Thứ Hai, 15/06/2015 16:52

Doanh nghiệp ngoại “trẩy hội TPP” tại Việt Nam

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang tranh thủ đầu tư để tận dụng những ưu đãi khi TPP được ký kết.

Thời điểm Hiệp định TPP ra đời và có hiệu lực càng tới gần thì các doanh nghiệp ngoại càng ồ ạt đầu tư với nhiều dự án hàng trăm triệu đô la vào ngành công nghiệp dệt - may Việt Nam. Trong khi đó, không ít doanh nghiệp trong nước vẫn còn khá mơ hồ về TPP. 

Huntsman Textile Effects, doanh nghiệp chuyên cung cấp các loại thuốc nhuộm và hóa chất trong ngành dệt may, đã tranh thủ đầu tư nhiều hơn tại Việt Nam để đón đầu TPP.

Doanh nghiệp Mỹ và Ấn Độ "mê" dệt may Việt

“Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đã phát triển mạnh trong những năm gần đây và sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. Hiện tại, Việt Nam là nước xuất khẩu hàng may mặc lớn thứ hai vào thị trường Mỹ và Nhật. Dệt may của Việt Nam hiện đang đóng góp 20% GDP của cả nước. Xuất khẩu dệt may Việt Nam đang tăng trưởng ở mức 20%/năm với doanh thu ước tính đạt 40 tỷ USD vào năm 2020. Hiệp định TPP sẽ giúp đẩy mạnh sự phát triển của ngành công nghiệp này”, ông Paul Hulme, Chủ tịch toàn cầu của Huntsman Textile Effects, thuộc Tập đoàn Huntsman, doanh nghiệp chuyên cung cấp các loại thuốc nhuộm và hóa chất trong ngành dệt may nhận định.

Mặc dù là công xưởng may mặc lớn trên thế giới, nhưng doanh nghiệp dệt may Việt Nam vẫn phụ thuộc vào nguồn nguyên, phụ liệu của nước ngoài. Điểm yếu nhất của ngành dệt may trong nước là ở lĩnh vực dệt - nhuộm để tạo vải, một phân khúc nguyên liệu quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng dệt may. Khi các hiệp định thương mại được ký kết, với việc truy xuất nguồn gốc nguyên liệu sản xuất, doanh nghiệp dệt trong nước sẽ được hưởng nhiều lợi thế xuất khẩu nếu tự chủ được nguồn nguyên liệu. Hiện nay, Huntsman Textile Effects đang nắm giữ 10% thị phần tại Việt Nam. Mới đây, doanh nghiệp này đã đầu tư xây dựng một kho ngoại quan mới tại Khu công nghiệp Long Bình gần TP.HCM, nhằm rút ngắn thời gian đặt hàng và giao hàng cho các khách hàng tại Việt Nam.

Tính đến giữa tháng 5/2015, kho ngoại quan này sẽ hoạt động một phần và dự kiến đi vào hoạt động đủ công suất 250 tấn vào tháng 6/2015. Không chia sẻ về kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất tại thị trường Việt Nam, nhưng ông Paul Hulme khẳng định, doanh nghiệp ông sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam trong tương lai. Trước đó, cả Hàn Quốc, Hồng Kông và Đài Loan cũng đã mạnh dạn đầu tư vào ngành dệt may của Việt Nam. Thậm chí Ấn Độ, quốc gia không nằm trong những nước tham gia TPP, nhưng mới đây cũng đã công bố đầu tư vào lĩnh vực này tại thị trường Việt Nam. Thông tin từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sắp tới Ấn Độ sẽ đầu tư khoảng 300 triệu USD, để xây dựng một khu công nghiệp gần TP.HCM, tập trung vào sản xuất các sản phẩm dệt may.

