Việt Nam-Liên minh châu Âu tiến tới kết thúc đàm phán FTA
Ngày 23/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã có cuộc gặp với Ủy viên châu Âu phụ trách Thương mại Cecilia Malmström tại Brussels (Bỉ) để bàn về khả năng kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Bỉ đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng về vấn đề này.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng tại trụ sở Liên minh châu Âu. (Ảnh: Hương Giang/Vietnam+)
|
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết đã tròn ba năm kể từ khi Cao ủy Thương mại EU và Bộ trưởng Công Thương Việt Nam chính thức tuyên bố khởi động đàm phán về EVFTA (vào tháng 6/2012), hai bên đã tiến hành 13 phiên đàm phán chính thức cùng nhiều phiên giữa kỳ.
Hiện nay, Việt Nam và EU đã tiến rất gần tới kết thúc đàm phán và thực hiện theo thỏa thuận giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Manuel Barroso nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tới EU hồi tháng 10/2014, hai bên đã tuyên bố định hướng kết thúc đàm phán.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng tuyên bố đó đã trở thành hiện thực và cho biết tại cuộc gặp với Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại vào chiều 23/6, hai bên đã khẳng định tính khả thi của mục tiêu kết thúc đàm phán.
Đánh giá về vai trò của Bộ Công Thương trong quá trình đàm phán, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng Bộ này với tư cách trưởng đoàn đàm phán của chính phủ, trong thời gian vừa qua đã hết sức nỗ lực phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương có liên quan của Việt Nam trong đàm phán các hiệp định thương mại tự do, trong đó có hiệp định với EU.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khẳng định cho tới nay, những nỗ lực đó đã đạt hiệu quả rất tích cực. Trong thời gian tới, những vấn đề còn lại trong đàm phán với EU không còn nhiều và sự phối hợp hiệu quả giữa các cấp, các ngành, trong đó có vai trò đầu mối của Bộ Công Thương, phía Việt Nam chắc chắn sẽ đạt được mục tiêu về chất lượng và tiến độ đàm phán với EU.
Liên quan đến những lợi ích cơ bản từ EVFTA đối với cộng đồng doanh nghiệp, người tiêu dùng và chính phủ hai phía, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết EVFTA là hiệp định thương mại toàn diện, chất lượng cao và là một hiệp định thế hệ mới với nội dung bao trùm rất nhiều vấn đề trong đời sống kinh tế liên quan đến hai bên, từ vấn đề mở cửa thị trường hàng hóa đến vấn đề dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý, mua sắm công... Vì vậy, để thực thi hiệp định này sau khi được ký kết và có hiệu lực, cần phải tuyên truyền cho toàn xã hội mà trước hết là cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nắm bắt những nội dung của hiệp định, những lợi ích mà hiệp định mang lại cho Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng phải nhìn nhận rõ những thách thức, những khó khăn có thể phải đối mặt trong quá trình thực thi hiệp định để có những ứng phó phù hợp. Ngoài ra, các cơ quan quản lý nhà nước trong đó có Bộ Công Thương phải làm tốt hơn công tác thông tin tuyên truyền, giải thích về nội dung của hiệp định, qua đó tư vấn cho cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân có liên quan nắm chắc để khi hiệp định có hiệu lực sẽ khai thác tối đa những ưu đãi do hiệp định mang lại đồng thời có những ứng phó phù hợp để giảm tác động đối với doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân trong quá trình thực thi hiệp định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp vừa là chủ thể, vừa là đối tượng của việc thực thi hiệp định cần phải chủ động hơn, có chiến lược dài hạn, đặc biệt tìm mọi biện pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của mình, qua đó thực hiện hiệp định sẽ mang lại lợi ích cho Việt Nam không những ở thị trường nội địa mà còn vươn ra thị trường bên ngoài trong đó có thị trường châu Âu.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nhận định tiềm năng hơp tác giữa Việt Nam và EU khi EVFTA được ký kết và có hiệu lực là rất lớn. Hiện nay, EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong đó Việt Nam có nhiều lợi thế thực thi về thương mại, dịch vụ, kinh tế với EU. Ngược lại, EU cũng rất trông chờ ở VN với thị trường 90 triệu dân và là cửa ngõ vào ASEAN với 600 triệu dân và 2.500 tỷ USD Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Cho nên, khi hiệp định được ký kết và có hiệu lực, Việt Nam sẽ tăng được 4-6% kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm so với mức trung bình. Mặt khác, nền kinh tế hai bên về cơ bản là nền kinh tế bổ sung, hỗ trợ cho nhau.
Việt Nam cần nhiều máy móc, thiết bị của châu Âu cho các dự án đầu tư cũng như cần nhiều nguyên vật liệu cho sản xuất, kể cả cho sản xuất hàng xuất khẩu. Ngược lại, phía EU cũng cần rất nhiều hàng hóa của Việt Nam nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến. Việt Nam cần nhiều dự án đầu tư với công nghệ cao có giá trị gia tăng lớn của các doanh nghiệp châu Âu và EU cũng rất hoan nghênh những dự án đầu tư của Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ, tư vấn, dịch vụ.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng bày tỏ tin tưởng rằng với nội dung hiệp định đang đàm phán và ký kết, khả năng thúc đẩy, phát triển mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam-EU sẽ có bước phát triển cao hơn.
Hương Giang/Brussel
Vietnam+
|