Quỹ đầu tư thị trường mới nổi bị rút vốn mạnh nhất từ khủng hoảng tài chính
Các quỹ đầu tư thị trường mới nổi vừa chứng kiến tuần thất thoát vốn mạnh nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008 khi nhà đầu tư rút hàng tỷ USD khỏi cổ phiếu Trung Quốc.
* Bí ẩn làn sóng bán tháo mạnh mẽ trên thị trường trái phiếu Mỹ và châu Âu
* Chứng khoán Trung Quốc tăng 6,5 nghìn tỷ USD trong một năm
* World Bank hạ dự báo tăng trưởng toàn cầu 2015, hối thúc Fed hoãn nâng lãi suất đến năm 2016
Theo số liệu của EPFR, tổng cộng 9.3 tỷ USD đã bị rút khỏi các quỹ thị trường mới nổi trong tuần kết thúc ngày thứ Năm (11/06), mức thất thoát mạnh nhất kể từ năm 2008.
Trong đó, có đến 7.1 tỷ USD xuất phát từ các quỹ cổ phiếu Trung Quốc sau khi các quỹ này liên tục chứng kiến làn sóng hút vốn mạnh mẽ trong 3 tuần vừa qua, bao gồm cả lượng huy động kỷ lục 4.6 tỷ USD trong tuần cuối cùng của tháng 5. Các quỹ đầu tư thị trường mới nổi toàn cầu bị rút 829 triệu USD trong khi các quỹ thị trường mới nổi Mỹ Latinh bốc hơi 442 triệu USD.
Các thị trường mới nổi đã đối mặt với sức ép ngày càng lớn trong thời gian gần đây khi đồng USD tăng giá mạnh – một yếu tố thường dẫn đến kết quả không tốt cho các tài sản thị trường mới nổi. Trong một tháng qua, đồng rúp Nga đã giảm 8.6% so với đồng USD, đồng peso của Colombia cũng hạ 5.9% và đồng ringgit của Malaysia lùi 3.2%.
Đặc biệt, thị trường trái phiếu đã chịu tác động nặng nề do lợi suất ngày càng cao của trái phiếu Chính phủ Đức và các số liệu kinh tế cải thiện của Mỹ đã khiến nhà đầu tư suy nghĩ lại về các khoản đầu tư vào dòng tín dụng có lãi suất thấp.
Nhiều quốc gia đang phát triển cũng đang chứng kiến sự giảm tốc của nền kinh tế khi nhu cầu nguyên liệu thô từ Trung Quốc suy yếu và các cuộc bùng nổ tín dụng trong nước tạm dừng.
Đầu tuần này, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cảnh báo các nền kinh tế mới nổi đang đối mặt với tình trạng “suy giảm về mặt cơ cấu” có thể kéo dài trong nhiều năm, đúng lúc hoạt động tại phương Tây bắt đầu cải thiện một cách nghiêm túc.
Thị trường chứng khoán Trung Quốc – nơi bị rút vốn mạnh nhất trong tuần này – đã mang lại một nỗi lo mới. Bất chấp đà giảm tốc của nền kinh tế, hai chỉ số chứng khoán tại Thượng Hải và Thâm Quyến đều đã tăng gấp đôi trong 12 tháng qua và trở thành các thị trường tăng điểm mạnh nhất thế giới.
Tuy nhiên, đà tăng này đi kèm với việc mở mới hàng triệu tài khoản giao dịch nhỏ lẻ, sự tăng vọt của giá trị giao dịch và đà tăng nhanh của nợ ký quỹ. Tất cả các yếu tố này đều đã làm dấy lên nỗi lo sợ về bong bóng chính sách.
Chỉ số Shanghai Composite hiện đang giao dịch với PE forward 25.7 lần trong khi cách đây một năm con số này chỉ là 9.7 lần. Tuần này, nhà cung cấp chỉ số MSCI đã quyết định không thêm cổ phiếu niêm yết của Trung Quốc vào chỉ số thị trường mới nổi toàn cầu do các vấn đề về kết nối. Nếu MSCI xúc tiến việc này, hàng tỷ USD sẽ chảy vào cổ phiếu Trung Quốc.
Theo các nhà phân tích ANZ, nguyên nhân khiến dòng vốn rút khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu Trung Quốc trong tuần qua chắc chắn là do mức độ biến động cao trên thị trường chứng khoán nước này, nhưng quyết định của MSCI cũng có thể là một tác nhân khiến dòng vốn tháo chạy.
Phước Phạm (Theo Financial Times)
|