[Bài cập nhật]
Eurozone sẽ họp khẩn khi vẫn không thể đạt được thỏa thuận nào về Hy Lạp
Thêm một “deadline”, thêm một ngày “không thỏa thuận”
Các nhà lãnh đạo Eurozone sẽ tổ chức một hội nghị khẩn cấp vào ngày thứ Hai nhằm nỗ lực ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của Hy Lạp sau khi cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) không đạt thỏa thuận nào về chương trình giải cứu của Hy Lạp.
* Vì sao Grexit không phải là thảm họa?
* Rút tiền ồ ạt khỏi ngân hàng Hy Lạp sau khi đàm phán thất bại
* EU thúc giục Hy Lạp đáp lại nhượng bộ của các chủ nợ
* Đàm phán thất bại, Hy Lạp chờ cơ hội cuối cùng
Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis (bên trái) trao đổi với Giám đốc điều hành IMF Christine Lagarde (bên phải) trước cuộc họp ngày thứ Năm của Eurogroup
|
Theo đó, cuộc họp giữa 19 bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong ngày thứ Năm tại Luxembourg đã không thể đạt được bất kỳ sự đột phá nào về thỏa thuận “cải cách để nhận tiền mặt” của Hy Lạp khi chỉ còn 12 ngày nữa là nước này phải thanh toán một khoản vay quan trọng cho IMF.
Việc không đạt được thỏa thuận nào đã đẩy Hy Lạp tiến gần hơn đến nguy cơ vỡ nợ và rút khỏi Eurozone trong bối cảnh người dân nước này ồ ạt rút tiền khỏi các ngân hàng và nguồn thu Chính phủ sụt giảm mạnh.
Bộ trưởng Tài chính Hà Lan kiêm Chủ tịch Eurogroup, Jeroen Dijsselbloem, bày tỏ sự nuối tiếc khi các cuộc đàm phán đã không thể đạt được tiến triển nào để có thể đi đến một thỏa thuận cuối cùng. Dù vậy, phát biểu tại cuộc họp báo, ông Jeroen Dijsselbloem cho biết Hy Lạp và các chủ nợ vẫn còn thời gian để có thể đạt được thỏa thuận trước thời điểm cuối tháng này và kéo dài thời hạn của gói giải cứu hiện tại, nhưng rõ ràng là đến lượt Hy Lạp phải hành động.
Sau khi các cuộc đàm phán thất bại, Liên minh châu Âu (EU) đã yêu cầu các nhà lãnh đạo Eurozone tổ chức một hội nghị đặc biệt vào ngày thứ Hai để “gấp rút thảo luận về tình hình Hy Lạp” trước cuộc họp dự kiến diễn ra vào ngày 25-26/06 tới.
“Đã đến lúc phải gấp rút thảo luận về tình hình Hy Lạp ở cấp chính trị cao nhất”, nhận định của ông Donald Tusk, người chủ trì các cuộc họp của các nhà lãnh đạo châu Âu.
Chính phủ mới với chủ trương phản đối các biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của Hy Lạp đã và đang cố gắng đàm phán về các điều khoản của gói giải cứu 240 tỷ EUR kể từ đầu năm nay. Châu Âu và IMF cũng vừa nới lỏng một số điều kiện nhưng cho rằng Hy Lạp phải tiến hành một số cải cách quan trọng đối với nền kinh tế để có thể nhận được khoản tiền mặt còn lại cũng như bất kỳ biện pháp hỗ trợ mới nào.
Nếu Hy Lạp vẫn không thể đạt được thỏa thuận nào trong vài ngày tới, đây có thể là khởi đầu của sự chấm hết, vì các chủ tài khoản có thể bắt đầu rút thêm tiền khỏi các ngân hàng nước này do lo sợ điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra. Kéo theo đó, nước này có thể rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính sâu hơn và buộc phải áp dụng các biện pháp kiểm soát dòng vốn.
Được biết, Hy Lạp phải thanh toán cho IMF khoản nợ 1.54 tỷ EUR vào ngày 30/06 tới, đây cũng là ngày mà thỏa thuận cứu trợ của nước này hết hạn. Hiện tại, Hy Lạp không thể tiếp cận các thị trường tín dụng quốc tế nên nếu không có tiền giải cứu, Athens sẽ phải vỡ nợ.
Giám đốc điều hành IMF, Christine Lagarde, cho biết bà hy vọng Hy Lạp sẽ trả tiền đúng hạn nhưng cũng nói rõ rằng IMF sẽ xem Hy Lạp là vỡ nợ nếu nước này không thể thanh toán khoản vay cho IMF. Nếu vỡ nợ xảy ra, các ngân hàng Hy Lạp sẽ không thể tiếp tục nhận được nguồn cấp vốn từ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), yếu tố duy nhất giúp các ngân hàng này có thể sống sót.
Phước Phạm (Theo Reuters, CNN Money, Marketwatch, WSJ)
|