HSBC: GDP thực sẽ tăng hơn 5%/năm đến 2030 nếu thông qua các hiệp định thương mại
HSBC dự đoán tăng trưởng GDP thực sẽ hơn 5% mỗi năm trong một thập kỷ cho đến năm 2030. Tuy nhiên, triển vọng này có thể có một số rủi ro gây ra do sự chậm trễ của Chính phủ trong các hoạt động tái cấu trúc và sự thụt lùi trong đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng (nguồn cung năng lượng) và các hiệp định thương mại có thể bị trì hoãn.
Đây là nhận định của Nhóm nghiên cứu HSBC trong Báo cáo Kết nối Giao thương Việt Nam được công bố ngày 04/06/2015.
Báo cáo “Kinh Doanh” năm 2015 (Doing Business 2015) của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đã xếp Việt Nam hạng 75 trong số 189 nền kinh tế xét về điều kiện thuận lợi trong giao thương quốc tế, vị trí này cao hơn hẳn Trung Quốc và Ấn Độ. Theo nhóm nghiên cứu, điều này phản ánh vai trò của Việt Nam là một trung tâm thương mại trong khu vực và các nỗ lực xóa bỏ rào cản thương mại tự do của Việt Nam. Các thỏa thuận thương mại với khối ASEAN, Mỹ, và châu Âu trong những năm sắp tới sẽ đảm bảo mở cửa thị trường cho các ngành xuất khẩu giá trị cao hơn và giúp giảm chi phí nhập khẩu.
Với những điều kiện đó, ngành hàng dệt may được kỳ vọng sẽ đóng góp gần 20% cho tăng trưởng của ngành xuất khẩu hàng tiêu dùng từ nay đến năm 2030.
“Điều này giúp Việt Nam ở vị thế tốt để đáp ứng các nhu cầu đang tăng đối với hàng tiêu dùng tại khu vực châu Á mới nổi. Sau ngành dệt may, ngành CNTT&VT sẽ đóng góp nhiều thứ hai cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong giai đoạn từ 2015 đến 2030”, nhóm nghiên cứu nhận định.
Mặc dù Mỹ vẫn là đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong năm 2013 nhưng HSBC dự đoán Trung Quốc sẽ thay thế vị trí của Mỹ để trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam vào năm 2030. Dự đoán tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ đạt từ 5.5% mỗi năm trong một thập kỷ đến năm 2030, chậm hơn giai đoạn 2000 – 2014 nhưng đó vẫn là mức tăng trưởng khá tốt.
Mặc dù không phải là đối tác xuất khẩu lớn nhất nhưng Mỹ và Việt Nam có lịch sử quan hệ giao thương mạnh và theo dự báo của HSBC, đến năm 2030 Mỹ vẫn sẽ chiếm 15% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đây là hai trong số 12 quốc gia tham gia đàm phán hiệp định TPP, khi hiệp định này được chốt lại, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ có tính cạnh tranh cao hơn tại Mỹ và nhiều khả năng hiệp định TPP sẽ thúc đẩy giao thương giữa hai nước.
Ở khía cạnh khác, theo báo cáo về mức độ canh tranh toàn cầu “Global Competitiveness” của Diễn đàn kinh tế thế giới (World Economic Forum), điểm cơ sở vật chất của Việt Nam đã cải thiện trong thập kỷ vừa qua, cho thấy sức tăng trưởng mạnh và được hỗ trợ bởi các dòng vốn FDI lớn hơn. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chỉ xếp thứ 81 ở hạng mục cơ sở vật chất trong tổng số 144 quốc gia trong báo cáo mới nhất. Vị trí này thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan xếp thứ 48, và Indonesia xếp thứ 56.
HSBC kỳ vọng nhập khẩu máy móc tiếp tục là ngành nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam từ nay đến năm 2030 khi việc phát triển đầu tư cơ sở hạ tầng được thực hiện một cách bền vững. Ngành này đóng góp 1/4 cho tăng trưởng nhập khẩu của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Hai ngành nhập khẩu quan trọng tiếp theo của Việt Nam sẽ là nguyên vật liệu dệt may (và nguyên vật liệu gỗ) và các thiết bị CNTT & VT hỗ trợ cho các ngành xuất khẩu trong lĩnh vực này.
Minh Tuấn
|