Thứ Năm, 23/07/2015 08:32

Asia Smart City 2015: Cơ hội hợp tác Việt Nam-Nhật Bản

Tại hội nghị Asia Smart City 2015 khai mạc hôm 22-7 tại TPHCM, một số thành phố lớn ở Việt Nam cho biết đã bắt đầu những bước đi hướng đến mô hình thành phố thông minh, và trong lĩnh vực này, kinh nghiệm từ Nhật Bản có nhiều giá trị tham khảo.

Mô hình thành phố thông minh ở tỉnh Chiba, Nhật Bản do tập đoàn Hitachi triển khai

Hội nghị “Thành phố thông minh Châu Á” (Asia Smart City Summit 2015) diễn ra tại TPHCM với sự tham gia của đại diện lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Bộ Xây dựng, Bộ TT&TT Việt Nam, lãnh đạo của một số tỉnh thành như Đà Nẵng, An Giang, Bến Tre…

Ông Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật thuộc Bộ Xây dựng đã trình bày về triển vọng xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam.

Theo ông Tiến, hiện đã có một số tỉnh thành tích cực ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong việc quản lý đô thị, hướng tới mô hình “thành phố thông minh”. TP Đà Nẵng đã ứng dụng CNTT trong cơ cấu quản lý nhà nước, dịch vụ công; Hà Nội đang ứng dụng CNTT cho lĩnh vực hạ tầng cơ sở, phục vụ công tác quản lý; mới đây TPHCM cũng mong muốn đưa ứng dụng CNTT vào quản lý đô thị thông minh…

Theo ông Tiến, thành phố thông minh đã trở thành xu thế phát triển trên thế giới. Việt Nam cũng đang từng bước hướng đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, quản lý đô thị theo mô hình “thành phố thông minh” trong tương lai.

Nói về cơ hội hợp tác với Nhật Bản trong việc tiếp cận và học hỏi các giải pháp quản lý đô thị thông minh, ông Huỳnh Văn Thanh, Phó giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư Đà Nẵng cho biết, hiện Đà Nẵng đang triển khai chương trình hợp tác ba bên giữa thành phố Đà Nẵng, TP Yokoyama (Nhật Bản) và Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) với mục đích học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm phát triển đô thị, quản lý tài chính phục vụ phát triển đô thị…

Trong khi đó, ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Uni Group (Bình Dương) cho biết tỉnh Bình Dương đang nhận được sự đóng góp tích cực của nhà đầu tư Nhật Bản trong việc áp dụng mô hình thành phố thông minh. Phía Nhật đã đầu tư khoảng một tỉ đô la Mỹ để biến thành phố mới Bình Dương thành một thành phố thông minh.

Về kinh nghiệm xây dựng các đô thị thông minh, bà Yuri Furusawa, Trợ lý Thứ trưởng Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông vận tải và du lịch Nhật Bản, cho biết: Để có được các thành phố thông minh như hiện nay, Nhật Bản cũng phải đương đầu với những vấn đề khó khăn như ùn tắc giao thông, thiếu nhà ở, ô nhiễm môi trường… ở các đô thị. "Chúng tôi phải giải quyết các vấn đề này theo từng giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau. Hệ thống giao thông ở các thành phố lớn Nhật Bản đang lấy đường sắt đô thị (metro, tàu điện ngầm) làm trung tâm. Các thành phố ở Nhật Bản được quy hoạch với mật độ nhà cao tầng, trung tâm thương mại, cửa hàng… giảm dần từ trung tâm ra vành đai thành phố, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giúp người dân di chuyển thuận tiện hơn," bà nói.

Thành phố Tokyo (Nhật Bản) đã có tàu điện ngầm từ năm 1954 và từng bước phát triển lên hệ thống tàu cao tốc Shinkansen với thời gian di chuyển đến các thành phố khác ngày càng ngắn lại. Hiện nay, từ Tokyo nếu đi Shinkansen đến Osaka (438 km) chỉ mất 67 phút; còn di chuyển đến Nagoya (286 km) sẽ mất 40 phút.

Nhiều cơ hội hợp tác nông nghiệp Việt-Nhật

Ngoài chủ đề quy hoạch đô thị, ứng dụng CNTT…, hội nghị Asia Smart City 2015 cũng đề cập đến cơ hội hợp tác kinh doanh giữa Việt Nam và Nhật Bản trong một số lĩnh vực tiềm năng khác, đặc biệt là nông nghiệp.

Bà Trần Thị Ngọc Huệ, Tổng biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn (Saigon Times Group), đã đề cập tới nông nghiệp đang tạo ra nhiều cơ hội hợp tác quốc tế. Thời gian gần đây, các doanh nghiệp tư nhân trước đây hoạt động trong lĩnh vực bất động sản đang chuyển dịch sang đầu tư vào nông nghiệp, theo bà Ngọc Huệ. Một số nhà đầu tư đang tham gia vào nông nghiệp ở một số tỉnh thành bao gồm các tập đoàn lớn như Vingroup, FLC, Him Lam…

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đầu tư của khối tư nhân trong nước vào nông nghiệp trong năm 2013 đã tăng 1,9 lần so với năm 2009. Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp cũng tăng từ 2.397 đơn vị vào năm 2007 lên 3.635 doanh nghiệp năm 2013; tăng trưởng bình quân 13,8%/năm.

Theo bà Huệ, có nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với Việt Nam để có những sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao lại bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và từ đó mới có thể hỗ trợ nâng cao chất lượng dân số có trí lực và thể lực tốt. Nếu không có những yếu tố này thì khó lòng nói đến chuyện "thành phố thông minh".

Trong khi đó, khi nói về cơ hội hợp tác của ngành nông nghiệp Việt Nam, bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), cho rằng ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp trong nước sẽ là giải pháp mang tính đột phá. Ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang thiếu công nghệ bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, công nghệ chế biến, kinh nghiệm quản trị hệ thống sản xuất…

Bà Hạnh cũng nói thêm: "Ở một số tỉnh thành mà BSA đã làm việc, chúng tôi nhìn thấy nguồn lực phát triển từ các thanh niên nông thôn đang có khát vọng tái khởi nghiệp với kiến thức học hỏi từ nước ngoài. Đây sẽ là nguồn lực đáng quý khi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long có cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Nhật Bản."


Chí Thịnh

tbktsg

Các tin tức khác

>   Thế mạnh thành... thế yếu - 'Vàng trắng' hết thời (23/07/2015)

>   Việt Nam-Thái Lan sẽ nâng kim ngạch thương mại lên 20 tỷ USD (23/07/2015)

>   Bộ Xây dựng thu về hơn 1.320 tỷ đồng thoái vốn doanh nghiệp (22/07/2015)

>   Người dân có thể không xài điện của EVN (22/07/2015)

>   Kantar Worldpanel: Xu hướng mới của thị trường hàng tiêu dùng (22/07/2015)

>   Năm 2015: Xuất khẩu tôm dự báo giảm mạnh (22/07/2015)

>   Yêu cầu công khai và cưỡng chế 600 doanh nghiệp nợ thuế lớn (22/07/2015)

>   Bộ Tài chính chỉ ra hàng chục tỷ đồng đội vốn dự án quốc lộ 1 (22/07/2015)

>   Bộ Công an: Nguyễn Xuân Sơn đã đồng phạm với Hà Văn Thắm (22/07/2015)

>   Vinalines đã bớt lỗ (22/07/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật