Kantar Worldpanel: Xu hướng mới của thị trường hàng tiêu dùng
Theo Báo cáo quí 2-2015 của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel, ngành hàng thức uống tiếp tục dẫn đầu thị trường hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) với giá trị tiêu thụ tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái ở cả hai khu vực thành thị và nông thôn.
Trong đó theo Kantar Worldpanel hai mặt hàng nổi bật về mặt tăng trưởng khối lượng là nước ngọt có ga ở thành thị và cà phê hòa tan ở nông thôn. Cả hai mặt hàng này đều thu hút thêm người mua mới. Cụ thể, ở thành thị, nước ngọt có ga thu hút thêm 78.000 hộ gia đình mới còn ở nông thôn cà phê hòa tan tăng thêm 450.000 hộ gia đình mua.
Nước ngọt có ga thu hút thêm 78.000 hộ gia đình mới tại thành thị theo báo cáo của Kantar Worldpanel. Ảnh: Vũ Yến
|
Về thị trường sữa, trong khi tại thành thị giá trị tiêu thụ giảm 2%, chủ yếu do các mặt hàng sữa bột giảm mạnh thì ngược lại ở nông thôn, nhờ sự gia tăng của sữa nước và sữa chua uống, thị trường này lại tăng 14% về giá trị và 13% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái.
Về các kênh mua sắm, khu vực thành thị, tiệm tạp hóa đang chững lại. Siêu thị/ đại siêu thị giảm mạnh ở kênh hiện đại, Tuy thế, nổi lên hai loại hình mua sắm có tốc độ tăng trưởng nhanh là cửa hàng chuyên doanh(cửa hàng chuyên bán một chủng loại sản phẩm, với số lượng sản phẩm chính chiếm trên 80% như cửa hàng chuyên doanh sữa, bia rượu, nước giải khát, mỹ phẩm...) và siêu thị mini. Trong khi đó, ở nông thôn tiệm tạp hóa tiếp tục giữ vững thị phần áp đảo tới 77% thị phần.
Cũng theo báo cáo của Kanta Worldpanel trong 12 tuần kết thúc tháng 6 năm 2015 cho thấy cùng với xu hướng chung của khu vực, tiêu dùng FMCG tại Việt Nam vẫn tiếp tục giảm từ đầu năm 2014 đến nay, xảy ra tại cả 2 khu vực thành thị (4 thành phố chính TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng và Cần Thơ) và nông thôn.
Tuy thế, về ngắn hạn, thị trường ở quí này đã có nhiều dấu hiệu cải thiện hơn cả về mặt giá trị lẫn khối lượng tiêu thụ. Trong đó, tại thành thị quý này ghi nhận tốc độ tăng trưởng về giá trị ở mức 1,9% và tại nông thôn ở mức 7,2%. Nhìn chung, hầu hết các ngành hàng đều đang lấy lại đà tăng trưởng ngoại trừ thực phẩm đóng gói.
Báo cáo thường niên Brand Footprint do Kantar Worldpanel thực hiện năm nay tiếp tục công bố Top 10 nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh và top 10 các thương hiệu theo lĩnh vực, bao gồm chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp, chăm sóc gia đình, thực phẩm và thức uống được chọn mua nhiều nhất ở thành thị và nông thôn Việt Nam. Top 3 dẫn đầu thị trường năm nay vẫn thuộc về các doanh nghiệp Unilever, Vinamilk (VNM) và Masan (MSN) như năm ngoái. Tuy nhiên, năm nay một số thương hiệu tăng trưởng ấn tượng như Dove, Fami, Diana, Milo, Aba, Coca-Cola và TH true Milk…
Trong đó, Unilever dẫn đầu bảng xếp hạng các nhà sản xuất với các thương hiệu đang sở hữu được chọn mua nhiều nhất ở nông thôn. Sản phẩm của Unilever được chọn mua hơn 388 triệu lần một năm ở nông thôn Việt Nam, với mức độ thâm nhập thị trường đạt gần 100% tổng số hộ gia đình chọn mua. Vinamilk dẫn đầu bảng xếp hạng các nhà sản xuất với các thương hiệu đang sở hữu được chọn mua nhiều nhất ở thành thị.
Masan giữ vị trí thứ hai ở nông thôn và thứ ba ở thành thị, phần lớn nhờ thương hiệu nước chấm Nam Ngư. Masan còn sở hữu các thương hiệu thực phẩm và đồ uống lớn mạnh khác như Wake-up Café Sài Gòn và Kokomi với mức tăng trưởng ấn tượng ở nông thôn.
Suntory PepsiCo tăng lên 2 hạng trong bảng xếp hạng và đang ở vị trí thứ 6 trong bảng xếp hạng khu vực thành thị.
Ông David Anjoubault, Tổng Giám đốc công ty Kantar Worldpanel Việt Nam, nhận định, các nhà sản xuất hàng tiêu dùng nhanh trong nước và quốc tế đều đang thi nhau mở rộng thị trường. Trong khi các thương hiệu Việt Nam được lòng nhóm có thu nhập thấp hơn thì nhóm thu nhập cao lại có khuynh hướng chuộng các thương hiệu quốc tế. Báo cáo thường niên Brand Footprint năm nay nhấn mạnh việc tập trung thu hút thêm người mua mới là một chìa khóa quan trọng để xây dựng thương hiệu.
Do đó, các nhà sản xuất cần tập trung mở rộng thị trường hơn nữa đồng thời nhanh chóng thích nghi để đáp ứng các nhu cầu đặc trưng của văn hóa địa phương. Hiện nay, thị trường Việt Nam có tới khoảng 70% các mặt hàng FMCG tiếp cận chưa đến 50% số hộ gia đình (tính theo năm), và con số này cho thấy các thương hiệu vẫn còn rất nhiều cơ hội để phát triển”.
Vũ Yến
tbktsg
|