Thứ Năm, 16/07/2015 07:05

Phân tích về 12 nước tham gia Hiệp định TPP

Nền kinh tế Việt Nam có rất ít ảnh hưởng đến những nước tham gia TPP. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhất. Khi các nước thành viên "gỡ bỏ những con đê hàng rào thuế quan" thì hàng xuất khẩu của Việt Nam dễ dàng tiêu thụ hơn.

Có thể nói 2015 sẽ là một năm bận rộn mang tính chất quyết định cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Đây là năm hình thành những khối tự do mậu dịch với sự tham gia của Việt Nam như Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp châu Âu (Vietnam – EU AFTA), và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Một trong những công cụ tốt nhất để một quốc gia có thể sử dụng để khuyến khích thêm nhiều đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đó là các hiệp định thương mại tự do. Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức khi đàm phán TPP, là một thỏa thuận thương mại tự do đề xuất giữa Hoa Kỳ và 11 đối tác thương mại khác giáp với Thái Bình Dương  gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam. Đáng chú ý, thỏa thuận này không bao gồm Trung Quốc (tương lai có thể Trung Quốc sẽ tham gia).

Quốc hội Hoa Kỳ đã cho Tổng thống Obama quyền fast-track trong tháng 6/2015, giúp dễ hoàn thành đàm phán TPP vào cuối năm 2015. Thực tế, trong suốt gần hai nhiệm kỳ làm Tổng thống, Barack Obama không có quyền hành này. Trước đó, Tổng thống George W. Bush đã được trao quyền vào năm 2002, nhưng hết hạn vào ngày 30/06/2007. Nếu không có nó thì Tổng thống Barack Obama sẽ gặp không ít khó khăn để thông qua các hiệp định thương mại mới.

TPP sẽ có quy mô nhỏ hơn một chút so với các thỏa thuận thương mại khu vực lớn khác mà Hoa Kỳ đang đàm phán, như Hiệp định Thương mại và Đầu tư Đối tác xuyên Đại Tây Dương (TTIP) giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu. Nhưng TPP sẽ lớn hơn so với các Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), hiện là khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới. Điều đó cho thấy sức hấp dẫn của nó đối với Việt Nam khi chính thức là thành viên TPP trong tương lai không xa, việc này sẽ thúc đẩy nhiều dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đổ vào Việt Nam.

Mục đích của TPP là để tăng cường thương mại và đầu tư giữa các nước đối tác, thúc đẩy đổi mới, tăng trưởng kinh tế, phát triển, hỗ trợ việc tạo ra và duy trì việc làm. TPP bao gồm các yêu cầu thương mại mới giải quyết khả năng tương thích của các quy định và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ bước vào hội nhập.

TPP không liên quan đến vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán. Đầu tư trực tiếp nước ngoài được cho là hữu ích hơn cho một quốc gia so với các khoản đầu tư vào cổ phiếu, vì có tiềm năng "tiền nóng" gây vỡ bong bóng, nhưng về lâu dài sẽ thúc đẩy nhiều doanh nghiệp, công ty mới của Việt Nam thực hiện IPO nhằm mở rộng quy mô vốn của thị trường chứng khoán. Trong khi đó, FDI là bền và thường hữu ích cho dù mọi thứ diễn ra tốt đẹp hoặc xấu, nó sẽ là đòn bẩy nâng đỡ và thúc đẩy tiềm năng của thị trường chứng khoán Việt Nam vỗn dĩ có quy mô nhỏ cũng như chưa được mở rộng đúng mức với tiềm năng dân số hơn 90 triệu người.

Đi vào phân tích từng nước về lãi suất, cán cân thương mại, xuất khẩu và nhập khẩu,... Đầu tiên, cần hết sức chú ý về đánh giá tín nhiệm các quốc gia. Đối với Việt Nam, Mexico, Peru, các quốc gia này được các cơ quan đánh giá tín dụng như Standard & Poor’s, Moody's, Fitch Ratings xếp hạng từ BB- cho đến BBB+. Tức là các nước này có nhược điểm về các khoản vay quốc tế với lợi suất trái phiếu đắt hơn và do đó lẽ tất nhiên lãi suất trong nước sẽ cao hơn.

Các nước Mỹ, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand và Singapore đều có mức tín nhiệm xếp hạng từ AAA đi xuống tới A. Điều đó cho thấy, những nước này chiếm ưu thế và các khoản vay trên thị trường tài chính quốc tế có lợi suất thấp nên lãi suất trong nước của họ được tài trợ thấp hơn, nên doanh nghiệp của họ dễ tiếp cận vốn vay.

1. Hoa Kỳ: Là nước có nền kinh tế và công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. Các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chăm sóc sức khỏe, trợ cấp xã hội, nghề nghiệp, kinh doanh và dịch vụ giáo dục chiếm hơn 40% của GDP. Thương mại bán lẻ và bán buôn tạo ra thêm 12% của sự giàu có. Cung cấp nhiên liệu chiếm 13% của GDP. Tiện ích, giao thông vận tải và kho bãi đóng góp 10% của GDP. Sản xuất, khai thác mỏ và xây dựng chiếm 17% của đầu ra. Đáng chú ý, nông nghiệp chỉ chiếm chỉ 1.5% của GDP nhưng do sử dụng công nghệ tiên tiến nên Hoa Kỳ là nước xuất khẩu lương thực ròng rất lớn.

Về cán cân thương mại, Mỹ đã bị thâm hụt thương mại từ năm 1976 do nhập khẩu cao sản phẩm dầu và tiêu dùng. Trong những năm gần đây, thâm hụt thương mại lớn nhất được ghi nhận với Trung Quốc, Nhật Bản, Đức và Mexico. Tuy nhiên, Mỹ lại đạt thặng dư thương mại với Hồng Kông, Hà Lan, UAE và Australia.

Về xuất khẩu, Hoa Kỳ là nước xuất khẩu lớn thứ ba của thế giới, nhưng xuất khẩu chỉ chiếm 13% của GDP. Xuất khẩu chính là hàng hóa vốn (chiếm 39% của tổng kim ngạch xuất khẩu); vật tư công nghiệp (28%); hàng tiêu dùng (12%); xe ô tô, phụ tùng và động cơ (10.5%); thực phẩm, thức ăn và đồ uống (7%). Xuất khẩu đối tác chính của Mỹ là Canada (chiếm tỷ trọng cao nhất là 19% của tổng xuất khẩu), Mexico (14%), Trung Quốc (7%), Nhật Bản (4%), Đức (3%) và Vương quốc Anh (3%).

Về nhập khẩu, Hoa Kỳ là nước nhập khẩu lớn thứ hai trên thế giới. Nhập khẩu chính gồm hàng hóa vốn (chiếm 29%); hàng tiêu dùng (26%); thiết bị công nghiệp (24%); xe ô tô, phụ tùng và động cơ (15%); thực phẩm, thức ăn và đồ uống (5%). Hoa Kỳ nhập khẩu chính từ các nước là Trung Quốc (chiếm 19% của tổng số hàng nhập khẩu), tiếp theo là Canada (14.5%), Mexico (12%), Nhật Bản (6%) và Đức (5%).

2. Nhật Bản: Quốc gia này là nước xuất khẩu lớn thứ ba trên thế giới xếp sau Trung Quốc và Đức. Kim ngạch xuất khẩu chiếm gần một phần ba sản lượng GDP kinh tế. Lĩnh vực xuất khẩu chính bao gồm sản phẩm công nghệ cao - được xem là động cơ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản kể từ năm 1960. Trong những năm 2013 và năm 2014, xuất khẩu chính là thiết bị vận tải (chiếm 23% của tổng xuất khẩu); các phương tiện giao thông vận tải (15%); máy móc (19%); máy móc điện (17%); hóa chất (11%) và hàng hóa sản xuất (13%). Đối tác xuất khẩu chính của Nhật Bản là Hoa Kỳ (chiếm đến 18.5%), Trung Quốc (18%), Hàn Quốc (7%) và Đài Loan (6%).

Giữa năm 1980 và 2010, Nhật Bản đạt mức thặng dư thương mại hàng năm. Nhưng kể từ sau thảm họa hạt nhân Fukushima vào tháng 3/2011, nhập khẩu của Nhật đã tăng do sự suy yếu của đồng Yên và tăng mua các loại nhiên liệu hóa thạch và khí đốt. Kết quả là trong năm 2014, thâm hụt thương mại đạt mức tồi tệ nhất trong lịch sử nước này. Trong năm 2014, thâm hụt thương mại lớn nhất được ghi nhận với Trung Quốc, Saudi Arabia, Australia, UAE, Nga và Malaysia. Thặng dư thương mại lớn nhất được ghi nhận với Hoa Kỳ, Hồng Kông, Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore.

Nhật Bản nhập khẩu chính gồm nhiên liệu khoáng sản (chiếm đến 34% của tổng nhập khẩu); xăng dầu (18%), máy móc (21%); thực phẩm (8%); hàng hóa sản xuất (8%); hóa chất (8%) và nguyên liệu (7%). Từ tháng 3/2011, nhập khẩu nhiên liệu của Nhật Bản đã tăng do việc đóng cửa các nhà máy hạt nhân. Đối tác nhập khẩu chính của Nhật Bản là Trung Quốc (chiếm nhiều nhất với 22%), Hoa Kỳ (8%), Saudi Arabia (6%), UAE (5%) và Qatar (4.5%).

3. Canada: Thương mại quốc tế chiếm một phần lớn trong nền kinh tế Canada với xuất khẩu chiếm lên tới hơn 45% GDP của nước này. Canada là một trong số ít các quốc gia phát triển xuất khẩu ròng năng lượng. Canada cũng xuất xe có động cơ và phụ tùng, máy móc công nghiệp, máy bay, thiết bị viễn thông và điện tử. Hoa Kỳ từ nhiều năm nay là đối tác thương mại lớn nhất của họ, chiếm khoảng 79% kim ngạch xuất khẩu.

Canada nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, phương tiện vận chuyển và các bộ phận, thiết bị điện tử, hóa chất, điện và hàng tiêu dùng lâu bền. Đối tác nhập khẩu chính của Canada là Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Mexico.

4. Australia:  Nền kinh tế của Australia bị chi phối bởi ngành dịch vụ nhưng sự thành công kinh tế được dựa trên sự phong phú của tài nguyên nông nghiệp và khoáng sản. Lợi thế so sánh của Australia trong việc xuất khẩu chính là sự phản ánh của lợi thế tài nguyên thiên nhiên và thị trường nội địa nhỏ bé của mình. Đất nước này là một trung tâm tài chính lớn trong khu vực và là một thành phần quan trọng của hệ thống tài chính toàn cầu.

Rất giàu tài nguyên thiên nhiên, Australia là một nước xuất khẩu hàng hóa quan trọng. Kim loại như quặng sắt và vàng chiếm đến 28% của tổng kim ngạch xuất khẩu, than chiếm 18% và dầu khí chiếm 9%. Hàng hóa sản xuất chiếm 33% tổng số xuất khẩu, với các loại thực phẩm và các sản phẩm kim loại, máy móc thiết bị chiếm tỷ trọng lớn nhất. Sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là lúa mì và len chiếm 5% của các luồng thương mại. Thị trường xuất khẩu lớn nhất của Australia là Trung Quốc (chiếm đến 27% tổng xuất khẩu), Nhật Bản (17%), Hàn Quốc (7%), Ấn Độ (%) và các nước Liên minh châu Âu cũng chiếm một tỷ lệ tương tự như Ấn Độ.

Về nhập khẩu, Australia là một nước nhập khẩu lớn máy móc và thiết bị vận tải, máy tính, máy văn phòng và laser viễn thông. Các đối tác nhập khẩu chính là Trung Quốc (chiếm đến 15% của tổng nhập khẩu), Hoa Kỳ (13%), Nhật Bản (8%) và Singapore (7%).

5. Mexico: Đây là quốc gia có nền kinh tế lớn thứ hai ở Mỹ Latin. Sau cuộc khủng hoảng đồng Peso vào năm 1994, Mexico trở lại tốc độ tăng trưởng ổn định. Mexico có một nền kinh tế theo định hướng xuất khẩu nhưng các mặt hàng xuất khẩu của Mexico hoàn toàn ít có liên quan đến các lĩnh vực xuất khẩu của Việt Nam, do đó Mexico có thể là thị trường tiềm năng của Việt Nam.

Bởi lẽ Mexico nhập khẩu chính là sản phẩm kim loại, máy móc và thiết bị (chiếm đến 50% của tổng nhập khẩu), các sản phẩm khai thác mỏ (13%), các sản phẩm hóa chất (6.3%) và đáng chú ý là các sản phẩm nhựa và cao su (6%). Các đối tác nhập khẩu chính là Hoa Kỳ (chiếm 51% của tổng nhập khẩu), Trung Quốc (16%) và Nhật Bản (5%).

6. Chile: Nền kinh tế của Chile phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu quặng đồng (chiếm đến 47% của tổng kim ngạch xuất khẩu) chủ yếu là các công ty nhà nước, trong đó Codelco là công ty sản xuất đồng lớn nhất thế giới. Chile còn xuất khẩu các ngành khác bao gồm dịch vụ (chiếm 13% của tổng xuất khẩu); thực phẩm chế biến (%); hóa chất (7%). Các đối tác xuất khẩu chính là Trung Quốc (chiếm nhiều nhất với 24% của tổng xuất khẩu), Hoa Kỳ (12%), Nhật Bản (11%), Hàn Quốc (6%) và Brazil (5%). Những khách hàng nhập khẩu khác của Chile gồm Italy, Hà Lan và Tây Ban Nha.

Về nhập khẩu, Chile nhập khẩu chính là dầu thô và tinh chế dầu, than, khí và chất bôi trơn (chiếm 19% của tổng nhập khẩu); máy móc và các bộ phận (9%); xe ô tô, máy tính, điện thoại di động và các thiết bị nhà (8%); xe tải, xe buýt và vận tải khác xe (7%). Các đối tác nhập khẩu chính là Hoa Kỳ (chiếm tỷ trọng cao nhất là 23% của tổng nhập khẩu); Trung Quốc (18%), Brazil (7%); Argentina (6.5%) và Đức (4%). Những đối tác khác gồm Mexico, Colombia và Ecuador.

7. New Zealand: Nền kinh tế New Zealand phụ thuộc rất lớn vào thương mại quốc tế. Nước này có truyền thống xuất khẩu nhờ hệ thống nông nghiệp rất hiệu quả. Xuất khẩu nông sản hàng đầu của New Zealand bao gồm thịt, sản phẩm từ sữa, lâm sản, trái cây và rau quả, cá và len. Các đối tác xuất khẩu chính là Australia, Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản. Nói chung New Zealand sẽ là nước cạnh tranh rất mạnh đối với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến sữa....

New Zealand nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị, phương tiện và máy bay, dầu khí, điện tử, dệt may, nhựa. Đối tác nhập khẩu chính là: Australia, Liên minh châu Âu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

8. Malaysia: Quốc gia này có nền kinh tế đang phát triển nhanh ở châu Á. Malaysia, một quốc gia thu nhập trung bình, đã thay đổi từ những năm 1970 từ một nhà sản xuất nguyên liệu thô thành một nền kinh tế đa ngành mới nổi. Chính phủ Malaysia đang tiếp tục nỗ lực để thúc đẩy nhu cầu trong nước để nền kinh tế thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào xuất khẩu. Tuy nhiên, xuất khẩu, đặc biệt là các thiết bị điện tử, vẫn là một lực đáng kể của nền kinh tế.

Đối với Malaysia, xuất khẩu được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng GDP trong những năm gần đây. Xuất khẩu chính của nước này là các sản phẩm điện và điện tử (chiếm đến 33%); các sản phẩm dầu khí (9%); khí tự nhiên hóa lỏng (8%), hóa chất (7%) và dầu cọ (6%). Đối tác xuất khẩu chính của Malaysia là Singapore (chiếm 14%), Trung Quốc (13%), Nhật Bản (11%), Hoa Kỳ (8%) và Thái Lan (6%).

Về nhập khẩu, Malaysia nhập khẩu chính là sản phẩm điện và điện tử (chiếm khá cao là 27%); hóa chất (9%); máy móc, thiết bị và phụ tùng (8%). Đối tác nhập khẩu chính của Malaysia là Trung Quốc (chiếm tỷ trọng 16%), Singapore (12%), Nhật Bản (8%) và Hoa Kỳ (8%).

9. Peru: Nền kinh tế Peru dựa vào xuất khẩu hàng hóa chính là đồng, vàng, quặng chì, xăng dầu, dệt may. Đối tác xuất khẩu chính là Hoa Kỳ, Trung Quốc, Chile và Canada.

Peru nhập khẩu chính các mặt hàng như dầu thô và dầu tinh chế, xe tải, xe buýt và xe tải nhẹ, máy móc công nghiệp và thiết bị cơ khí. Đối tác nhập khẩu chính gồm Trung Quốc, Hoa Kỳ, Brazil, Mexico và Hàn Quốc.

10. Brunei: Giống như Arab Saudi, nền kinh tế quốc gia nhỏ bé này phụ thuộc vào dầu hỏa nên Brunei chốt đồng Bruneian Dollar (BND) vào đồng USD như đồng  riyal Saudi của Arab Saudi. Khi giá dầu tăng, đồng USD giảm, hoặc khi giá dầu giảm đồng USD tăng thì Brunei bán dầu thu về đồng USD hay đồng Bruneian Dollar vẫn không thay đổi, nên dầu tăng hay hạ đều không tác động đáng kể đến sự hụt thu ngân sách của quốc gia này.

Tất nhiên Brunei bán dầu và nhập hàng tiêu dùng, máy móc là rất nhiều nên Việt Nam cũng cần chú ý thị trường này.

11. Singapore: Nền kinh tế Singapore dựa trên mua bán hàng hóa trung gian và xuất khẩu các sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Xuất khẩu chính của nước này là máy móc và thiết bị (46% của tổng xuất khẩu), nhiên liệu (26%) và các hóa chất (13%). Nhập khẩu chính là máy móc và thiết bị (chiếm 43% của tổng xuất khẩu), nhiên liệu (32%),...

Trong những năm gần đây, thâm hụt thương mại lớn nhất của Singapore được ghi nhận với Trung Quốc, Malaysia, Mỹ, Đài Loan, Indonesia và Vương quốc Anh. Singapore ghi lại thặng dư thương mại với Bahrain, Myanmar, Hong Kong, Brazil và Ấn Độ.

12. Việt Nam: Từ năm 2012, Việt Nam đã đạt được thặng dư thương mại thường xuyên hơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, thâm hụt thương mại lớn nhất được ghi nhận với Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore và Thái Lan. Ngoài ra, Việt Nam ghi nhận thặng dư thương mại với Hoa Kỳ, Hồng Kông, Anh, Campuchia và UAE.

Trong nhiều năm qua, xuất khẩu của Việt Nam đã tăng gấp đôi nhờ mức lương tối thiểu cạnh tranh và chi phí dịch vụ tiện ích thấp, thúc đẩy đầu tư trực tiếp nước ngoài. Xuất khẩu chính Việt Nam bao gồm quần áo và giày dép, máy móc, vận tải và thiết bị. Những mặt hàng khác còn có thực phẩm và động vật sống, hàng hóa sản xuất và nhiên liệu,... Đối tác xuất khẩu chính là Hoa Kỳ (chiếm 18% của tổng xuất khẩu), Nhật Bản (11%) và Trung Quốc (11%). Những đối tác khác gồm Hàn Quốc (5%), Malaysia (4%) và Đức (4%).

Việt Nam nhập khẩu chủ yếu là máy móc, vận tải và thiết bị, hàng hóa sản xuất. Những mặt hàng khác gồm hóa chất, nhiên liệu, thực phẩm và động vật sống và nguyên liệu thô,... Các đối tác nhập khẩu chính là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Thái Lan, và Singapore...

Phân tích trên cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có rất ít ảnh hưởng đến những nước tham gia TPP. Điều đó có nghĩa là Việt Nam sẽ là nước được hưởng lợi nhất. Khi các nước thành viên "gỡ bỏ những con đê hàng rào thuế quan" thì hàng xuất khẩu của Việt Nam dễ dàng tiêu thụ hơn.

(*) Tài liệu tham khảo: Cục Thống kê Hoa Kỳ, Brookings Institution, Council of Foreign Relations (Hoa Kỳ) và cơ quan thống kê của các nước tham gia TPP.

Phạm Quốc Hoàng - William D. Dudley

Các tin tức khác

>   Doanh số của các công ty Mỹ sẽ sụt giảm trong quý 2 (15/07/2015)

>   Iran ký hợp đồng xây dựng đường ống dẫn khí trị giá 2,3 tỷ USD (14/07/2015)

>   Nga đang xem xét cung cấp nhiên liệu trực tiếp cho Hy Lạp (12/07/2015)

>   Nga đang xem xét cung cấp nhiên liệu trực tiếp cho Hy Lạp (12/07/2015)

>   Dân Hy Lạp đổ xô tiêu tiền (10/07/2015)

>   Kinh tế Bỉ "bình thản" trước nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp (09/07/2015)

>   Nhật Bản và Mỹ nối lại các cuộc đàm phán song phương về TPP (09/07/2015)

>   Malaysia đóng băng tài khoản nghi dính líu thủ tướng (07/07/2015)

>   Ngân hàng Thế giới đánh giá cao cải cách kinh tế của Mỹ Latinh (07/07/2015)

>   Đàm phán TPP hoàn tất vào cuối tháng này (07/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật