Chủ Nhật, 19/07/2015 22:01

Được, mất từ các dự án lọc, hóa dầu

Ước mơ của Việt Nam về ngành công nghiệp lọc hóa dầu được coi là rất chính đáng. Tuy nhiên, để phát triển ngành công nghiệp được đánh giá là non trẻ với Việt Nam này, nền kinh tế đã và đang phải “trả giá” không ít.

Các nước đi trước đã phải chịu rất nhiều hậu quả do phát triển công nghiệp hóa dầu: ô nhiễm môi trường, khí thải nhà kính và quan trọng là sử dụng nhiều tài nguyên đất đai... Ảnh: TRIỆU TRÙNG ĐIỆP

Từ Dung Quất đến Nhơn Hội: ưu đãi và ưu đãi

Để phát triển ngành công nghiệp hóa dầu mà Việt Nam vốn có lợi thế về địa kinh tế (nằm trên con đường vận tải nhộn nhịp, trữ lượng dầu mỏ khá, là cửa ngõ cung cấp sản phẩm hóa dầu vào các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) nhưng lại không có lợi thế về con người, công nghệ, kỹ thuật, Chính phủ đã chấp nhận bảo hộ cho các dự án lọc hóa dầu với hàng loạt ưu đãi về thuế.

Với dự án đầu tiên, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (nằm tại tỉnh Quảng Ngãi), đơn vị quản lý là Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn được hưởng cơ chế thu điều tiết. Cụ thể, so với các doanh nghiệp nhập khẩu xăng - dầu, khí hóa lỏng (LPG), Công ty Bình Sơn được giảm 7% thuế nhập khẩu đối với xăng - dầu, 5% với LPG, 3% với sản phẩm hóa dầu (xăng dầu do Dung Quốc sản xuất vẫn phải nộp thuế nhập khẩu). Mức ưu đãi này được áp dụng từ năm 2009 và sẽ kéo dài đến năm 2018 (theo Quyết định 2286/QĐ-TTg ngày 26-11-2013). Ngoài ra, Công ty Bình Sơn còn được hưởng ưu đãi thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% trong thời gian 30 năm (nhiều hơn 15 năm so với các doanh nghiệp khác trong khu kinh tế Dung Quất); được miễn thuế bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong thời gian chín năm tiếp theo từ năm đầu tiên Công ty Bình Sơn có thu nhập chịu thuế từ dự án Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào hoạt động và đang đóng góp lớn cho ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi. Điều này đã tạo ra một cuộc chạy đua giữa các địa phương nhằm thu hút đầu tư các dự án lọc, hóa dầu. Đến nay, cả nước đã có tám dự án lọc, hóa dầu trải dài từ Thanh Hóa đến Cần Thơ dù theo chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam tới năm 2020 (ban đầu) chỉ có ba nhà máy lọc, hóa dầu tại Quảng Ngãi, Thanh Hóa và Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài Nhà máy Dung Quất và một nhà máy có quy mô nhỏ có tên Cát Lái ở TPHCM đang hoạt động thì còn có thêm sáu dự án khác. Cụ thể, đó là dự án lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) với vốn đầu tư 9 tỉ đô la Mỹ, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm; dự án tại Vũng Rô (Phú Yên) vốn đầu tư 3,2 tỉ đô la Mỹ, công suất 8 triệu tấn dầu thô/năm; dự án Nam Vân Phong (Khánh Hòa) vốn đầu tư 8 tỉ đô la Mỹ, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm; dự án Nhơn Hội (Victory, Bình Định) vốn đầu tư 22 tỉ đô la Mỹ, công suất 20 triệu tấn dầu thô/năm; dự án Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) vốn đầu tư 4,5 tỉ đô la Mỹ, công suất 2,7 triệu tấn dầu thô/năm; dự án tại Cần Thơ có vốn đầu tư 538 triệu đô la Mỹ, công suất 2 triệu tấn dầu thô/năm.

Vấn đề là, Dung Quất đã được hưởng ưu đãi thì các dự án sau đó cũng muốn được những quyền lợi tương tự. Và không ai khác, chính các chính quyền địa phương đã tham gia cùng các chủ đầu tư “chạy” xin ưu đãi, như một cách để thu hút dự án tỉ đô về cho địa phương mình.

Đơn cử là trường hợp dự án tổ hợp lọc, hóa dầu Nhơn Hội. Thông qua chính quyền địa phương, chủ đầu tư là tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT) và tập đoàn Dầu mỏ Saudi Aramco của Ảrập Saudi mong muốn Chính phủ áp dụng cơ chế ưu đãi cho dự án này như những dự án đang được triển khai tại Việt Nam. Đây được coi là một trong những điều kiện quan trọng để chủ đầu tư quyết định có thực hiện dự án hay không.

Sau nhiều tranh cãi và phản đối của các bộ ngành, cuối cùng, vào cuối năm 2014, Thủ tướng đã phê duyệt bổ sung dự án này vào quy hoạch chung phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025. Cùng với đó, Thủ tướng chấp thuận một số ưu đãi đầu tư mà tỉnh Bình Định và Bộ Tài chính đề xuất. Cụ thể, dự án sẽ thuộc danh mục đặc biệt khuyến khích đầu tư và được hưởng thuế thu nhập doanh nghiệp mức 10% trong 15 năm, miễn thuế trong bốn năm đầu, giảm 50% số thuế phải nộp trong chín năm tiếp theo. Ngoài ra, dự án cũng được miễn tiền thuê đất và thuế nhập khẩu dầu thô cũng như các thiết bị, máy móc, vật tư mà trong nước chưa sản xuất... Riêng thuế xuất khẩu sản phẩm sẽ được xem xét trong giai đoạn thu xếp vốn.

Ngoài ưu đãi trực tiếp, một số địa phương có dự án lọc hóa dầu còn kiến nghị ngân sách trung ương hỗ trợ vốn giải phóng mặt bằng với số tiền lên đến hàng trăm hoặc hàng ngàn tỉ đồng/dự án. Cơ sở của đề xuất này là Quyết định 126 của Thủ tướng ban hành năm 2009, quy định với các dự án lớn, có quy mô vốn trên 20.000 tỉ đồng, ở các khu kinh tế ven biển thuộc vùng có điều kiện khó khăn thì Nhà nước sẽ hỗ trợ nguồn vốn xây dựng hạ tầng.

Xem thêm tại đây

Minh Tâm-Quốc Hùng

tbktsg

Các tin tức khác

>   Khó hiểu giá xăng Việt Nam: Thêm số liệu chứng minh (17/07/2015)

>   Giá dầu đi xuống trước triển vọng Iran đẩy mạnh xuất khẩu dầu (16/07/2015)

>   Sau thoả thuận với Iran, giá xăng Mỹ giảm còn 2 USD/ gallon? (16/07/2015)

>   PVN phấn đấu đạt doanh thu 383.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm (15/07/2015)

>   IMF: Giá dầu giảm thúc đẩy chi tiêu và hỗ trợ kinh tế thế giới (15/07/2015)

>   Giá dầu đi lên sau thỏa thuận lịch sử của Iran và nhóm P5+1 (15/07/2015)

>   Iran và 6 cường quốc đạt thỏa thuận hạt nhân lịch sử (14/07/2015)

>   Iran ký hợp đồng xây dựng đường ống dẫn khí trị giá 2,3 tỷ USD (14/07/2015)

>   OPEC dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng cao trong năm 2016 (14/07/2015)

>   OPEC dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu tăng cao trong năm 2016 (14/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật