Nông sản “nóng” nghị trường và trách nhiệm "Tư lệnh ngành”
Câu chuyện của ngành Nông nghiệp một lần nữa lại nóng lên qua phiên họp chiều 25/5 của Quốc hội.
Khi Quốc hội thảo luận ở tổ đánh giá bổ sung tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, ngoài những câu chuyện thời sự như tiêu thụ dưa hấu, hành tím thời gian qua thì có một vấn đề nóng được nhiều đại biểu đề cập là ngành Nông nghiệp đang “bán thứ sản xuất được chứ không phải bán thứ thị trường cần”; “Nhà nước đang để nông dân làm theo phong trào, chịu tác động thị trường”, như phát biểu của đại biểu Trần Du Lịch.
Cùng với những bức xức của các đại biểu về vấn đề tiêu thụ nông sản, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đầy lo lắng: “Nếu không có giải pháp tháo gỡ mạnh, đến tháng 10 này, tăng trưởng kinh tế sẽ bị kéo giảm do nông nghiệp, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của phần lớn người dân”.
Đề cập đến vấn đề trách nhiệm, nhiều đại biểu Quốc hội cũng như đại diện cơ quan quản lý nhà nước đều cho rằng đây là vấn đề chung, cần chung sức chung lòng giải quyết.
Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng khẳng định rằng “trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan quản lý Nhà nước”, nhưng là của rất nhiều bộ, ngành chứ không phải riêng bộ, ngành nào.
Cùng quan điểm “nông nghiệp không chỉ là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT mà liên quan đến nhiều Bộ”, từ vấn đề xúc tiến thương mại đến đầu tư khoa học công nghệ, chuyên gia kinh tế, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng trong xu thế hội nhập hiện nay, khi cánh cửa mở ra, thì thế mạnh của Việt Nam là nông nghiệp. “Vậy thì phải xác định, đặt vị trí nền nông nghiệp là vị trí số 1 để ưu tiên. Cần có nghị quyết hỗ trợ nông dân, ổn định nền nông nghiệp quốc gia”.
Đại biểu Quốc hội Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nói “đừng đổ lỗi cho bà con, đây là lỗi của chúng ta” và cho rằng cần phải tổ chức lại thương mại trong nước, gắn với thương mại qua biên giới.
Nếu như các ý kiến tại diễn đàn Quốc hội đều cho rằng đây không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành Nông nghiệp, mà là trách nhiệm của chung của các cơ quan chức năng, thì phản ánh vấn đề này, nhiều bài viết trên báo chí còn cho rằng đây là vấn đề khó khăn chung của quốc gia, đòi hỏi những nỗ lực toàn diện của cả một dân tộc. Thậm chí, có có ý kiến đặt vấn đề cụ thể hơn nữa về trách nhiệm của các giới, chẳng hạn với trách nhiệm của mình, lực lượng trí thức không thể “chỉ đắm mình trong phê phán lý tính bằng lý thuyết suông sáo rỗng thay vì tìm cách tạo ra giá trị” như ý kiến của tác giả Hà Quang Minh trong bài viết trên trang http://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/Su-le-thuoc-thoi-hien-dai-351737/
Hẳn không ít người đã biết đến fanpage đình đám mang tên “Tony Buổi sáng” (TBS), mà chủ nhân của nó dường như đang tham dự rất sâu vào lĩnh vực kinh tế nông nghiệp khi đưa ra những giải pháp cụ thể. Chẳng hạn, trong lúc quả thanh long đang thu hoạch rầm rộ và nông dân lại rơi vào nỗi lo mất giá thường trực, TBS đã chia sẻ cách làm mứt thanh long, nước thanh long… và các thị trường cần nhập khẩu. Chưa thể kết luận cuối cùng về hiệu quả của những lời “mách nước” này, nhưng rõ ràng TBS đã gây được sự chú ý.
Tựu trung lại, trước bài toán hóc búa này, dường như dư luận đang khá cảm thông cho ngành Nông nghiệp nói riêng, các cơ quan nhà nước nói chung và sự cảm thông ấy là có cơ sở. Hơn ai hết, Bộ NN&PTNT, mà đứng đầu là Bộ trưởng Cao Đức Phát, đang cảm nhận hết sức rõ ràng sức ép trách nhiệm rất lớn trước Chính phủ, Quốc hội và cử tri về vấn đề này. Và với người “ Tư lệnh ngành”, thì mọi ý kiến góp ý - dù chỉ phê bình mang tính lý thuyết chung chung hay hiến kế cụ thể - cũng đều là đáng quý và cần lắng nghe, miễn là có cơ sở.
Trong phiên thảo luận của Quốc hội chiều 25/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát chưa có dịp lên tiếng. Rất có thể trong kỳ họp Quốc hội này, nhân dân sẽ có dịp được nghe những thông tin về sản xuất nông nghiệp từ Bộ trưởng. Nếu đại biểu Trần Hoàng Ngân nhận xét rằng “nền nông nghiệp Việt Nam từ lợi thế đã trở thành thách thức”, thì từ những thách thức của ngành Nông nghiệp, cử tri cũng đang kỳ vọng vào đối sách từ cơ quan quản lý.
Chưa biết ông sẽ trả lời ra sao trước những đòi hỏi và kỳ vọng từ nhiều phía, nhưng có một câu nói đã thể hiện rất rõ tinh thần của Bộ trưởng. Tại cuộc họp về lĩnh vực khoa học công nghệ trong thủy sản vào cuối tuần trước, khi chạm đến đến những khó khăn của cơ chế, chính sách, nhiều đại biểu tại hội nghị khi bàn sâu về các vấn đề cụ thể thường đệm câu “vấn đề này tế nhị”…
Khi đó, Bộ trưởng Phát đã trả lời: “Không có vấn đề gì là “tế nhị” khi bàn cách làm lợi cho quốc gia dân tộc cả. Chỉ có những con người làm cho vấn đề trở nên “tế nhị”. Ai thấy “tế nhị” với những vấn đề vì lợi ích chung thì mời đứng sang một bên!”.
Thời gian qua, cùng với lãnh đạo Chính phủ và các Bộ trưởng khác, Bộ trưởng Cao Đức Phát đã có những hành động hết sức cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, cả từ sự vụ cụ thể đến các vấn đề chính sách vĩ mô. Ông là một trong những vị “Tư lệnh ngành” thường xuyên gặp gỡ doanh nghiệp để trực tiếp nghe những lời phàn nàn, mà cuộc gặp gần nhất chỉ cách nay chục ngày và cuộc tiếp theo dự kiến sẽ diễn ra trong ít ngày tới. Thật không dễ dàng giải quyết trong thời gian ngắn những vấn đề đang đặt ra, nhưng quyết tâm và nỗ lực hành động của Bộ trưởng là không thể hồ nghi.
Đỗ Hương
Chính phủ
|