Sẽ không có thành công nếu kinh doanh du lịch chộp giật
Quá nhiều yếu kém, hạn chế đang tồn tại của ngành Du lịch được "mổ xẻ" tại Hội thảo Phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới do Ban Kinh tế Trung ương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 7-7.
Làm sao để khẩu hiệu "Việt Nam vẻ đẹp bất tận" mà ngành Du lịch đặt ra đến được với đông đảo bạn bè quốc tế là việc cần làm của các cơ quan quản lý về du lịch. Ảnh: Internet
|
Trên "nóng" dưới "nguội"
Để cải thiện hình ảnh du lịch Việt Nam trong con mắt của người bản địa và khách quốc tế, Chính phủ đã liên tiếp ra nhiều Nghị quyết, Chỉ thị nhằm tăng cường quản lý, chấn chỉnh những tồn tại của hoạt động kinh doanh du lịch.
Tổng cục Du lịch cũng đã sốt sắng tổ chức Hội thảo, Hội nghị, ban hành kế hoạch hành động nhằm kéo lượng khách quốc tế quay lại Việt Nam, song những điều đó là chưa đủ khi nhiều DN, cá nhân, tổ chức trực tiếp làm du lịch vẫn còn khá "thờ ơ", coi việc cải thiện môi trường kinh doanh du lịch, làm hài lòng khách đến, vừa lòng khách đi là hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn, thời gian vừa qua lượng khách quốc tế đến Việt Nam suy giảm, đồng thời du lịch nội địa cũng đạt kết quả chưa tương xứng với tiềm năng và kỳ vọng là do môi trường kinh doanh du lịch của nước ta còn nhiều vấn đề tồn tại, công tác quản lý điểm đến bộc lộ nhiều yếu kém.
Cũng theo ông Tuấn, mặc dù thời gian qua, Tổng cục Du lịch đã liên tiếp có nhiều động thái để chấn chỉnh hoạt động kinh doanh du lịch với DN song kết quả vẫn chưa được cải thiện nhiều.
"Thái độ phục vụ du khách của các tổ chức, cá nhân còn thiếu chuyên nghiệp, tình trạng mất an toàn giao thông vẫn diễn ra nghiêm trọng ở nhiều địa phương. Hiện tượng tiêu cực trên nhiều tuyến giao thông, tình trạng lừa đảo, chặt chém, bán hàng rong, chèo kéo, bắt chẹt khách ngày càng diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương", ông Tuấn thừa nhận.
Phân tích những yếu kém hạn chế đang tồn tại của ngành Du lịch, ông Vương Đình Huệ- Trưởng ban Kinh tế trung ương cho rằng, du lịch là một ngành kinh tế có tính tổng hợp liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao nhưng hiện một số tổ chức, cá nhân, DN vẫn chưa có nhận thức đúng về ngành này, chưa đặt ngành kinh tế này trong xu thế phát triển của thị trường mà chỉ coi đây là một ngành dịch vụ phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, sự đầu tư và chuyên nghiệp vẫn chưa được coi trọng do vậy hiệu quả kinh tế thu được chưa cao.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Tuấn Anh- Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã thẳng thắn thừa nhận những thách thức đang đặt ra với ngành Du lịch trong thời kỳ mới.
Theo ông Tuấn Anh, so với các nước du lịch phát triển trong khu vực, kinh phí xúc tiến quảng bá của du lịch Việt Nam rất hạn chế, cơ chế hoạt động kém linh hoạt, thị thực nhập cảnh vào Việt Nam khó khăn hơn khiến lợi thế cạnh tranh của Việt Nam bị hạn chế, nhất là với khách đi du lịch ngắn ngày.
Bên cạnh những yếu tố khách quan khiến du lịch chưa thể trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, theo ông Vũ Tiến Lộc- Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, còn có yếu tố chủ quan ở bản thân DN du lịch.
Theo ông Lộc, trong bối cảnh hiện nay, nhiều DN du lịch quốc doanh đã có một số thay đổi trong cơ chế quản lý và kinh doanh nhưng vẫn còn tư duy ỷ lại, trông chờ vào sự bảo hộ của Nhà nước.
Ông Lộc cho rằng, hiện nhiều DN tư nhân, hợp tác xã và hộ tư nhân có quy mô nhỏ lẻ, năng lực có hạn nhưng ý thức liên kết với nhau và liên kết với DN lớn vẫn còn hạn chế, do đó chưa tạo được ra sức mạnh chung để cạnh tranh trên thị trường với DN lớn.
"Bên cạnh đó, phần lớn DN du lịch nhỏ và vừa chưa thật sự chủ động trong đầu tư phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch và nguồn nhân lực đạt tiêu chuẩn và chất lượng quốc tế. Ngoài ra sự tham gia của DN tư nhân vào quá trình hoạch định chính sách và lập kế hoạch còn hạn chế, có rất ít mối quan hệ đối tác giữa các cơ sở công và cơ sở tư nhân", ông Lộc chia sẻ.
Làm du lịch xuất phát từ tâm
Đề xuất những giải pháp phát triển du lịch Việt Nam trong thời kỳ mới, ông Trần Du lịch- Ủy viên Ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, các DN cần phải tham gia tích cực vào các hoạt động cải thiện môi trường kinh doanh du lịch, cải thiện hình ảnh của du lịch Việt Nam.
Ông Lịch nói: Các DN kinh doanh trong lĩnh vực du lịch cần làm du lịch với tinh thần chuyên nghiệp, trung thực, thân thiện và hiếu khách, cần coi việc kinh doanh du lịch là phương thức để làm đẹp hình ảnh quốc gia, hình ảnh con người Việt Nam.
Bên cạnh đó, muốn làm du lịch tốt, bên cạnh sự cố gắng của cơ quan quản lý Nhà nước, của DN, cần có sự vào cuộc của cả cộng đồng, đặc biệt là những người dân tham gia hoạt động du lịch tại các địa phương.
Nhắc tới đất nước đang là tấm gương sáng trong hoạt động kinh doanh ngành công nghiệp không khói là Thái Lan, ông Lịch cho biết ông cũng khá tâm đắc với phát biểu của Bộ trưởng Du lịch Thái Lan tại Hội nghị Tiểu vùng sông Mê Kong mở rộng diễn ra cuối năm 2014.
"Tại Hội nghị này Bộ trưởng Du lịch Thái Lan phát biểu rằng du lịch là sự kết nối giữa con tim với con tim, làm du lịch không bao giờ thành công nếu chỉ có đào tạo đội ngũ nhân viên du lịch chuyên nghiệp mà quan trọng hơn là người dân địa phương phải có cái tâm của một người chủ hiếu khách", ông Lịch chia sẻ.
Do vậy ông Lịch cho rằng, sự thân thiện của người dân đối Việt Nam với khách du lịch sẽ kết nối con tim của du khách và là động lực để họ quay trở lại. Do đó muốn làm du lịch bền vững thì phải có "tư duy từ lãnh đạo cho đến người dân" chứ không phải chỉ có DN kinh doanh du lịch. Một khi người dân có nhường đất cho nhà đầu tư làm du lịch thì chính họ phải là người được hưởng lợi nhất từ hoạt động du lịch.
"Đầu tư du lịch là đầu tư lâu dài, không phải lĩnh vực mang lại lợi ích trước mắt. Kinh nghiệm những nước thành công trong phát triển du lịch cho thấy, sẽ không có thành công nếu kinh doanh du lịch theo kiểu chộp giật, chặt chém và lừa dối. Do vậy chính quyền phải bảo đảm không có loại hình kinh doanh như thế tồn tại trong hoạt động du lịch", ông Lịch đề xuất.
Còn theo ông Trần Hùng Việt- Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, để du khách quốc tế đến Việt Nam cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp bất tận của đất nước, con người Việt Nam đồng thời lấy lại niềm tin của người Việt với du lịch Việt, các cơ quan quản lý cần tập trung xây dựng thương hiệu du lịch Việt Nam mang tính khác biệt, độc đáo, đạt tầm khu vực và quốc tế.
Bên cạnh đó, ông Việt đề xuất Tổng cục Du lịch cần chỉ đạo tăng cường công tác quảng bá tiếp thị thương hiệu du lịch quốc gia thông qua việc nhanh chóng thiết lập các văn phòng đại diện du lịch Việt Nam tại các thị trường trọng điểm.
"Ngoài ra, một trong những điểm yếu của du lịch Việt Nam hiện nay là thiếu nguồn nhân lực giỏi trong công tác xây dựng thương hiệu, quảng bá tiếp thị, chính vì thế thời gian tới các cơ quan quản lý cần có chiến lược đầu tư bài bản trong việc tuyển dụng, đào tạo, tái đào tạo đội ngũ nhân sự xây dựng thương hiệu, quảng bá tiếp thị", ông Việt đề xuất.
D. Ngân
hải quan
|