Tiềm năng thu hút FDI vào lĩnh vực nông nghiệp ở Lâm Đồng
Nằm ở khu vực Tây Nguyên và tiếp giáp với khu vực “kinh tế năng động” phía Nam, Lâm Đồng có lợi thế thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài. Lâm Đồng đang dẫn đầu thu hút FDI so với các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên.
Thu hoạch rau an toàn ở Đà Lạt. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
|
Nhờ những lợi thế về khí hậu thời tiết, đất đai, Lâm Đồng cũng đang hướng đến thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Phan Văn Dung xung quanh vấn đề này.
- Xin ông cho biết, tình hình thu hút FDI của tỉnh Lâm Đồng trong thời gian gần đây?
Ông Phan Văn Dung: Lâm Đồng có tiềm năng thế mạnh phát triển nông lâm nghiệp kết hợp với công nghiệp chế biến. Cùng với khí hậu thời tiết thuận lợi, đất đai trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng rất thích hợp để phát triển cây công nghiệp (chè, cà phê, dâu tằm…), rau, hoa (kể cả các loại rau, hoa gốc ôn đới) và từ lâu đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung. Đây là những lợi thế để Lâm Đồng thu hút các dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản.
Việc thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài là hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với tỉnh Lâm Đồng. Tính đến nay, Lâm Đồng có 106 dự án còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư 482 triệu USD.
Tuy nhiên, các dự án vốn FDI trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là dự án nhỏ, chủ yếu tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và chế biến nông sản chiếm khoảng 61,3% (65 dự án) với tổng vốn đầu tư đăng ký ban đầu là 227 triệu USD. Lĩnh vực công nghiệp chiếm khoảng 16,9% (18 dự án) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 98 triệu USD và lĩnh vực thương mại và dịch vụ chiếm khoảng 21,8% (23 dự án) với tổng vốn đầu tư đăng ký ban đầu là 155 triệu USD.
- Thời gian gần đây, có nhiều doanh nghiệp FDI muốn đầu tư vào các lĩnh vực như du lịch nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghệ sinh học với các dự án chế biến các sản phẩm chủ lực như rau, hoa, trà, cà phê... tại địa phương. Ông nhận xét gì về việc các doanh nghiệp FDI đầu tư vào những lĩnh vực này?
Ông Phan Văn Dung: Trong thời gian qua, các dự án FDI đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng đa phần là đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao.
Các dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến đã và đang làm tăng giá trị hàng nông sản vốn thuộc thế mạnh của tỉnh như các loại rau, hoa, cá nước lạnh, trà Olong…, trở thành những sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng trên thị trường trong nước và nước ngoài.
Mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, dây chuyền công nghệ tiên tiến trong chế biến sản phẩm nông nghiệp, đặc biệt là chế biến trà Olong, nuôi cá nước lạnh như áp dụng các mô hình nhà kính, nhà lưới, hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt, công nghệ quản lý đang được nhiều doanh nghiệp, hộ nông dân áp dụng và nhân rộng, góp phần tăng giá trị hàng hóa của các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản, tăng giá trị sử dụng đất, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.
Không những thế, hoạt động của một số doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã góp phần trong việc nâng cao ý thức tổ chức, kỷ luật của người lao động và nâng cao năng lực quản lý. Hình thành trong họ kỹ năng quản lý, kỹ năng lao động mang tính chuyên nghiệp, góp phần nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng lao động chung trong toàn xã hội.
- Ở một số địa phương vẫn đang có nhiều dự án bỏ hoang, không thực hiện hoặc chuyển nhượng. Vậy Lâm Đồng có những dự án bỏ hoang, siêu dự án chuyển nhượng không và tỉnh có kế hoạch gì để tránh tình trạng trên?
Ông Phan Văn Dung: Nhìn chung, tình hình thu hút đầu tư và thực hiện đầu tư giai đoạn 2011-2015 có phần chững lại so với giai đoạn trước (2006-2010) do ảnh hưởng của tình hình khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, nền kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp không hiệu quả, dẫn đến tiến độ đầu tư các dự án có chậm.
Thêm vào đó, trước việc thực hiện Chỉ thị 1685/CT- TTg ngày 27/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp bảo vệ rừng, ngăn chặn tình trạng phá rừng và các văn bản chỉ đạo của Ủy ban Nhân dân tỉnh về việc tạm dừng thu hút các dự án liên quan đến rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng cũng khiến cho tình hình thu hút đầu tư chậm lại.
Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân tỉnh cũng đã ban hành văn bản số 1034/Ủy ban Nhân dân-ĐC ngày 11/3/2015 về việc gia hạn, thu hồi đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách trên địa bàn tỉnh đã được giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đầu tư trước ngày 1/7/2014.
Trên cơ sở đó, các Sở, ngành, địa phương phối hợp rà soát, kiểm tra và yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện theo tiến độ dự án đúng quy định. Do đó, đến nay chưa để xảy ra trường hợp các dự án bỏ hoang trong thời gian dài, hoặc siêu dự án chuyển nhượng.
- Vậy, các giải pháp đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài của tỉnh trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Ông Phan Văn Dung: Để tăng cường thu hút đầu tư FDI vào tỉnh trong thời gian tới, chúng tôi đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và hỗ trợ nhà đầu tư; tập trung đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, quy trình một cửa liên thông, thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển và hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Bên cạnh đó, tỉnh triển khai hiệu quả các chương trình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội với các tỉnh lân cận và Thành phố Hồ Chí Minh; đồng thời, ban hành chính sách hỗ trợ lãi suất cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng; chú trọng công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất: thực hiện quy hoạch luôn bám sát quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, xác định rõ nhu cầu sử dụng đất của các dự án, gắn quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Đặc biệt, trong thời gian tới, tỉnh Lâm Đồng tiếp tục chú trọng thu hút các dự án đầu tư FDI vào các lĩnh vực du lịch, dịch vụ, nông nghiệp chất lượng cao, chế biến bảo quản sau thu hoạch, kể cả các dự án đầu tư thông qua hợp đồng với các hộ dân.
Thúy Hiền
Vietnam+
|