Thứ Hai, 22/06/2015 13:37

Đại gia bất động sản với trào lưu “đánh bắt xa bờ”

Không chỉ đầu tư vào các dự án tại trung tâm thành phố lớn, các đại gia bất động sản gần đây công bố hàng loạt khoản đầu tư vào tỉnh lẻ.

Tham gia trong đợt “đánh bắt” này, chủ yếu là những doanh nghiệp lớn, dẫn đầu trong lĩnh vực bất động sản. Chẳng hạn như “con tàu” Vingroup (VIC) đang “cập bến” hàng loạt tỉnh thành trong cả nước như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Huế, Bình Định, Quảng Ngãi, Kiên Giang… để tìm kiếm cơ hội.

Trong đó, phải kể đến việc Tập đoàn Vingroup đề nghị đầu tư vào 2 dự án khu đô thị và tổ hợp khách sạn tại Thanh Hóa. Cụ thể là dự án khu trung tâm hành chính thành phố mới tại phường Đông Hải và khai thác quỹ đất khu trung tâm hành chính cũ tại phường Điện Biên để xây dựng một trung tâm thương mại, khách sạn cao 25 tầng theo mô hình chuẩn Vincom trên tổng diện đất 5,500 m2 và một khu nhà thương mại biệt thự 3 tầng trên diện tích đất 44,740 m2.

Không chỉ có bất động sản, Vingroup cũng được chấp thuận đầu tư vào Nông trường Sông Âm, có tổng diện tích đang quản lý là 1,000 ha, nằm trên địa giới hành chính của 8 xã thuộc 2 huyện Ngọc Lặc và Thọ Xuân (Thanh Hóa) với mục đích sản xuất sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao hướng đến xuất khẩu.

Còn tại Quảng Bình, Vingroup sẽ thực hiện dự án trung tâm thương mại, vui chơi, giải trí Vincom trên địa bàn thành phố Đồng Hới.  Hay mới đây nhất, UBND tỉnh Quảng Ngãi vừa đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Vingroup đầu tư dự án Trung tâm thương mại và Nhà phố Shop House có tổng vốn đầu tư khoảng 500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, ngoài việc đưa quần thể du lịch nghỉ dưỡng Vinpearl Phú Quốc đi vào hoạt động cuối năm 2014 thì mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Kiên Giang vừa Quyết định chỉ định Vingroup thực hiện đầu tư Dự án đầu tư xây dựng công trình Cảng hành khách quốc tế Phú Quốc theo hình thức Hợp đồng BOT (Xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Tổng mức đầu tư cho dự án này là hơn 1,644 tỷ đồng, trong đó, phần vốn BOT hơn 493 tỷ đồng, chiếm 30% tổng mức đầu tư dự án.

Phối cảnh cảng hành khách quốc tế Phú Quốc

Song song với Vingroup, Tập đoàn FLC “đổ bộ” mạnh vào Thanh Hóa, Bình Định, Khánh Hòa… Tại Thanh Hóa, FLC đăng ký đầu tư với số vốn lên tới 1 tỷ USD như: Dự án nhà ở hỗn hợp Nam thành phố Thanh Hóa quy mô khoảng 2 ha với tổng mức đầu tư khoảng 800 tỷ đồng. Dự án Khu nhà hỗn hợp FLC Complex Thanh Hoá, dự án khu trung tâm thương mại, dịch vụ và căn hộ chung cư có tổng vốn đầu tư 1,200 tỷ đồng. Đặc biệt, FLC đang tập trung tổng nguồn lực để gấp rút hoàn thiện siêu dự án FLC Samson Beach & Golf Resort với tổng vốn đầu tư gần 5,500 tỷ đồng.

Trong năm nay, FLC dự kiến sẽ phát hành 465 triệu cổ phần để tăng vốn từ 3,749 tỷ đồng lên 8,398 tỷ đồng. Mục đích của đợt phát hành là bổ sung vốn cho các dự án đang triển khai đầu tư ở tỉnh: Khu đô thị sinh thái FLC Sầm Sơn 1,100 tỷ đồng; dự án xây dựng KCN Chấn Hưng (Vĩnh Phúc) 400 tỷ đồng; thực hiện giai đoạn 1 dự án đầu tư xây dựng Khu hành chính tỉnh Khánh Hòa theo hình thức BT (giải phóng mặt bằng và làm hạ tầng) và xây dựng dự án kinh doanh trên đất đối ứng 800 tỷ đồng; xây dựng KCN Hoàng Long (Thanh Hóa) 680 tỷ đồng; đầu tư KCN Hòn La 2 (Quảng Bình) 520 tỷ đồng.

Dự án FLC Samson Beach & Golf Resort với tổng vốn đầu tư gần 5,500 tỷ đồng.

