Thứ Bảy, 11/07/2015 10:14

Hơn 19.000 bản quy hoạch tiêu tốn hơn 8.000 tỷ đồng

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang soạn thảo Luật Quy hoạch nhằm giúp khắc phục công tác quy hoạch ôm đồm, chồng chéo, không khả thi do tư duy kéo dài từ thời bao cấp.

Dự luật Quy hoạch sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp cuối năm nay

Tại buổi họp báo công bố một số nội dung của dự thảo Luật Quy hoạch, tổ chức chiều nay, 10-7, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nói: “Tư duy và nhận thức của các cấp, cách ngành về công tác quy hoạch còn nhiều bất cập, và còn chịu ảnh hưởng lớn từ tư duy kinh tế thời quan liêu, bao cấp.”

Ông nhận xét, có nhiều quy hoạch có chất lượng thấp, thường xuyên phải điều chỉnh, không gắn với nhu cầu sử dụng và nguồn lực thực hiện, thiếu tính khả thi.

Ông Vũ Quang Các, Tổ trưởng tổ biên tập dự luật, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết thêm, cả nước hiện có tới 19.285 các đề án quy hoạch từ trung ương tới địa phương, tiêu tốn tổng số tiền lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Các đề án này là sản phẩm của 70 văn bản luật và pháp lệnh điều chỉnh công tác quy hoạch tới năm 2020.

Ông Các dẫn chứng, có những bản quy hoạch có tên “Quy hoạch doanh nhân xuất khẩu gạo” đặt ra hàng loạt các điều kiện cho doanh nhân làm xuất khẩu gạo; hay quy hoạch bán lẻ rượu, bia, nước giải khát quy định mỗi địa phương có bao nhiêu điểm bán bia, rượu; hay có bản quy hoạch nuôi cá tra, cá ba sa.

“Chúng ta có quá nhiều các bản quy hoạch mà nội dung không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường và hội nhập. Nhiều bản quy hoạch còn mang dấu ấn kinh tế bao cấp, nhà nước muốn làm hết," ông nói.

Ông Các cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành dự án Luật Quy hoạch và Bộ Tư pháp đang thẩm định để báo cáo Chính phủ trong tháng 7-2015.

Theo dự luật, 70 văn bản luật, pháp lệnh sẽ được rút xuống còn hai văn bản điều chỉnh công tác quy hoạch là Luật Quy hoạch điều chỉnh các quy hoạch tổng thể từ cấp quốc gia đến cấp tỉnh; và Luật Quy hoạch đô thị, nông thôn điều chỉnh các quy hoạch chi tiết ở các cấp huyện, xã.

Dự luật này sẽ tạo công cụ để giải quyết, xử lý các vấn đề xung đột lợi ích, xung đột liên ngành, xung đột giữa các địa phương.

Về điểm này, Thứ trưởng Đông giải thích, chẳng hạn đề án lấp sông Đồng Nai làm đô thị chắc chắn sẽ không được phê duyệt khi có Luật Quy hoạch vì sông Đồng Nai không chỉ của riêng tỉnh Đồng Nai, nó liên quan đến nhiều địa phương khác.

Tại buổi họp báo, phóng viên đặt câu hỏi, khi dự thảo Luật Quy hoạch được thông qua, thì nó có điều chỉnh bản Quy hoạch báo chí hay không?

Thứ trưởng Đông giải thích, nếu cứ tranh luận người bảo cần, người bảo không cần quy hoạch báo chí thì đó là rất chủ quan. Thay vào đó, cần có triết lý, nguyên lý mang tính khách quan, chứ không thể bằng ý chí.

Thời gian vừa qua có nhiều quy hoạch tạm gọi là quy hoạch “phi vật thể” (không gắn với vật thể, không gian đất, nước, trời). Theo yêu cầu của thủ tướng, các khái niệm về quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, chương trình đã được làm rõ.

Ông giải thích tiếp, tất cả những cái thực thể gắn với không gian, như cầu, trường học, di tích…  thuộc về quy hoạch. Còn cái gì không gắn với mặt đất, không gian, mà trước đây vẫn gọi là quy hoạch phi vật thể thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị chuyển sang đề án hoặc chương trình và có các điều kiện triển khai, không nhất thiết phải gọi là quy hoạch mà vẫn có nội hàm về điều kiện, định hướng, quản lý.

Ông nói: “Theo tôi, báo chí giờ là sản phẩm dịch vụ cung cấp theo nhu cầu thị trường, có cái thị trường yêu cầu cái này nhiều hơn, cái kia ít hơn, thì chính báo chí phải điều chỉnh, còn điều kiện hoạt động báo chí đấy là câu chuyện khác, không nhất thiết phải gọi là quy hoạch. Phía cơ quan soạn thảo nhận thức, quy hoạch phải gắn với vật thể, không gian, đất, nươc mới gọi là quy hoạch.”

Tuy nhiên, ông Đông nói thêm, giữ quy hoạch báo chí hay không nằm ngoài phạm trù, chức năng, và trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, và bản quy hoạch này không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Quy hoạch.

Thứ trưởng Đông khẳng định, Luật Quy hoạch sau khi được ban hành sẽ tạo bước đột phá mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, là động lực để thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh hiệu quả nhằm hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Tư Hoàng

TBKTSG

Các tin tức khác

>   ‘Người nghèo’ mua nhà ở xã hội rồi đóng cửa, cho ở nhờ (10/07/2015)

>   Kiểm toán nói gì về BCTC 2014 của OGC? (10/07/2015)

>   Dừng nghiên cứu dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu (10/07/2015)

>   Xử nghiêm sai phạm tại dự án Thăng Long Garden (10/07/2015)

>   Nhiễu số liệu giao dịch chung cư (10/07/2015)

>   Thanh tra Chính phủ vào cuộc vụ 'giấu' đất tái định cư tại Đà Nẵng (09/07/2015)

>   Nhiều doanh nghiệp Nhà nước mắc kẹt vì đầu tư bất động sản (09/07/2015)

>   “Siêu dự án” đường sắt tốc độ cao: Ăn sáng Hà Nội, ăn trưa Sài Gòn (09/07/2015)

>   TPHCM đề xuất nhiều biện pháp gỡ vướng sổ đỏ, sổ hồng (09/07/2015)

>   Yêu cầu đề xuất các phương án “bán” hạ tầng giao thông (09/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật