Nga có thể hạ lãi suất tiếp 1% dù đồng rúp tái lao dốc so với USD
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) có thể hạ lãi suất cho vay chủ chốt bớt 1% trong tuần tới do lạm phát suy yếu và giảm tốc kinh tế ngày càng trầm trọng. Tuy nhiên, đà lao dốc gần đây của đồng rúp có thể ngăn chặn ngân hàng này cắt giảm lãi suất quá mạnh.
* Nga hạ mạnh lãi suất lần thứ 3 năm 2015
* Ngân hàng trung ương Nga quyết định tiếp tục hạ lãi suất cơ bản
* Đồng rubble giảm giá mạnh do BoR bất ngờ hạ lãi suất chủ chốt
Từ đầu năm đến nay, CBR đã cắt giảm lãi suất tổng cộng 4.5% xuống 12.5%. Được biết, vào tháng 12/2014, ngân hàng này đã nâng mạnh lãi suất tới 6.5% khi nỗi sợ hãi bao trùm các thị trường tài chính Nga.
“Mối lo ngại về lạm phát đã vượt đỉnh và nền kinh tế chưa bộc lộ tín hiệu chạm đáy. Tất cả những điều đó sẽ tiếp tục lắng dịu”, nhận định của ông Neil Shearing, nhà kinh tế trưởng thị trường mới nổi tại Capital Economics.
Lạm phát tại Nga đã suy yếu so với mức đỉnh 16.9% trong tháng 3 xuống 15.8% trong tháng 5, trong khi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tháng 4 giảm 4.2% so cùng kỳ năm ngoái, mức sụt giảm hàng tháng mạnh nhất kể từ năm 2009.
Tất cả 24 nhà kinh tế trong cuộc thăm dò của Reuters đều dự báo CBR sẽ cắt giảm lãi suất từ mức hiện tại 12.5% với biên độ cắt giảm dao động từ 0.5-1%, thấp hơn so mức cắt giảm 1.5% tại cuộc họp hôm 30/04.
Hiện đồng rúp đã giảm hơn 11% so với đồng USD kể từ giữa tháng 5/2015, thời điểm CBR bắt đầu mua ngoại tệ trên thị trường để bổ sung cho kho dự trữ - một thay đổi từng khiến một số nhà phân tích kỳ vọng CBR sẽ áp dụng một lộ trình hạ lãi suất thận trọng hơn.
“Nếu ngân hàng trung ương không cố gắng làm cho đồng rúp yếu hơn thông qua các biện pháp khác, chúng ta sẽ chứng kiến động thái cắt giảm mạnh lãi suất tại cuộc họp sắp tới”, nhận định của nhà phân tích Simon Quijano-Evans tại Commerzbank.
Thống đốc CBR Elvira Nabiullina trong tuần trước đã cảnh báo về các rủi ro của việc cắt giảm lãi suất quá nhanh. Cũng trong tuần trước, cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin cho biết tốt hơn nên giữ nguyên lãi suất trong tháng này vì lạm phát vẫn còn cao và nguy cơ đồng rúp sẽ tiếp tục rớt giá.
Phước Phạm (Theo Reuters)
|