Nhà giàu Hà Thành mua mặt biển Đà Nẵng: Tiền không phải nghĩ?
Sau thời gian dài giá nhà đất Đà Nẵng lao dốc, gần đây, nhà giàu Hà Nội và các tỉnh phía Bắc lại kéo nhau vào Đà Nẵng xuống tiền đầu tư khiến giá bất động sản tại đây nóng lên từng ngày.
Lo ngại bong bóng bất động sản
Nhiều nhà đầu tư địa ốc lo lắng, trước làn sóng đại gia Hà Nội và các tỉnh phía Bắc đổ về Đà Nẵng mua đất, mua nhà, liệu có xuất hiện tình trạng bong bóng bất động sản như những năm trước, khiến thị trường tê liệt cả thời gian dài?
Câu hỏi đến nay chưa có lời giải. Nhưng, thực tế gần đây, nhà đất Đà Nẵng bắt đầu nóng lên khi các đại gia Hà Nội tiếp tục rót tiền vào những khu đất vàng. Thậm chí, những dự án nằm xa trung tâm cũng được đặt mua, với mức giá không cần suy nghĩ.
Tại một số dự án đã được khách đặt mua, tỷ lệ những nhà đầu tư Hà Nội chiếm hơn 50%. Phải chăng, các đại gia lắm tiền từ Thủ đô đang quay trở lại Đà Nẵng để đầu tư như một tài sản cất giữ, khi mà lãi suất tiền gửi ngân hàng đã chạm đáy?
Thị trường bất động sản Đà Nẵng đang thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.
|
Liên tiếp trong 3 năm, từ 2009 đến 2011, dòng tiền từ giới đầu cơ bất động sản liên tiếp đổ vào thị trường bất động sản Đà Nẵng đã đẩy giá nhà đất tại đây lên cao ngất ngưởng. Có những dự án giá tăng gấp đôi, thậm chí là gấp 3, gấp 4 giá mà chủ đầu tư đưa ra.
Nhiều trường hợp, chỉ cần có “phiếu” là cò đất sẵn sàng xuống tiền, không cần giấy tờ nhà đất phiền hà.
Thế nhưng, khi các nhà đầu tư Hà Nội rút lui, giới đầu cơ nhà đất Đà Nẵng chao đảo. Thậm chí, nhiều đại gia trót đầu cơ đã phải tự sát để trốn nợ. Thị trường nhà đất Đà Nẵng dần lụi tàn.
Báo cáo của CBRE năm 2011 đưa ra con số thống kê khiến nhiều người giật mình, khi gần 80% khách mua căn hộ và biệt thự tại Đà Nẵng đến từ Hà Nội. Sau đó không lâu, khi thị trường Hà Nội và TP.HCM đóng băng, bất động sản Đà Nẵng bị vạ lây tụt dốc không phanh, tới 30% - thậm chí một số dự án giảm đến 50%.
Hậu quả khó lường
Đến đầu năm 2015, người Hà Nội quay lại xuống tiền mua đất khiến giá bất động sản tại đây tăng trở lại.
Theo số liệu từ công ty Đất Xanh miền Trung, chỉ trong vòng 5 tháng đầu năm, đơn vị này giao dịch khoảng 500 nền đất thì tỷ lệ người mua đến từ Hà Nội chiếm hơn 50%. “Số lượng người Hà Nội đầu tư vào đất đai Đà Nẵng đang tăng lên gần đây”, ông Trần Ngọc Thành, TGĐ Đất Xanh miền Trung, cho biết.
Nhiều căn hộ cao cấp ven biển cũng được các đại gia Hà Nội quan tâm
|
Ông Nguyễn Xuân Hiệp, đại diện Giám đốc sàn giao dịch BĐS Công ty CP Tập đoàn Cường Hưng Thịnh, nói: “Nếu những năm trước, giới đầu tư bất động sản Hà Nội vào Đà Nẵng chủ yếu là gửi bán thì nay, họ lại tăng cường mua vào. Những trường hợp mua đến vài lô đất không còn là chuyện hiếm”.
Không chỉ đất nền, với các dự án căn hộ cao cấp, nhà giàu Hà Nội cũng sẵn sàng mua. Chẳng hạn, dự án The Point mở bán 20 căn biệt thự giai đoạn 2 có đến 70% khách hàng là người Hà Nội. Chính vì vậy, lãnh đạo The Point từng khẳng định: “Người Hà Nội là nhà đầu tư lớn nhất của chúng tôi, ngay từ khi mở bán lần đầu tiên vào năm 2009”.
Ông Trần Ngọc Thành cũng nhận xét, đáng ưu ý là người Hà Nội chiếm 50% giao dịch nhưng số lượng sản phẩm bán ra chiếm khoảng 65%. Trung bình một khách hàng Hà Nội mua hơn 1 sản phẩm”.
Tuy nhiên, sự kỳ vọng về sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường BĐS Đà Nẵng như cách đây hơn 3 năm khó thành hiện thực bởi dân số ít, thu nhập không cao, quỹ đất của người dân còn khá nhiều. Rõ ràng, nhu cầu về BĐS của người dân Đà Nẵng không lớn.
Vì vậy, diễn biến của thị trường bất động sản Việt Nam tốt hay không tốt trong thời gian tới hiện là câu hỏi chưa thể trả lời. “Chúng ta không nên kỳ vọng vào nhà đầu tư Hà Nội hay TP.HCM, bởi đó chủ yếu là giới đầu tư thứ cấp mua đi bán lại. Nếu chấp nhận sự có mặt của họ, giá nhà sẽ từ từ nâng lên và hậu quả sẽ khó lường ” - một chuyên gia cảnh báo.
Vũ Trung - Phước Nguyên
vietnamnet
|