Hy Lạp rón rén mở lại ngân hàng
Trong ngày 20/7, hệ thống các ngân hàng Hy Lạp sẽ mở cửa trở lại sau 3 tuần ngừng hoạt động, tuy nhiên, phần lớn các biện pháp kiểm soát vốn vẫn được duy trì, bao gồm cả việc ngừng các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và ngừng mở tài khoản mới.
Các ngân hàng Hy Lạp sẽ mở cửa trở lại từ hôm nay (20/7)
|
Trong một động thái được cho là bước đi đầu tiên để thực hiện thỏa thuận đổi cải cách khắc khổ lấy cứu trợ, từ ngày 20/7, Hy Lạp bắt đầu áp dụng tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với một loạt hàng hóa và các dịch vụ.
Đối với các mặt hàng như năng lượng, nước uống, những loại thực phẩm chủ lực, đặc biệt là các sản phẩm tươi sống sẽ áp mức thuế 13%. Các sản phẩm không thuộc loại hàng mau hỏng bị áp thuế ở mức 23%. Mức thuế tối đa này cũng áp dụng cho các dịch vụ giao thông công cộng, taxi, nhà hàng và các các dịch vụ khác.
Ngoài ra, Chính phủ Hy Lạp cũng sẽ từng bước loại bỏ những ưu đãi về thuế VAT đối với các đảo ở nước này. Riêng các mặt hàng như thuốc men, sách, vé nhà hát thì mức thuế này lại giảm từ 6,5% hiện nay xuống còn 6%. Kế hoạch tăng thuế VAT được cho là sẽ tác động trước tiên tới các tầng lớp trung lưu và hạ lưu tại Hy Lạp.
Cũng trong ngày 20/7, hệ thống các ngân hàng Hy Lạp sẽ mở cửa trở lại sau 3 tuần ngừng hoạt động (từ ngày 29/6), theo đó mỗi người được phép rút tiền tối đa 420 euro/tuần trong mỗi lần rút (thay vì chỉ được rút tối đa 60 euro/ngày như trước đây).
Tuy nhiên, phần lớn các biện pháp kiểm soát vốn vẫn được duy trì, bao gồm cả việc ngừng các giao dịch chuyển tiền ra nước ngoài và ngừng mở tài khoản mới. Sau khi Quốc hội Hy Lạp thông qua gói biện pháp khắc khổ theo yêu cầu của các nước Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) để đổi lấy gói cứu trợ mới trị giá 86 tỷ euro, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 16/7 đã quyết định nâng mức trần Quỹ hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp (ELA) cho các ngân hàng Hy Lạp lên 900 triệu euro (978 triệu USD), cho phép hệ thống ngân hàng nước này hoạt động trở lại. Theo ước tính, sau 3 tuần đóng cửa các ngân hàng, nền kinh tế nước này thiệt hại khoảng 3 tỷ euro (3,3 tỷ USD), chưa kể tổn thất của ngành du lịch. Theo kế hoạch, ngày 20/7, Hy Lạp phải thanh toán cho ECB khoản nợ trị giá 4,2 tỷ euro.
Trong một động thái liên quan, Thủ tướng Đức Angela Merkel tối 19/7 đã có cuộc trả lời phỏng vấn truyền thống với kênh truyền hình ARD của nước này, trong đó có đề cập tới tình hình nợ của Hy Lạp. Thủ tướng Merkel cho biết bà không muốn có thêm bất kỳ cuộc tranh luận nào về khả năng Hy Lạp phải rời Eurozone, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tiến hành việc cung cấp gói cứu trợ mới cho "xứ sở thần thoại".
Thủ tướng Đức cũng cho biết sẽ không có đàm phán trong Eurozone về cắt giảm nợ cho Hy Lạp, song việc làm nhẹ gánh nợ dưới hình thức hạ lãi suất hay kéo dài thời hạn tín dụng là điều có thể.
Thủ tướng Merkel cũng khẳng định bà không có bất đồng với Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble, người trước đó dọa có thể từ chức nếu bị sức ép liên quan tới hướng giải quyết cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp.
Theo Thủ tướng Đức, kết quả đạt được là điều quan trọng nhất, do vậy, tiến trình đàm phán cho gói cứu trợ thứ ba “phải được thực hiện nhanh chóng để Hy Lạp có thể tự đứng trên đôi chân của mình”. Bà cho biết phía các đối tác Liên minh châu Âu (EU) sẽ nỗ lực để có thể kết thúc tốt đẹp các cuộc đàm phán, và các cuộc đàm phàn này cũng sẽ được tiến hành một cách cứng rắn để có thể hiện thực hóa những gì đã ký kết.
Huyền Anh
chính phủ
|