Thứ Tư, 08/07/2015 22:06

Nhiều DNNN bị nêu tên vì quản lý tài chính yếu kém

Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước (DNNN) bị nêu tên do nợ nần chồng chất, quản lý tài chính yếu kém, và lãng phí tài sản công, theo một báo cáo của Kiểm toán Nhà nước dự kiến công bố cuối tuần này.

* Những kẽ hở “rơi” vốn nhà nước

* Ai chịu trách nhiệm nếu doanh nghiệp Nhà nước vỡ nợ?

* Buộc Bia Sài Gòn nộp lại 408 tỉ đồng tiền thuế

VTC bị nêu tên vì thua lỗ. Ảnh TL.

Báo cáo kiểm toán 2014 của cơ quan này cho biết đã kiểm toán 249 doanh nghiệp thuộc 38 tập đoàn kinh tế, tổng công ty (TCT) nhà nước, và đã phát hiện hàng loạt vấn đề tài chính.

Có nhiều tập đoàn, tổng công ty quản lý nợ chưa chặt chẽ, dẫn đến nợ phải thu quá hạn. Ở Tập đoàn Viettel có Tổng công ty cổ phần Đầu tư Quốc tế Viettel có số nợ phải thu quá hạn là 1.960 tỉ đồng (chiếm gần 18% nợ phải thu); DATC 507,21 tỉ đồng; và Công ty mẹ VEAM 440,35 tỉ đồng…

Nợ khó đòi cũng là vấn đề rất lớn. tại TCT Thép Việt Nam, đơn vị trực thuộc là Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên có số nợ khó đòi gần 595 tỉ đồng (chiếm 93% nợ phải thu), Công ty mẹ 54,9 tỉ đồng (8,3%); trong khi số nợ khó đòi tại VEAM là 293 tỉ đồng (gần 19%); tại DOFICO là 126 tỉ đồng (chiếm 22%); tại HANDICO là 109,7 tỉ đồng (chiếm 7,2%); và tại VICEM 92 tỉ đồng.

Một số tổng công ty đầu tư tài sản sử dụng không hiệu quả gây lãng phí vốn, thua lỗ.

Chẳng hạn tại VTC, nhiều tài sản đầu tư phải dừng hoạt động, trong đó có hệ thống truyền hình kỹ thuật số 22,09 tỉ đồng; thiết bị truyền hình kỹ thuật số mặt đất cho một số trạm phát cấp tỉnh, cấp huyện; một số thiết bị thuộc dự án Hệ thống phát thanh truyền hình trên mạng Internet với giá trị 1,76 tỉ đồng.

Hay như tại Tổng công ty VEAM, Công ty TNHH MTV Diesel Sông Công có dây chuyền sản xuất động cơ xăng 6÷8 HP nguyên giá 32,65 tỉ đồng đã không sử dụng từ nhiều năm.

Cũng theo kết quả kiểm toán, nhiều doanh nghiệp có vốn góp của các tổng công ty nhà nước kinh doanh thua lỗ, mất vốn. Trong số này, Công ty Nạo vét và Xây dựng đường thủy I thuộc TCT Xây dựng Đường Thủy âm vốn chủ sở hữu 217,9 tỉ đồng.

Một số đơn vị khác có số lỗ lũy kế lớn hơn vốn đầu tư của chủ sở hữu, chẳng hạn Công ty cổ phần Vật liệu Tự dính Việt Nam thuộc TCT Công nghiệp In - Bao bì Liksin lỗ lũy kế 488,49 tỉ đồng so với vốn là 252,66 tỷ đồng; Công ty cổ phần Kinh doanh Thủy hải sản Sài Gòn thuộc SATRA âm 355,12 tỉ đồng so với vốn là 88 tỷ đồng, Công ty cổ phần XNK Tổng hợp và Đầu tư TP.HCM âm 197,53 tỉ đồng so với vốn 30 tỉ đồng...

Một số đơn vị, nhất là các doanh nghiệp trong ngành xi-măng, có số lỗ lũy kế lớn, chẳng hạn VICEM Tam Điệp gần 916 tỉ đồng, VICEM Hải Phòng gần 428 tỉ đồng, VICEM Bút Sơn gần 263 tỉ đồng...

Hầu hết các tổng công ty có hoạt động đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản đều có dự án chậm tiến độ làm giảm hiệu quả đầu tư, hoặc một số dự án phải tạm dừng triển khai, gây lãng phí vốn đầu tư, trong khi một số tổng công ty khác chưa sử dụng hết diện tích đất đang quản lý.

Tư Hoàng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Duyệt quy hoạch hệ thống logistics trên cả nước (08/07/2015)

>   EU cam kết tăng 32% hỗ trợ ODA cho Việt Nam trong bảy năm tới (08/07/2015)

>   Làn sóng đầu tư từ Thái Lan đang tích cực “chảy” vào Việt Nam (08/07/2015)

>   Chấp nhận cuộc chơi (08/07/2015)

>   Nghề quản tài viên xuất hiện ở Việt Nam (08/07/2015)

>   TotalGaz Việt Nam: Thương vụ chuyển nhượng vốn lớn năm 2015 (08/07/2015)

>   Thị trường cá tra EU giảm, Trung Quốc tăng (08/07/2015)

>   Doanh nghiệp lúng túng với quy định kinh doanh mới (08/07/2015)

>   Basa ‘vàng’ sang Mỹ: Nổi tiếng nhờ… bị kiện (08/07/2015)

>   Chi 110 tỉ đồng mỗi tháng chỉ để ghi... côngtơ điện (08/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật