Chủ Nhật, 14/06/2015 09:46

Vẫn khó siết đầu tư công

Các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản liên tục được ban hành, nhưng thực tế triển khai lại khiến Chính phủ không khỏi sốt ruột.

Từ nay tới thời điểm 30/6/2015, hạn chót mà Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành báo cáo chính xác danh mục và số nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến hết 31/12/2014 theo từng nguồn vốn không còn nhiều. Nhưng nỗi lo về sự chậm trễ trong xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản vẫn lấn át, vì công việc còn quá nhiều và cả vì tính chất hỏa tốc của Chỉ thị 07/2015/CT-TTg.

Trong báo cáo giám sát và đánh giá thực hiện Chương trình “Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế” mà Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) vừa mới hoàn thành phần sơ thảo đầu tiên, nỗi lo này còn lớn hơn khi bản báo cáo nhận định rằng, kết quả xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản là không rõ.

“Con số 28.000 tỷ đồng, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đến hết năm 2013 không biết đến giờ thế nào khi Thanh tra Chính phủ vừa phát hiện 15/63 tỉnh thành phát sinh nợ đọng mới. Như trường hợp của tỉnh Ninh Bình, đến năm 2011 đang nợ hơn 9 tỷ đồng, nhưng hai năm tiếp đó vẫn phê duyệt đầu tư thêm 6,9 tỷ đồng”, ông Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Kinh tế vĩ mô (CIEM), tác giả chính của bản Báo cáo, phát biểu.

Vấn đề mà ông Tú Anh xới lên trong đánh giá phần đầu tư công là tái cơ cấu đầu tư công mới tập trung vào việc siết chặt kỷ luật đầu tư công mà chưa đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả và tránh lãng phí đầu tư. Và có vẻ như sự quyết liệt mới dừng lại ở cấp Trung ương và người đứng đầu Chính phủ. “Ngay cả trong kỷ luật đầu tư công, mặc dù đã có những văn bản pháp luật quy định chặt chẽ và những chỉ thị liên tục của Thủ tướng Chính phủ, nhưng vẫn còn nhiều sai phạm. Các quy trình quản lý đầu tư công theo hiệu quả đầu tư chưa được xây dựng”, ông Tú Anh phân tích.

Vai trò quan trọng của đầu tư công là xúc tác vốn mồi để tạo ra sự chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Nếu nhìn vào chặng đường từ 2011 -  khi có chủ trương về tái đầu tư công cho đến nay thì lo ngại của nhóm tác giả Báo cáo Chương trình Tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế hoàn toàn có lý.

Sau khi vấn đề tái cơ cấu đầu tư công được đề cập trong Kết luận của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 3, Khóa XI, Thủ tướng Chính phủ đã ký Chỉ thị 1792/2011/CT-TTg về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ. Theo đó, lần đầu tiên Chính phủ chính thức siết chặt lại kỷ cương trong đầu tư công. Cùng với đó, Chính phủ cũng đã thực hiện các giải pháp khắc phục những hậu quả của quá trình đầu tư công tràn lan trước đó, đặc biệt là vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản của cơ quan nhà nước đối với nhà thầu do việc phê duyệt đầu tư công vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.

Chỉ trong vòng 9 tháng, từ tháng 10/2012 đến tháng 6/2013 đã có 3 chỉ thị liên quan đến tăng cường xử lý nợ đọng vốn xây dựng cơ bản cho doanh nghiệp được ban hành.  Đó là các chỉ thị: 27/CT-TTg, 09/2013CT-TTg và 14/2013/CT-TTg.

“Rõ ràng việc thực hiện đang có vấn đề khi  hàng loạt chỉ thị liên quan đến quản lý nợ đọng xây dựng cơ bản đã được ban hành, nhưng mới đây Thủ tướng Chính phủ lại phải ban hành Chỉ thị 07/2015/CT-TTg, lại là hỏa tốc, cũng về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản”, ông Tú Anh nhấn mạnh.

Bàn về tái cơ cấu đầu tư công, ông Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đặt vấn đề ngay vào công việc hiện tại, đó là việc lập kế hoạch đầu tư giai đoạn 2016-2020 đang được thực hiện.

“Vai trò quan trọng của đầu tư công là xúc tác, là vốn mồi để tạo ra sự chuyển đổi của mô hình tăng trưởng. Nhưng nếu theo cách làm hiện tại là kế hoạch đầu tư năm sau vẫn tăng 10% so với năm trước như giai đoạn 5 năm trước thì có thể gọi là cắt giảm được không”, ông Hồ lo lắng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM vẫn giữ quan điểm để thị trường tự phân bổ nguồn lực sẽ hiệu quả hơn. “Chìa khóa của công việc này là xác định rõ sự vận hành của thị trường, từ đó thay đổi cơ chế để thị trường thực hiện sự tham gia vào phân bổ nguồn lực”, ông Cung nói.

 

Chỉ thị hỏa tốc số 07/CT-TTg về tăng cường các biện pháp xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản nêu rõ:

* Các bộ, ngành, địa phương trước 30/6/2015, báo cáo chính xác danh mục và số nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến hết 31/12/2014 theo từng nguồn vốn.

* Làm rõ số nợ đọng xây dựng cơ bản đã có biên bản nghiệm thu khối lượng thực hiện tính đến hết 31/12/2014 và các khoản nợ khối lượng thực hiện đến thời hạn trên nhưng chưa có biên bản nghiệm thu.

* Trước 31/5/2015, các chủ đầu tư hoàn thành nghiệm thu khối lượng đã thực hiện các dự án tính đến hết 31/12/2014 và báo cáo rõ các giải pháp xử lý.

* Các của bộ, ngành và địa phương phải chịu trách nhiệm về tính chính xác các thông tin, số liệu về số nợ đọng xây dựng cơ bản và phương án, lộ trình thanh toán các khoản nợ đọng.


Minh Anh

Diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   WB tiếp tục nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam (11/06/2015)

>   Trụ sở to: Vung tay quá trán, gây áp lực nợ công (11/06/2015)

>   Thủ tướng chưa hài lòng về tăng trưởng kinh tế (09/06/2015)

>   Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: 'Không có doanh nghiệp FDI, Việt Nam sẽ rất khó khăn' (08/06/2015)

>   Đề xuất kiên trì các nguyên tắc thị trường trong quản lý kinh tế (08/06/2015)

>   Quốc hội thảo luận tình hình kinh tế - xã hội (08/06/2015)

>   Siết chặt kỷ luật chi, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn để giảm nợ công (07/06/2015)

>   HSBC: GDP thực sẽ tăng hơn 5%/năm đến 2030 nếu thông qua các hiệp định thương mại (04/06/2015)

>   Báo chí Đức đánh giá cao những thành tựu kinh tế của Việt Nam (03/06/2015)

>   “Doanh nghiệp sẽ còn gặp khó khăn hơn trước áp lực về lạm phát” (03/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật