Thứ Năm, 16/07/2015 11:07

Da giày rộng đường làm ăn 

Lượng đơn hàng dịch chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam cùng với việc tham gia hàng loạt hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu da giày.

Nhận định trên được đại diện Bộ Công Thương, các doanh nghiệp (DN) nêu ra tại hội nghị xúc tiến xuất khẩu da giày do Bộ Công Thương và Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam (Lefaso) tổ chức ngày 15-7 tại TP HCM.

Chỉ sau Trung Quốc, Ý

Việt Nam hiện đứng thứ ba trong nhóm các nước xuất khẩu da giày lớn nhất thế giới tính về trị giá, chỉ sau Trung Quốc và Ý. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ngành da giày liên tục ổn định trong 5 năm qua, từ mức 4,2 tỉ USD năm 2009 tăng lên 10,5 tỉ USD năm 2014, bất chấp những giai đoạn kinh tế toàn cầu suy thoái.

Sáu tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu da giày tiếp tục đạt mức ấn tượng với 7,35 tỉ USD, tăng 18% so với cùng kỳ. Sản phẩm giày dép của Việt Nam đã có mặt ở hơn 50 quốc gia và đang tiếp tục gia tăng thị phần tại những thị trường trọng điểm. Riêng sản phẩm túi xách có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rất nhanh và đã có mặt ở hơn 40 nước.

Sản xuất giày xuất khẩu tại Công ty CP Công nghiệp Đông Hưng (tỉnh Bình Dương) Ảnh: Vĩnh Tùng

Theo ông Diệp Thành Kiệt, Phó Chủ tịch Lefaso, thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam gồm EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tiếp tục có triển vọng tăng trưởng, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với EU đang đàm phán, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ, Nhật là thành viên.

Với thị trường Mỹ, xuất khẩu da giày đã tăng trưởng mạnh trong những năm qua từ mức 1 tỉ USD lên khoảng 3,4 tỉ USD vào năm ngoái (chiếm 32% kim ngạch xuất khẩu của ngành). Nếu TPP được ký kết, lợi thế đầu tiên mà ngành da giày Việt Nam được hưởng là mức thuế nhập khẩu hiện tại từ 3,5%-57,4% sẽ được xóa bỏ, thuế nhiều dòng sản phẩm da giày xuất khẩu vào Mỹ tiến về 0%. Đây không chỉ là cơ hội cho ngành tăng trưởng xuất khẩu mà còn được xem là cú hích cho DN phát triển cả về số lượng và chất lượng.

Các bạn hàng lớn tràn vào

Điểm đáng lưu ý là gần đây, lượng đơn hàng xuất khẩu dịch chuyển mạnh từ Trung Quốc sang Việt Nam nhờ chi phí nhân công giá rẻ cũng mở ra nhiều cơ hội cho ngành. Chẳng hạn, chi phí nhân công của Trung Quốc khoảng 500 USD/người/tháng, trong khi Việt Nam chỉ 250 USD/người/tháng…

Hàng loạt tập đoàn, DN sản xuất giày dép lớn thế giới cũng chọn Việt Nam làm cứ điểm mở rộng hoạt động hoặc đầu tư mới nhằm tận dụng ưu đãi thuế quan khi các FTA được ký kết. Đại diện Hiệp hội Da giày Quảng Đông (Trung Quốc) cho biết trong làn sóng nhiều thương hiệu lớn đổ vào Việt Nam, một số DN ở Trung Quốc cũng sang Việt Nam tìm kiếm cơ hội, đầu tư vào ngành giày dép.

Theo lãnh đạo Bộ Công Thương, trong năm 2015, các FTA đã ký có thể chưa tác động trực tiếp giúp kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh do các nội dung chỉ chính thức có hiệu lực từ 1-2 năm tới. Tuy nhiên, hàng loạt FTA mà Việt Nam tham gia sẽ tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư nước ngoài vào sản xuất nguyên phụ liệu và sản phẩm xuất khẩu. Mục tiêu của ngành da giày là phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 23 tỉ USD vào năm 2020.

Cần quan tâm quy tắc xuất xứ

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương, cho biết lâu nay, các DN chỉ quan tâm đến việc giảm thuế khi nói về các FTA mà không lưu ý điều kiện để được hưởng ưu đãi thuế là phải đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Hơn 70% nguyên phụ liệu cho ngành da giày Việt Nam hiện vẫn phải nhập khẩu, nhất là từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Ấn Độ... nhưng các thị trường này lại không là thành viên của TPP. “Nếu TPP có hiệu lực, các DN tiếp tục nhập khẩu nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc sẽ không được hưởng ưu đãi thuế” - ông Hải lưu ý.

Lãnh đạo Lefaso kiến nghị các chính sách nhà nước cần cụ thể hóa để DN có thể tận dụng được, nhất là đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, trong đó quan trọng nhất là hỗ trợ xây dựng vùng nguyên phụ liệu.

Thái Phương

người lao động

Các tin tức khác

>   Việt Nam đứng đầu về FDI trong tăng trưởng xanh (16/07/2015)

>   Nhập siêu quay trở lại mức cao (16/07/2015)

>   Người Việt ồ ạt sắm ôtô trong 2015 (16/07/2015)

>   Khai thác tiềm năng, đẩy mạnh hợp tác kinh tế Việt Nam-Campuchia (15/07/2015)

>   Phân tích về 12 nước tham gia Hiệp định TPP (16/07/2015)

>   Cơ hội cho doanh nghiệp từ Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (15/07/2015)

>   Làn sóng “viễn chinh” của đại gia Việt (15/07/2015)

>   Ấn Độ cấp gói tín dụng 300 triệu USD cho dệt may Việt Nam (15/07/2015)

>   13 loại sản phẩm, dịch vụ độc quyền (15/07/2015)

>   EVN cùng lúc có 6 doanh nghiệp được xếp hạng đặc biệt (15/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật