Thứ Năm, 04/06/2015 17:44

Cần luật riêng để xử lý nợ xấu?

Đó là đánh giá của Chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS.Nguyễn Trí Hiếu, về những giải pháp và kết quả xử lý nợ xấu của NHNN trong thời gian qua.

Ông đánh giá như thế nào về những giải pháp xử lý nợ xấu của NHNN trong thời gian qua?

TS.Nguyễn Trí Hiếu: Trong vòng 4 năm trở lại đây NHNN đã có nhiều nỗ lực và giải pháp phù hợp trong việc xử lý nợ xấu tại Việt Nam, từ việc đề xuất thành lập và vận hành công ty VAMC đến việc thúc đẩy các NHTM giải quyết và xử lý nợ xấu. Đặc biệt, sự ra đời của VAMC là giải pháp sáng tạo trong bối cảnh Việt Nam không có nhiều công cụ và nguồn lực để xử lý nợ xấu. Ngoài việc cấp vốn điều lệ 500 tỷ đồng cho VAMC, NHNN đã không dùng đến ngân sách nhà nước để giải quyết nợ xấu của các NHTM.

Cho đến nay VAMC đã mua được khoảng 150.000 tỷ đồng nợ xấu bằng trái phiếu đặc biệt thay vì bằng tiền mặt. Tuy nhiên, cho đến nay VAMC mới chỉ thu hồi được khoảng hơn 8.000 tỷ đồng, tức khoảng hơn 5% tổng dư nợ nợ xấu đã mua. Con số này chứng tỏ VAMC còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến các quy định pháp lý, thủ tục… đối với việc xử lý số tài sản mua từ các NHTM. Lúc này, chúng ta chưa có thị trường mua bán nợ do đó kết quả xử lý nợ phụ thuộc nhiều vào kết quả xử lý thu hồi, phát mại tài sản và bán nợ xấu.

TS.Nguyễn Trí Hiếu

Theo tôi, cái được nhất trong việc sử dụng VAMC như một công cụ xử lý nợ xấu là VAMC đã góp phần hỗ trợ các TCTD giảm tỷ lệ nợ xấu một cách đáng kể, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp có khả năng phục hồi sản xuất kinh doanh tốt được tiếp tục được vay vốn để vượt qua khó khăn. Phần lớn các khoản nợ VAMC mua đều có tài sản bảo đảm và tỷ lệ tài sản bảo đảm là bất động sản chiếm đến 80% do vậy thông qua VAMC các TCTD đưa nợ xấu ra khỏi bảng cân đối và dần giải quyết số tài sản bảo đảm cho những khoản nợ xấu đó. Nếu không có công cụ VAMC thì số tài sản độc hại này tiếp tục lẩn khuất trong tài sản của các TCTD và tạo nên một bong bong rất lớn trong tài sản của các ngân hàng và có khả năng tạo khủng hoảng cho toàn thể hệ thống tài chính của Việt Nam.

Trong quá trình xử lý nợ xấu, vai trò thanh tra, giám sát của NHNN đã được thể hiện như thế nào?

Những năm gần đây, NHNN đã đặc biệt coi trọng công tác thanh tra, giám sát chất lượng tín dụng để phục vụ yêu cầu và quản lý nợ xấu. Vì vậy, các biện pháp giám sát chặt chẽ nợ xấu đã được triển khai và con số nợ xấu theo đánh giá của NHNN là cơ sở đưa ra các quyết định quản lý chứ không chỉ dựa vào số liệu nợ xấu do TCTD báo cáo.

Năng lực thanh tra giám sát cũng được tăng cường với sự đầu tư của NHNN vào con người và công nghệ thông tin. Không chỉ vậy, phương pháp thanh tra, giám sát cũng có nhiều đổi mới. Nhờ đó, chất lượng, hiệu quả thanh tra, giám sát cũng được nâng lên rõ rệt. Nhiều sai phạm của các TCTD qua thanh tra, giám sát đã được phát hiện, cảnh báo và xử lý kịp thời, giúp hạn chế rủi ro cho chính TCTD đó cũng như cả hệ thống.

Kết quả xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng đến nay nói lên điều gì, thưa ông?

Có thể dễ dàng nhận thấy, tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã giảm dần, các ngân hàng đang nhẹ bớt gánh nặng phải “cõng” nợ xấu qua việc nỗ lực tự xử lý và bán nợ cho VAMC. Về phía VAMC nhiều khoản nợ xấu và “rất xấu” đã được khoanh lại và được dần dần xử lý. Điều đó thể hiện NHNN đã “bắt đúng bệnh” và “kê toa” phù hợp với điều kiện tài chính của đất nước.

Để đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu, đưa tỷ lệ nợ xấu về 3% vào cuối năm 2015, theo ông NHNN cần có những giải pháp gì?

Với mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu trên sổ sách của các ngân hàng về 3% vào cuối năm theo chỉ đạo của Chính phủ, tôi cho rằng NHNN hoàn toàn có thể làm được. Tôi được biết, NHNN đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Nhưng giải quyết nợ xấu ở tầm vi mô thì tôi nghĩ chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tăng cường khả năng thanh lý tài sản bảo đảm của người chủ nợ vừa được nhượng quyền là VAMC. Chỉ khi nào VAMC có đầy đủ quyền để tự xử lý tài sản bảo đảm mà không lệ thuộc vào sự hợp tác của con nợ và ngân hàng là chủ nợ đầu tiên thì lúc đó mới có thể kỳ vọng VAMC xử lý nợ xấu đã mua một cách hiệu quả. Cùng với đó, chúng ta phải thực hiện ngay quyết định của Chính phủ tăng vốn điều lệ của VAMC lên 2.000 tỷ đồng và mua nợ xấu với giá thị trường qua việc phát hành trái phiếu bình thường để tiến đến hình thành một thị trường mua bán nợ và nợ xấu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, NHNN cần tiếp tục chỉ đạo các TCTD tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn hoạt động ngân hàng, cơ cấu lại nợ, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Thông tư 02 đã đề ra những quy chuẩn cho việc phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro. Các ngân hàng phải dựa vào đó để xây dựng một hệ thống phân loại nợ theo các tiêu chí định tính và định lượng. NHNN cũng phải nhanh chóng thông qua những bộ chỉ tiêu mà các ngân hàng đã xây dựng đồng thời hỗ trợ các ngân hàng còn đang lúng túng trong công tác này.

Cuối cùng, theo tôi có lẽ Quốc hội phải đưa ra một bộ luật riêng biệt về xử lý nợ xấu quốc gia để tránh sự chồng chéo của nhiều quy định liên quan đến tài sản bảo đảm bao gồm bất động sản, đồng thời cần thiết lập một loại tòa án đặc biệt cho việc xử lý nợ xấu mà các tòa án thông thường không đủ chuyên môn và kinh nghiệm thụ lý.

Xin cảm ơn ông.

Minh Phương (thực hiện)

Vietnamnet

Các tin tức khác

>   NamABank tìm ra Trạng nguyên 2015 (02/06/2015)

>   Lãi suất liên ngân hàng giảm tiếp hầu hết các kỳ hạn (04/06/2015)

>   Lãi suất cơ bản mất dần ý nghĩa (04/06/2015)

>   Sau tái cơ cấu: Ngân hàng lớn sẽ hút nhà đầu tư ngoại (04/06/2015)

>   HDBank triển khai thu hộ tiền điện tại Đồng Nai (03/06/2015)

>   NCB dành gói ưu đãi 700 tỷ đồng cho vay mua nhà dự án (03/06/2015)

>   Nợ xấu chạy đi đâu? (04/06/2015)

>   Lãi suất tiền gửi nhích lên (03/06/2015)

>   “Lý do thứ 7” để giữ nguyên tỷ giá (03/06/2015)

>   CEO DongA Bank: 'Tôi không phải người tham quyền cố vị' (03/06/2015)

Dịch vụ trực tuyến
iDragon
Giao dịch trực tuyến

Là giải pháp giao dịch chứng khoán với nhiều tính năng ưu việt và tinh xảo trên nền công nghệ kỹ thuật cao; giao diện thân thiện, dễ sử dụng trên các thiết bị có kết nối Internet...
Hướng dẫn sử dụng
Phiên bản cập nhật