Của chung, của riêng
Quá trình tư nhân hóa nhanh chóng đang biến của công thành của riêng cho không ít người.
Đi một ngày đàng, học một sàng khôn, điều này đúng ngay cả với vị chuyên gia kinh tế lão làng Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương. Ông Doanh kể, có lần gần đây ông được mời vào một tỉnh Tây Nguyên nói chuyện cho các lãnh đạo. Người ta chở ông đến một nhà nghỉ tư nhân. Thấy làm lạ, ông hỏi, sao không đưa tôi về nhà khách ủy ban. Họ đáp, nhà nghỉ này của chánh văn phòng, chúng cháu bố trí bác ở đây để ủng hộ ổng.
Lần khác, ông Doanh lên một tỉnh miền núi phía Bắc giảng bài cho quan chức tỉnh, lại được bố trí một khách sạn tư nhân. Ông cũng thắc mắc thì được trả lời, đây là khách sạn của chủ tịch tỉnh.
Thông thường, những người như ông Doanh khi được mời về địa phương làm việc được bố trí ăn nghỉ ở nhà khách ủy ban, hay tỉnh ủy. Nhưng nay thì lãnh đạo tỉnh, như những chuyện kể trên, đã xây dựng những khách sạn tư để đón khách từ hệ thống nhà khách truyền thống đó; và đương nhiên, được thanh toán bằng chính tiền ngân sách. Những trải nghiệm như vậy của ông Doanh ngày càng dày thêm khi ông đi nhiều tỉnh khác.
“Khách sạn chỉ là chuyện rất nhỏ, nhưng nó cho thấy nhóm lợi ích đã chi phối đến mức độ như thế nào. Nhìn rộng ra, họ lập các công ty sân sau, cấu kết với các doanh nghiệp tư nhân lớn, miệng thì nói để phục vụ phát triển, nhưng thực ra là để chia chác, bòn rút nguồn lực quốc gia. Điều rõ ràng nhất là sự ưu đãi đặc biệt mà các tỉnh ưu ái các doanh nghiệp đại gia”, ông Doanh nói.
Ở đâu và khi nào mà “nhóm lợi ích” không bị ngăn chặn có hiệu lực, hiệu quả, mà để nó phát triển mạnh, lan tràn, hoành hành, vai trò của Nhà nước lành mạnh bị vô hiệu hóa, thì ở đó, tất yếu sẽ kéo theo “chủ nghĩa tư bản thân hữu” xuất hiện và tồn tại.
|
Quá trình tư nhân hóa ở Việt Nam, qua câu chuyện ông Doanh, và vô vàn những câu chuyện khác gần đây, đang được đẩy nhanh hơn bao giờ hết sau 30 năm đổi mới và mở cửa. Bằng chứng rõ ràng nhất là sự nổi lên của hàng loạt tên tuổi của các doanh nghiệp tư nhân chỉ dựa vào đất đai, khai thác tài nguyên, hay được ưu đãi chính sách. Họ đang nhanh chóng mở rộng hoạt động ra khắp các tỉnh thành do được chính quyền địa phương ưu đãi giao đất đai, bãi biển, núi đồi, hầm mỏ, các dự án giao thông - điều mà các doanh nghiệp khác, kể cả doanh nghiệp nhà nước, không dễ gì có được.
Gần đây, ông Doanh được mời sang Singapore để nói chuyện về kinh tế Việt Nam. Nhân dịp này, giới ngoại giao và đầu tư Singapore gặp ông và phàn nàn về chuyện đất đai đã được cấp hết cho các cá nhân. “Họ phàn nàn, nói rằng chúng tôi được mời vào đầu tư, nhưng đi đến đâu thì đất đã có chủ, được cấp hết cho tư nhân. Muốn đầu tư thì phải mua lại đất đó với giá cắt cổ. Chúng tôi biết hết, ông ạ”.
Nhìn nhận về hiện tượng này, ông Doanh nói: “Tình hình rất đáng lo ngại. Người ta lập ra các công ty sân sau, bắt tay với các đại gia để chia chác, bòn rút”.
Nhưng câu chuyện không chỉ trong các dự án bất động sản. Nó xuất phát ngay cả trong các dự án giao thông. Theo đại biểu Quốc hội Trần Quang Chiểu (Nam Định) tổng số tiền đầu tư của các nhà thầu BOT tư nhân chỉ vỏn vẹn 35.000 tỉ đồng, là một số tiền nhỏ so với cả quốc lộ 1A. Ông nói: “Họ chỉ đầu tư có 35.000 tỉ để làm BOT thôi, mà cả tuyến quốc lộ 1A bị chặt ra đến 17 đoạn để thu phí là không phù hợp. 35.000 tỉ đó đối với đất nước ta tôi cho rằng không lớn. Nếu chúng ta dành hẳn ra 35.000 tỉ đó để trả cho các nhà đầu tư thì nhân dân đi từ Bắc vào Nam sẽ không phải mất một đồng phí nào... Nay thu phí thì người dân không có lựa chọn”. Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng phải than thở: “Dân nói phí chồng phí là đúng. Tôi đi đâu cũng thấy dân kêu về phí từ các dự án BOT”.
BOT chỉ là một ví dụ. Hiện tại, nhiều quan chức đang cổ vũ cho việc bán sân bay, bến cảng... cho các nhà đầu tư tư nhân dưới danh nghĩa “nhượng quyền”. Chứng kiến những điều này, ông Doanh tỏ ra lo lắng: “Chúng ta bán hàng tỉ đô la tài sản công đi như vậy mà sao không hề có khung pháp luật gì cả. Thế giới bao giờ cũng phải có khung pháp luật. Trong các diễn đàn kinh tế mùa xuân, mùa thu, tôi luôn đề nghị phải có luật, nhưng chả ai để ý gì cả”.
Chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ đặt câu hỏi: “Bộ trưởng Giao thông Vận tải hăng hái xã hội hóa, tư nhân hóa, nhưng chưa hề huy động bộ máy suy nghĩ đưa ra thể chế. Bán sân bay, bán bến cảng, bán quốc lộ mà không có văn bản luật pháp đi kèm thì thế nào?”. Và ông tự trả lời: “Tưởng các công trình đó bán đi thì có lợi cho Nhà nước, cho người dân, nhưng chả ai có lợi. Chỉ có chủ đầu tư tư nhân cánh hẩu thôi. Hãy thử làm cuộc điều tra, những đại gia giàu lên nhanh chóng như vậy, bao nhiêu phần trăm là tự họ làm, bao nhiêu phần trăm là họ hút được từ Nhà nước, từ người dân?”.
Đọc tiếp tại đây...
Tư Giang
tbktsg
|