Ông Vinod K. Ladia, cựu Chủ tịch Hội đồng Xúc tiến xuất khẩu hàng dệt sợi tổng hợp và tơ nhân tạo Ấn Độ (SRTEPC) cho biết, đây là nỗ lực của các doanh nghiệp Ấn nhằm hưởng lợi từ TPP. Cũng theo ông, nếu khu công nghiệp dệt may Ấn Độ tại TP.HCM được hình thành và phát triển có hiệu quả, rất có thể nước này sẽ mở rộng và xây dựng một khu công nghiệp tương tự ở phía Bắc. “Ấn Độ không nằm trong những nước tham gia TPP, nhưng vì Việt Nam nhập khẩu vải từ Ấn Độ nên chúng tôi có lý do để đầu tư mạnh hơn vào Việt Nam để hưởng lợi ích gián tiếp từ TPP”, ông Srijib Roy, Giám đốc SRTEPC, cho hay.

Ồ ạt đầu tư đón đầu TTP

Để tận dụng lợi thế thuế suất khi gia nhập TPP, hàng loạt doanh nghiệp dệt may nước ngoài có nhà máy ở Việt Nam đã nhanh chóng triển khai các hoạt động mở rộng sản xuất. Gần đây, Tập đoàn Huafu (Hồng Kông) đã đầu tư 136 triệu USD xây dựng nhà máy nhuộm - sợi tại Khu công nghiệp Thuận Đạo (Long An), với công suất mỗi năm nhuộm 20.000 tấn bông và sản xuất 30.000 tấn sợi. Công ty liên doanh Nam Phương Textile cũng đầu tư 120 triệu USD tại Bình Dương, chuyên sản xuất gia công kéo sợi, dệt nhuộm... Năm 2013, Tập đoàn TAL (Hồng Kông), vốn có thâm niên gần 10 năm đầu tư dệt may tại Việt Nam, đã rót thêm hàng trăm triệu đô la để mở rộng thêm các tổ hợp sản xuất. Hiện hãng này đã có nhiều sản phẩm xuất đi Mỹ với các thương hiệu như Burberry, Banana Republic, Tommy Hilfiger...

Ở khu vực miền Bắc, giữa năm 2013, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật Texhong Ngân Long thuộc Tập đoàn Dệt may Texhong (Hồng Kông) cũng khánh thành giai đoạn 1 của dự án nhà máy sản xuất sợi 300 triệu USD tại tỉnh Quảng Ninh, nâng số nhà máy của Texhong tại Việt Nam lên bốn nhà máy. Tập đoàn Dệt may Yulun Giang Tô (Trung Quốc) cũng đầu tư nhà máy theo quy trình khép kín từ sản xuất sợi đến dệt, nhuộm với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD. Trung Quốc vừa bán được nguyên liệu may mặc, vừa làm đơn hàng xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế là 0% khi có TPP.

Không chỉ Trung Quốc, nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc cũng đang rất quan tâm tới lĩnh vực dệt may của Việt Nam. Ngay đầu năm 2015, Công ty Rio Industries đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư cho nhà máy sản xuất sợi chỉ Tây An tại Duy Xuyên - Quảng Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư 6 triệu USD (giai đoạn 1), chuyên sản xuất sợi chỉ polyester, sợi chỉ ni-lông và các loại chỉ may công nghiệp khác... với quy mô 4.440 tấn sản phẩm/năm, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào cuối năm 2015.

Lê Dung

diễn đàn doanh nghiệp

Các tin tức khác

>   Bộ Tài chính: Phí thử nghiệm mức tiêu thụ nhiên liệu là không bắt buộc (15/06/2015)

>   Cần 3.200 tỉ đồng để mở rộng sân bay quốc tế Đà Nẵng (15/06/2015)

>   Thua ở Trung Quốc, tỷ phú Thái tấn công thị trường Việt Nam (15/06/2015)

>   “Năm 2015 khi khối quốc doanh đang chờ là cơ hội cho tư nhân tất tay” (15/06/2015)

>   Giá đường giảm xuống mức thấp nhấp trong vòng 6 năm qua (15/06/2015)

>   Hàng loạt doanh nghiệp nhà nước biến mất sau một đêm (15/06/2015)

>   Dự án nâng cấp quốc lộ 1A: Nhà đầu tư “tay không bắt giặc”? (15/06/2015)

>   Chưa thấy hồ sơ vụ BJC mua lại Metro (15/06/2015)

>   Mong manh trước hội nhập (14/06/2015)

>   Kinh tế trong tuần: Nâng tầm năng lực cạnh tranh quốc gia (14/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật