để hạn chế không cho giá cả tăng lên.
Thị trường điện Việt Nam là một ví dụ điển hình về một thị trường chưa phải là tự do mà có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước quyết định giá bán bình quân và biểu giá bán điện cho từng nhóm khách hàng cụ thể...
Công nhân điện lực duy tu, bảo dưỡng đường dây nhằm tránh thất thoát điện năng. Ảnh: Nhật Nam
|
Ở nước ta, từ trước tới nay vẫn sử dụng phương pháp bù đắp chi phí quá khứ để định giá điện. Tuy nhiên, ở thời kỳ bao cấp, giá điện chưa được tính đúng với những chi phí quá khứ trong quá trình sản xuất - truyền tải và tiêu thụ điện. Ở thời kỳ này, Nhà nước quy định giá điện thấp hơn giá thành sản xuất và phải lấy tiền từ ngân sách ra để bù lỗ cho ngành điện.
Từ khi nền kinh tế nước ta chuyển sang kinh tế thị trường, Nhà nước đã cho tăng dần giá điện để phản ánh đúng với giá thành sản xuất điện, đồng thời để giảm dần gánh nặng bù lỗ của ngân sách và bỏ hẳn bù lỗ. Mức giá bán lẻ điện bình quân được áp dụng từ ngày 16-3-2015 là 1.622,01 đồng/kWh (chưa gồm thuế giá trị gia tăng). Mục tiêu cơ bản xuyên suốt chính là phải tăng giá điện lên đến mức để nó phản ánh đúng quan hệ cung cầu của thị trường và chỉ có như vậy mới có thể đáp ứng được các mục tiêu của chính sách năng lượng quốc gia...
Liên quan đến việc dùng nhiều điện phải trả giá cao, trong biểu giá điện sinh hoạt hiện hành quy định theo bậc thang là: 1.484 đồng cho 50kWh đầu tiên; 1.533 đồng cho kWh thứ 51-100; 1.786 đồng cho kWh thứ 101-200; 2.242 đồng cho kWh 201-300; 2.503 đồng cho kWh thứ 301-400 và 2.587 đồng cho kWh thứ 400 trở đi.
Theo biểu giá này, đối với điện bán lẻ cho sinh hoạt thì khách hàng càng dùng nhiều điện càng phải trả giá cao hơn, khác với các loại sản phẩm hàng hóa khác là càng mua nhiều càng được khuyến khích, giảm giá, có thưởng…
Nói cách khác, hiện nay khách hàng sử dụng điện sinh hoạt chưa được khuyến khích tiêu thụ nhiều điện năng. Bởi, ở nước ta thu nhập của người dân nói chung còn thấp thì việc xây dựng một giá điện phù hợp cho tất cả khách hàng là vấn đề chưa thể thực hiện được.
Vì vậy, ngoài việc kiểm soát giá điện, Nhà nước còn có chính sách xây dựng một biểu giá điện theo hướng bù giá giữa các nhóm khách hàng. Mặc dù điều này về lâu dài là không có lợi, do nó sẽ làm sai lệch tín hiệu thị trường nhưng là biện pháp cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Thanh Mai
hà nội mới
|