Chấp nhận cuộc chơi
Liên tiếp trong hai ngày qua, Cục thuế Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã công bố hàng loạt DN và dự án bất động sản nợ thuế với tổng số tiền tổng cộng lên tới 4.276 tỷ đồng. Trong đó riêng Hà Nội với 2 đợt công bố 73 DN nợ 2.078 tỷ đồng và 28 dự án số tiền 1.900 tỷ đồng.
* Hà Nội nêu tên hàng loạt ông lớn bất động sản nợ thuế
Dễ thấy rằng, trong danh sách các DN bị bêu tên thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ xuất nhập khẩu, đến sản xuất thương mại, thép… nhưng đa phần là các DN bất động sản (BĐS), giao thông, xây dựng. Đây có lẽ là sự vào cuộc quyết liệt nhất từ trước đến nay trong việc bảo đảm nguồn thu mà ngành thuế thực hiện. Một số DN thì cho rằng, việc làm này có thể không sai luật nhưng việc công bố rộng rãi danh tính DN đang nợ thuế sẽ gây ảnh hưởng lớn đến uy tín, làm giảm giá trị thương hiệu của DN, chỉ gây thêm nhiều bất lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Thậm chí có ý kiến cho rằng, cách làm này góp phần thủ tiêu ý chí nộp thuế của DN. Vì DN có sống được mới có tiền trả lương lao động, mới có tiền nộp ngân sách.
Năm 2013, Hà Nội cũng phải công bố 77 DN đang chây ỳ, nợ đọng hơn 1.800 tỷ đồng tiền thuế. Tuy vậy, từ đó đến nay, dù áp dụng rất nhiều biện pháp… nợ vẫn tăng cao. Lãnh đạo Cục thuế Hà Nội lúc đó cũng từng chia sẻ, ngành thuế rất thông cảm với DN, giải quyết theo hướng, những đơn vị làm ăn chân chính vì khó khăn nhất thời thì cơ quan thuế tạo điều kiện hỗ trợ DN, đặc biệt là các DN trước làm ăn tốt, hiệu quả nay gặp khó khăn tạm thời… Trên thực tế, Chính phủ cũng từng gia hạn nộp thuế sử dụng đất để gỡ khó cho DN, đặc biệt là DN BĐS và lãnh đạo địa phương cũng trực tiếp chỉ đạo tìm hướng gỡ khó cho thị trường BĐS để DN có thêm thời gian khôi phục sản xuất, kinh doanh. Chính vì thế, DN nằm trong danh sách công bố là những DN đã bị cơ quan thuế áp dụng ít nhất hai biện pháp: Thông báo, động viên và cả biện pháp hành chính (cưỡng chế, kiểm tra tài khoản ngân hàng, kê biên tài sản...).
DN khó khăn đành phải nợ thuế có thể thông cảm. Nhưng những DN cố tình nộp chậm để chiếm dụng vốn lại là "chuyện lớn". Trong khi DN nhỏ chật vật khó tiếp cận vốn vay để sản xuất, kinh doanh vẫn đóng thuế đầy đủ còn DN lớn lại nợ đọng thuế lớn làm hụt NS là điều bất cập. Thực tế, cũng có tình trạng, DN được tham gia đầu tư dự án BĐS, nhưng năng lực tài chính hạn chế, khiến dự án kéo dài, nhiều khu đô thị mới phát triển nhếch nhác, làm mất niềm tin khách hàng. Danh sách nợ thuế có thể tiếp tục được nối dài trong những ngày tới, bởi ngành thuế đang liên tục rà soát các đối tượng trên địa bàn. Số nợ thuế của cả nước đã lên tới 72.000 tỷ đồng, chiếm 10% tổng thu ngân sách, gấp đôi chỉ tiêu được phép. Trong khi đó, để bù nguồn hụt thu dần thô, ngành thuế phải vượt thu 10% trong năm nay.
Cách làm này của ngành thuế là việc làm bình thường mang tính răn đe để các DN thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước. Tuy nhiên, để DN bị “bêu tên” không bị nhìn nhận như một “tội đồ”, nên chăng ngành thuế cũng nên đi từng bước như cách của Sở Chứng khoán vẫn đang thực hiện, DN bị lọt vào kiểm soát do thua lỗ kéo dài sẽ bị công bố công khai nhưng sau khi đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, làm ăn có lãi sẽ được thông báo ra khỏi tầm kiểm soát.
Trâm Anh
Kinh tế và Đô thị
|