Cùng với sự ấm lên của thị trường bất động sản và khi các quỹ đất tại khu vực trung tâm thành phố đang được biến thành khu thương mại, căn hộ, chung cư, biệt thự… thì việc quay trở lại các quỹ đất có sẵn ở tỉnh cũng là một trong những giải pháp được các doanh nghiệp chọn lựa. Trong trường hợp này, Tập đoàn Nam Long (NLG) đang hiện thực hóa giá trị quỹ đấy bằng cách tiếp tục đầu tư vào dự án Waterpoint tại Long An. Hiện tại, Tập đoàn này cũng đang rất thành công với dự án EHome 4 tại Bình Dương khi đợt mở bán mới nhất 2 block mới vào ngày 17/05 vừa qua đã có gần 200 khách hàng đặt mua căn hộ.

Hầu hết các ông lớn khi đầu tư về tỉnh đều có sẵn kinh nghiệm rất nhiều trong vấn đề quản lý và đầu tư bất động sản. Ngoài ra, những tập đoàn này được biết đến có tiềm lực tài chính “khỏe”, điều này báo hiệu một thị trường bất động sản phát triển mạnh hơn, quy mô lớn hơn nhưng không dàn trải (Vingroup đầu tư chủ lực vào trung tâm thương mại ở tỉnh, FLC hướng đến nghỉ dưỡng và NLG thì phần khúc căn hộ vừa túi tiền).

Theo báo cáo của Bộ Xây dựng mới đây, thị trường bất động sản đang chuyển động tích cực sau thời gian dài trầm lắng. Việc nhà đầu tư nhanh chóng đẩy mạnh về các tỉnh cũng cho thấy sự nhạy bén, hướng đến thị trường mới, quỹ đất mới…

Tuy nhiên, có thể thấy, việc đầu tư về tỉnh không phải mới, trước đây cũng đã có những công ty thất bại trong lĩnh vực này, nhiều dự án hiện còn dở dang, đắp chiếu. Hồi đầu năm, Bộ Xây dựng cũng cho biết có hơn 300 dự án bị bỏ hoang tại 7 tỉnh thành là Kiên Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đà Nẵng, Quảng Nam.

Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, việc đầu tư về tỉnh ngoài khó khăn về sức mua, nhu cầu hay khả năng thanh toán yếu thì một thách thức lớn nữa đó là vấn đề đền bù. Chẳng hạn như CTCP Miền Đông (MDG) đang có những dự án bất động sản tại Đồng Nai (17ha) khi đất ở đây đang lên giá như: Khu dân cư Khu phố 2 và 3 tại phường Long Bình Tân, TP.Biên Hòa, Đồng Nai. Dự án này đã được UBND tỉnh phê duyệt nhưng dự án Khu dân cư Khu phố 3 còn 9 hộ chưa di dời, việc giải phóng mặt bằng rất khó khăn, HĐQT MDG nhìn nhận thậm chí năm 2015 còn chưa đền bù xong.

Một thực tế khác là tình trạng làm xong không có người ở hay không thu hút được du khách như trường hợp của CTCP Thế Kỷ 21 (C21), khi thực hiện đầu tư dự án Mỏm Đá Chim tại Bình Thuận, Công ty thực hiện theo khẩu hiệu mà tỉnh này đưa ra là “Bình Thuận không chỉ có Mũi Né”. Kết quả là dự án bỏ vào cả trăm tỷ đồng mà đến nay liên tục thua lỗ. Ban lãnh đạo C21 đã thừa nhận đầu tư vào đây là sai lầm.

Mới đây nhất là Chính quyền Đà Nẵng lên tiếng về việc sẽ thu hồi các dự án chậm hoặc không triển khai, trong đó có các dự án của nhiều ông lớn như Quốc Cường Gia Lai (QCG), Hoàng Anh Gia Lai (HAG)…

Tri Nhân

Các tin tức khác

>   Phát Đạt sẽ hợp tác với An Gia và Creed để thực hiện dự án 500 triệu USD (06/03/2016)

>   Lấp rạch làm dự án bất động sản (22/06/2015)

>   Dừng triển khai khu công nghiệp VSIP ở Phú Quốc (22/06/2015)

>   Chờ nhà mới, người dân được tạm cư tại chung cư cao cấp: Thật hay đùa? (20/06/2015)

>   Vay vốn ngoại làm nhà ở xã hội (20/06/2015)

>   Dự án bất động sản: Khắc phục tình trạng “vườn không, nhà trống” (20/06/2015)

>   Vốn cho bất động sản: Kẻ ăn không hết... (19/06/2015)

>   Tiền lại đổ vào đất (19/06/2015)

>   Bán nhà cho “Tây”: Dễ mà khó! (19/06/2015)

>   Lập kế hoạch đầu tư phát triển năm 2016 (18/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật