Kinh tế Mỹ và Anh cùng "chạy đà" trong cuộc đua tăng lãi suất
Mỹ và Vương quốc Anh đang ở trong cuộc đua trở thành nền kinh tế lớn đầu tiên tiến hành tăng lãi suất sau một thời gian dài áp dụng các chính sách nới lỏng tiền tệ, khi trong tuần trước lần lượt Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen và Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Mark Carney đã phát đi tín hiệu rằng thời điểm tăng lãi suất tuy không phải là ngay lập tức song đang đến gần.
Sản xuất ôtô tại Mỹ. (Nguồn: AP)
|
Như vậy, rõ ràng hai nhà lãnh đạo của Fed - Ngân hàng trung ương Mỹ, và BoE đều tin rằng tăng trưởng kinh tế trong nước họ, thị trường việc làm và lạm phát đều đang đi đúng hướng để hỗ trợ quyết định tăng lãi suất. Tuy nhiên, Chủ tịch Janet Yellen và Thống đốc Mark Carney vẫn giữ một sự thận trọng nhất định.
Trong khi Thống đốc Carney cho biết BoE sẽ chỉ tăng lãi suất dần dần từ mức thấp kỷ lục là 0,5% và mức tăng sẽ thấp hơn so với trong quá khứ thì Chủ tịch Yellen lại cho rằng rủi ro vẫn tồn tại, nhất là do những hiệu ứng lan tỏa từ cuộc khủng hoảng Hy Lạp và Trung Quốc; đồng thời nhấn mạnh không nên cường điệu hóa tầm quan trọng của việc điều chỉnh lãi suất.
Chuyên gia Paul Mortimer-Lee đến từ ngân hàng BNP Paribas nhận định bà Yellen dự tính sẽ tăng lãi suất “dần dần” và mức độ tăng sẽ phụ thuộc vào các số liệu kinh tế sắp công bố.
Một trong những nguyên nhân khiến Fed và BoE chưa thể hoàn toàn tự tin với quyết định tăng lãi suất là do hai nền kinh tế nước Anh và Mỹ vẫn chưa thể có nhiều dấu hiệu tăng trưởng bền vững. Trong khi Vương quốc Anh đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát và thất nghiệp tăng lần đầu tiên trong hơn hai năm thì Mỹ lại đau đầu với đồng USD tăng giá, doanh số bán lẻ giảm trong tháng Sáu, lương giảm và lạm phát ở mức thấp.
Tại châu Á, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cũng đang gặp nhiều khó khăn trong việc kiểm soát những bất ổn trên thị trường chứng khoán nước này.
Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) cũng dự định sẽ bơm thêm 48 tỷ USD vào Ngân hàng Phát triển Trung Quốc - ngân hàng lớn nhất của nước này. Một cường quốc khác là Nhật Bản cũng vừa điều chỉnh giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế trong nước, bất chấp việc Xứ hoa Anh đào vẫn đang triển khai chính sách “Abenomics” để phục hồi kinh tế.
Có đến 37 ngân hàng trung ương trên thế giới đã thực hiện nới lỏng tiền tệ trong năm nay để thúc đẩy tăng trưởng và đẩy lùi tình trạng giảm phát, với những quốc gia như Thụy Điển, Hàn Quốc, Guatemala, Canada và Azerbaijan đã cắt giảm lãi suất trong 3-4 tuần qua./.
Phương Nga
vietnam+
|