Thứ Ba, 14/07/2015 14:39

Doanh nghiệp bán lẻ nội địa: Cẩn thận mất thị phần

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế nước ta ngày càng sâu rộng với khu vực và thế giới, thị trường bán lẻ được cho là đang đứng trước nhiều thách thức lớn, nếu không có giải pháp quyết liệt sẽ khiến có thể mất thị phần, mất kênh tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước… Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội VŨ VINH PHÚ trao đổi về vấn đề này.

- Thưa ông, thị trường bán lẻ nước ta đang phải đối diện với những thách thức nào trong tiến trình hội nhập kinh tế thế giới?

- Bán lẻ trong nước hiện đang có nhiều hạn chế, như: nguồn lực tài chính có hạn; chưa có chiến lược kinh doanh; tính chuyên nghiệp và quản trị doanh nghiệp yếu; chỉ có từ 5 - 7% nguồn nhân lực đã qua đào tạo; chi phí kho vận cao; sự liên kết giữa sản xuất và phân phối còn lỏng lẻo, chưa tạo được sức mạnh... Trong khi đó, doanh nghiệp nước ngoài có nguồn lực tài chính dồi dào, tính chuyên nghiệp cao. Doanh nghiệp bán lẻ trong nước không chỉ cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài, mà cũng phải cạnh tranh giữa doanh nghiệp trong nước với nhau, giữa doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc với doanh nghiệp gian lận thương mại...

- Nhưng bên cạnh những hạn chế này, thì bán lẻ trong nước hẳn phải có lợi thế nhất định so với doanh nghiệp nước ngoài, thưa ông?

- Chúng ta có ưu thế là am hiểu thị trường và người tiêu dùng Việt Nam. Một số đơn vị đã xây dựng được hệ thống mạng lưới siêu thị rộng khắp trên cả nước, trong khi các nước muốn bán hàng nhập khẩu phải vận chuyển vào nên chi phí lớn. Chi phí nhân công ở nước ta cũng rẻ hơn doanh nghiệp nước ngoài. Nếu các nhà bán lẻ trong nước liên kết tốt giữa sản xuất và phân phối, cũng như biết tận dụng các lợi thế khác, thì sẽ có ưu thế nhất định trong quá trình hội nhập sâu vào kinh tế khu vực, thế giới.

Nguồn: aasc.com.vn

- Hiện nay đã xuất hiện tình trạng doanh nghiệp nước ngoài thâu tóm hệ thống bán lẻ trong nước. Chúng ta cần phải nhìn nhận hiện tượng này ra sao, thưa ông?

- Việc mua bán, sáp nhập các siêu thị là hoạt động bình thường trong nền kinh tế thị trường. Một số doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang có cổ đông nước ngoài, nhưng họ chỉ sở hữu lượng cổ phần thấp, chưa thể chi phối hoạt động của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu những thành viên hội đồng quản trị doanh nghiệp là cổ đông trong nước không có bản lĩnh, kinh nghiệm, thì rất dễ bị những phương pháp hạch toán tinh vi đánh lừa là công ty hợp tác này đang lỗ, dù thực chất chỉ là tình trạng lỗ giả. Như vậy, chúng ta sẽ bị thâu tóm bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài không chỉ thâm nhập vào phân phối mà cả sản xuất, nên những người tham gia vào hội đồng quản trị phải nắm vững hoạt động của doanh nghiệp, giữ bản lĩnh, nếu không thì thương hiệu của doanh nghiệp nội sẽ mất. Chúng ta phải tỉnh táo, không bị lấn sân vô lý, gây thiệt thòi cho chính mình.

- Trong cuộc cạnh tranh giữa doanh nghiệp bán lẻ trong nước và nước ngoài, liệu người tiêu dùng trong nước có được lợi không?

- Nếu chúng ta mở cửa đúng đắn, quản lý tốt hàng nhập khẩu, cũng như thúc đẩy được sản xuất trong nước, thì người tiêu dùng rất có lợi. Trong đó, lợi ích lớn nhất là họ sẽ được thực hiện “quyền lựa chọn”, gồm: lựa chọn về giá, về chất lượng, thương hiệu, phong cách phục vụ của từng doanh nghiệp bán lẻ trong nước cũng như nước ngoài… Nhưng, chi phí sản xuất trong nước hiện rất cao, mà năng suất lao động lại thấp hơn từ 2 - 15 lần so với các nước trong khu vực. Mặc dù bây giờ có phong trào Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, nhưng chưa có chiến lược người Việt dùng hàng Việt nên chưa thể phát triển vững chắc. Các nhà sản xuất trong nước không vươn lên, hạ giá thành, liên kết sản xuất, thì nhà sản xuất cũng thua ngay trên sân nhà. Muốn người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt thì người sản xuất phải yêu nước trước, sản xuất ra hàng hóa có chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh… Chúng ta đừng nói ưu tiên dùng hàng Việt duy ý chí.

- Một số nhà bán lẻ đang chọn hướng dịch chuyển đầu tư hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích về các vùng nông thôn để khai phá thị trường này. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng này?

- Khi mạng lưới hệ thống hợp tác xã cung ứng hàng hóa, dịch vụ ở một số địa phương phải giải thể, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đang đề cập thiết lập lại mạng lưới hệ thống này. Tuy nhiên, mở siêu thị ở nông thôn trong điều kiện hiện nay là chưa phù hợp, chỉ nên dừng ở các cửa hàng của hợp tác xã. Điều cần làm trước tiên là phải tạo sức mua ở nông thôn bằng cách phải về đầu tư cho bà con, hướng dẫn trồng rau sạch, thịt sạch phục vụ cho thành phố, từ đó bà con có tiền mua hàng tiêu dùng do doanh nghiệp bán lẻ trong nước đưa về.

- Theo ông, Nhà nước cần phải làm gì, ban hành cơ chế nào để bảo vệ ngành hàng bán lẻ trong nước?

- Theo cam kết gia nhập WTO, Nhà nước không thể hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp, chỉ có thể hỗ trợ gián tiếp qua đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng hạ tầng để giảm chi phí vận chuyển. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, cũng như đầu tư cho khâu kiểm soát an toàn vệ sinh. Trong quá trình đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại tự do kiểu mới, Chính phủ nên đàm phán sâu về thuế nhập khẩu và xây dựng lộ trình thực hiện hợp lý để doanh nghiệp trong nước có động lực phấn đấu cạnh tranh với nước ngoài. Nói cách khác, Nhà nước phải có chất xúc tác mạnh để thị trường phát triển.

- Xin cảm ơn ông!

“Trong hội nhập sâu vào kinh tế khu vực và thế giới, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa cần tăng cường liên kết với nhau, không thể để 10 siêu thị sẽ cử ra 10 người đi mua dầu ăn về bán. Bên cạnh việc liên kết giữa các doanh nghiệp bán lẻ với nhau, thì cũng cần liên kết giữa nhà bán lẻ với đơn vị du lịch, hàng không, giao thông... Doanh nghiệp bán lẻ không nên hoạt động độc lập, mà nên kết hợp các tour du lịch để đưa khách đến siêu thị mua sắm. Tôi cho rằng, sự liên kết giữa sản xuất phân phối, nguồn nhân lực là quan trọng nhất, quyết định đến sự tồn tại của doanh nghiệp bán lẻ. Phải xây dựng chiến lược kinh doanh, từ nay đến 10 năm nữa mình sẽ đi đến đâu, xây dựng thương hiệu như thế nào...? Đồng thời, các cơ quan chức năng cần rà soát để giảm bớt các loại phí, thuế không thật cần thiết. Một quả trứng vẫn phải cõng 14 khoản phí thuế sẽ khiến trứng trong nước để có thể cạnh tranh về giá so với hàng nhập khẩu. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều thì mới phát triển được thị trường bán lẻ trong nước”.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú

Anh Tú

đại biểu nhân dân

Các tin tức khác

>   Từ năm 2016, cước vận tải giảm nhờ sàn giao dịch (14/07/2015)

>   Xây dựng khu trung chuyển hàng hóa tại biên giới (14/07/2015)

>   Nhà đầu tư Trung Quốc muốn tham gia dự án điện Hải Dương (13/07/2015)

>   Xuất khẩu nhựa sang châu Âu gặp khó (13/07/2015)

>   Có sai phạm trong sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu (13/07/2015)

>   Thị trường mì ăn liền: Chua, cay, nóng, khó nuốt! (13/07/2015)

>   TKV: Đầu tư 1,8 tỷ USD xây Nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (13/07/2015)

>   Doanh nghiệp kêu, mỗi bộ nói một kiểu (13/07/2015)

>   Sáu tháng, nhập khẩu gần 27.000 ô tô (13/07/2015)

>   Các hãng điện tử nước ngoài “chăm sóc” nhà bán lẻ Việt (13/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật