“Năm 2015 khi khối quốc doanh đang chờ là cơ hội cho tư nhân tất tay”
“Trên thương trường, doanh nghiệp quốc doanh (gồm doanh nghiệp nhà nước và các sân sau) thường giành được các thương vụ đầu tư, tuy nhiên năm 2015 là năm doanh nghiệp tư nhân nên mạnh dạn tiến lên bởi tâm lý chung của nhóm quốc doanh là chờ đợi kết quả của Đại hội Đảng lần thứ 12”.
Hội thảo “Định hướng phát triển doanh nghiệp trong tình hình kinh tế mới” diễn ra chiều ngày 14/06/2015
|
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Hữu Thái Hòa - Chuyên gia chiến lược thị trường – Giám đốc chiến lược CTCP FPT (HOSE: FPT) tại hội thảo “Định hướng phát triển doanh nghiệp trong tình hình kinh tế mới” diễn ra chiều ngày 14/06/2015 do ngân hàng Quân đội phối hợp với Trường đào tạo doanh nhân PTI tổ chức.
Đứng trên quan điểm của doanh nghiệp tư nhân, ông Hòa khá lạc quan trong năm 2015 bởi khi Nghị quyết 19/NQ-CP vừa ban hành, trong ngành Công nghệ cái gì tư nhân làm được thì nhà nước không được làm, đây là một động thái quan trọng khiến khối quốc doanh phải chờ đợi kết quả Đại hội Đảng lần thứ 12 sắp tới. Do vậy, khối quốc doanh sẽ không mạnh dạn bỏ vốn ra đầu tư và đây là cơ hội đối với những doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng thời, ông Hòa cũng chia sẻ thêm khi hội nhập doanh nghiệp trong nước cần chú ý đến 3 điều.
Thứ nhất là xem lại cấu trúc chi phí của mình, doanh nghiệp nội địa rất lãng phí nguồn lực, trong 10 năm tư vấn cho doanh nghiệp ông nhận thấy rằng mỗi sản phẩm dịch vụ từ khi làm ra cho đến tay người tiêu dùng lãng phí gấp 20 lần so với các doanh nghiệp đa quốc gia. Nếu tiết kiệm được một phần thì lãi ròng của doanh nghiệp sẽ tăng lên rất nhiều.
Thứ hai, doanh nghiệp cần chú ý đến chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Khi hội nhập, nếu chất lượng không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật của các quốc gia khác thì hàng hóa Việt không thể thâm nhập và như vậy sẽ không được hưởng lợi.
Cuối cùng, doanh nghiệp cần chuẩn bị toàn cầu hóa ngay trên sân nhà, hiện nay nếu doanh nghiệp không ra ngoài thì các tập đoàn đa quốc gia cũng sẽ tìm đến. Thực tế, nhiều hợp đồng, đấu thầu doanh nghiệp Việt đã để vuột vào tay nước ngoài. Ông cho rằng để chuẩn bị cho toàn cầu hóa, doanh nghiệp nên tách riêng một bộ phận đảm trách.
Bên cạnh đó, ông Hòa cho rằng để doanh nghiệp tồn tại được, thay vì đi cạnh tranh với những thế mạnh mà mình không cạnh tranh được thì hãy tìm ra điểm khác biệt của chính Việt Nam để đẩy mạnh lên. Ông lấy một ví dụ đơn giản về nghề giúp việc trên thế giới, người giúp việc Việt Nam biết được điểm mạnh của mình là nấu ăn ngon, bất kể món ăn nước nào. Do vậy, họ chỉ nhận việc đối với những ông/bà chủ thường xuyên ăn nhà và đó chính là cách họ tồn tại trên thị trường quốc tế. Nhìn xa hơn, việc người giúp việc Việt Nam nấu ăn ngon là do đặc điểm vị trí địa lý và lịch sử giao thoa với nhiều nền văn hóa. Đối với doanh nghiệp cũng vậy, hãy tìm ra thế mạnh từ chính con người, đặc điểm lịch sử trong nước mình để phát huy và vượt lên trên trường quốc tế.
Mỹ Hà ghi
|