Tập trung tháo gỡ khó khăn tiêu thụ nông sản trên từng thị trường
Trong năm tháng đầu năm, xuất khẩu nông lâm thủy sản cả nước đạt 11,4 tỷ USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm 2014.
Tập kết, vận chuyển vải đi tiêu thụ ở huyện Thanh Hà (Hải Dương). (Ảnh: Đình Huệ/TTXVN)
|
* Nông sản “nóng” nghị trường và trách nhiệm "Tư lệnh ngành”
Ngành nông nghiệp đã đi được gần nửa chặng đường của năm nay nhưng kim ngạch xuất khẩu mới đạt khoảng 1/3 so với năm 2014 (trên 31 tỷ USD).
Trước tình hình này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Cao Đức Phát cho biết Bộ đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với từng loại sản phẩm và trên từng thị trường cụ thể để tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, có năm mặt hàng xuất khẩu chủ lực giảm là lúa gạo, cao su, càphê, tôm và cá; năm mặt hàng tăng mạnh là hồ tiêu, điều, rau quả, sắn và đồ gỗ. Như vậy, có thể thấy thị trường có diễn biến rất đa dạng.
Bộ đã hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tập trung đẩy mạnh sản xuất những mặt hàng có thị trường thuận lợi, đồng thời tiếp tục thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng cạnh tranh của các loại nông sản chủ lực của Việt Nam.
Như đối với lúa gạo, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trương không tăng số lượng, tập trung vào nâng cao chất lượng và hạ giá thành. Do vậy, Bộ đã đề nghị các địa phương rà soát cho nông dân trồng các giống lúa bán được giá cao hơn.
Ví dụ, ở Thái Bình, những giống lúa thường bán 6.000 đồng/kg, những giống lúa chất lượng cao bán được 8.000 đồng/kg. Tương tự, ở Đồng bằng sông Cửu Long cũng có những giống lúa bán được giá lúa cao hơn. Năm nay, Bộ yêu cầu các đơn vị chuyên môn của Bộ phối hợp với địa phương tập trung giúp đỡ nông dân tiếp cận giống.
Từ đầu tháng Tư, giá lúa đã giảm khá mạnh trong khi năng suất lúa năm nay đạt khá cao. Không chỉ lúa gạo, mấy tháng qua, hàng loạt các nông sản khác như dưa hấu ở Nghệ An, thanh long ở Bình Thuận, hành tây ở Đà Lạt, hành tím ở Sóc Trăng cũng rơi vào tình trạng “được mùa, mất giá” và khó tiêu thụ. Với tình trạng không phải là mới này, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng có liên quan đến hai nhóm vấn đề là do tính chất tình huống và bộc lộ tồn tại của ngành trong sản xuất và khả năng cạnh tranh.
Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành và địa phương triển khai thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt. Theo dõi sát sao diễn biến về thị trường của các loại nông lâm thủy sản và làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự giảm về giá cũng như số lượng xuất khẩu và tập trung vào tháo gỡ khó khăn, vướng mắc có tính chất tình huống đó.
Chẳng hạn như đối với dưa hấu, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc nên việc đàm phán, tăng khả năng thông quan là yếu tố quan trọng. Hay đối với hành tím ở Sóc Trăng, nguyên nhân dẫn đến giá giảm do 70% hành tím Việt Nam là xuất khẩu, trong đó thị trường chính là Indonesia, thị trường này từ cuối năm 2014 đã dừng nhập khẩu hành của Việt Nam. Bộ đã liên hệ với Bộ Nông nghiệp, Bộ Thương mại Indonesia để bàn các giải pháp tháo gỡ cũng như tìm kiếm thêm các thị trường tiêu thụ khác.
Hay đối với cao su, hiện nay đang mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu, Bộ đã hợp tác với các nước sản xuất cao su lớn để phối hợp hành động, tác động vào thị trường.
Tương tự như vậy, đối với thị trường các loại nông lâm thủy sản khác, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng bàn các biện pháp có thể tác động theo hướng tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để có thể đẩy mạnh xuất khẩu trở lại.
Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng tích cực phối hợp với các bộ, ngành tìm kiếm cơ hội và mở cửa những thị trường tiềm năng cho nông sản Việt Nam, tránh lại rơi vào tình trạng ùn ứ ở cửa khẩu như các năm trước, chuẩn bị cho vụ vải thiều năm nay, hàng trăm hộ nông dân đã phải đáp ứng các điều kiện trồng trọt rất nghiêm ngặt để nằm trong diện 1.000 tấn vải đảm bảo tiêu chuẩn xuất đi Mỹ và Australia.
Ngày 30/5 và 1/6, có hai công ty đưa những lô vải đầu tiên sang hai thị trường này. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, đó là sự khởi đầu rất tốt, giúp Việt Nam đa dạng hóa thị trường. Tuy nhiên, xuất khẩu vải vào những thị trường này yêu cầu chất lượng rất cao, đồng thời chi phí vận tải, bảo quản cũng rất cao nên ở giai đoạn đầu sẽ có những khó khăn nhất định.
“Cần phải có thời gian để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường đưa vải thiều Việt Nam trên kênh phân phối của thị trường cao cấp này. Năm nay, sản lượng quả vải của cả nước khoảng 220.000 tấn, vì vậy giải pháp chính vẫn phải tập trung vào tạo thuận lợi cho các thương nhân tiêu thụ vải vào thị trường truyền thống, khai thác cao hơn thị trường trong nước,” Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh.
Không chỉ vải thiều, để khuyến khích doanh nghiệp tham gia nhiều hơn để xuất khẩu hoa quả đi các thị trường mới, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao làm việc với các nước để khơi thông về mặt thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho các loại rau quả nước ta có thể bán vào thị trường các nước ngày càng nhiều.
Bên cạnh đó, Bộ cũng làm việc trực tiếp các cơ quan có thẩm quyền của các nước để thống nhất thủ tục liên quan, đặc biệt là kiểm dịch thực vật, kiểm soát chất lượng. Đồng thời, Bộ cũng liên tục làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và giải quyết cụ thể những khó khăn đó.
Tuy nhiên, thị trường mới của nông sản Việt Nam trong thời gian tới đều là những thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản. Năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu sang Mỹ 5,4 tỷ USD các loại nông lâm thủy sản và thị trường này đã chiếm 19% tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam. Việt Nam cũng xuất khẩu 2,5 tỷ USD sang Nhật Bản, chiếm gần 9%. Đối với Australia, Việt Nam mới xuất khẩu khoảng 630 triệu USD, nhưng Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng đây là những thị trường có tiềm năng sẽ mang lại giá trị cao.
Là thị trường có nhu cầu cao, nhưng cũng yêu cầu sản phẩm phải có chất lượng cao. Để xuất khẩu được nhiều vào các thị trường này hơn, các doanh nghiệp cần phải tuân thủ rất chặt chẽ các yêu cầu đối với các loại hàng hóa. Vì vậy, Bộ sẽ phối hợp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, hướng dẫn liên kết với nông dân để tổ chức sản xuất hàng hoá, đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Thời gian gần đây, nông dân ở Tây Nguyên rất quan tâm đến hạt mắcca, loại nông sản mới vào Việt Nam. Với loại cây này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã tiến hành khảo nghiệm trồng từ năm 1994.
Sau 20 năm theo dõi, Việt Nam có thể trồng cây mắcca ở nhiều vùng, đặc biệt là Tây Nguyên và Tây Bắc. Tuy nhiên, để phát triển cây mắcca phải tuân thủ các quy trình rất chặt chẽ về kỹ thuật, trong đó đặc biệt là về giống. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã khảo nghiệm và công nhận 10 giống. Trước mắt đến năm 2020, cả nước phát triển khoảng 10.000ha cây mắcca.
“Chúng tôi khuyến cáo bà con chỉ trồng cây mắcca ở những vùng đất mà chúng tôi đã khảo nghiệm và khẳng định là có thể trồng có hiệu quả cao hoặc có thể trồng ở điều kiện tương tự. Trồng theo quy trình hướng dẫn của Bộ và sử dụng cây ghép và bằng những giống Bộ đã công nhận. Bà con chỉ nên trồng ở những nơi mà giá thành sản xuất dưới 30.000 đồng/kg quả khô thì mới đảm bảo khả năng phát triển bền vững,” Bộ trưởng Cao Đức Phát lưu ý.
Vừa qua, Chính phủ đã ký kết hàng loạt hiệp định tự do hóa thương mại tạo ra những cơ hội mới cho nông sản Việt Nam. Theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, để đáp ứng yêu cầu, tận dụng những cơ hội này, Bộ đang đẩy mạnh triển khai các giải pháp tái cơ cấu ngành, chỉ đạo các địa phương hướng dẫn cho bà con điều chỉnh cơ cấu sản xuất, bám sát nhu cầu thị trường, phát huy lợi thế để có thể thu được giá trị gia tăng cao hơn.
Cùng với đó, ngành cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao khả năng cạnh tranh của các loại nông sản. Tiến hành tổ chức lại sản xuất, trong đó tập trung các giải pháp như khuyến khích doanh nghiệp đầu tư và hoạt động nhiều hơn trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là sản xuất và kinh doanh các loại nông sản, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với nông dân./.
Bích Hồng
Vietnam+
|