Quốc hội mặc niệm ông Nguyễn Bá Thanh
Tại phiên họp trù bị trước khi khai mạc kỳ họp Quốc hội sáng nay 20-5, Quốc hội dành một phút mặc niệm ông Nguyễn Bá Thanh, đây là việc làm theo thông lệ mỗi khi có ĐBQH qua đời.
Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội - Ảnh: TTO
|
Chủ trương xây sân bay Long Thành, dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, xem xét sửa điều 60 Luật BHXH, xem xét bãi nhiệm tư cách ĐBQH Châu Thị Thu Nga là những vấn đề được quan tâm trong kỳ họp này.
Kỳ họp này dự kiến sẽ xem xét, thông qua 11 dự án luật và một nghị quyết, cho ý kiến 15 dự án luật.
11 dự án luật được Quốc hội xem xét thông qua gồm: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Mặt trận tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi), Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi), Luật Ban hành văn bản pháp luật, Luật Nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, Luật Thú y, Luật An toàn, vệ sinh lao động.
Quốc hội cũng sẽ tiến hành xem xét, thông qua Nghị quyết về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.
15 dự luật được Quốc hội cho ý kiến gồm: Bộ Luật dân sự (sửa đổi), Bộ Luật hình sự (sửa đổi), Bộ Luật Tố tụng dân sự (sửa đổi), Bộ luật tố tụng hình sự (sửa đổi), Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi), Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Tạm giữ, tạm giam, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kế toán, Luật Thống kê (sửa đổi), Luật An toàn thông tin, Luật Phí, lệ phí, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam, Luật Trưng cầu dân ý và Luật Khí tượng thủy văn.
Quốc hội sẽ nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát chuyên đề về “tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”.
Về vụ việc liên quan đến bà Châu Thị Thu Nga, Chủ nhiệm Văn phòng kiêm Người phát ngôn của Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết rất đáng tiếc khi Quốc hội mong muốn tăng số lượng đại biểu nữ, đại biểu trẻ nhưng tại nhiệm kỳ này có hai đại biểu nữ, tự ứng cử bị Quốc hội xem xét tư cách đại biểu (trước đó là bà Đặng Thị Hoàng Yến).
Về việc đình công của công nhân phản đối điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (chưa có hiệu lực thi hành), ông Phúc nói đến nay Chính phủ chưa có tờ trình chính thức đề nghị Quốc hội sửa điều luật này. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã bố trí thời gian để Chính phủ báo cáo về việc triển khai thực hiện điều luật này. Sau đó, Quốc hội sẽ thảo luận và sẽ xin ý kiến đại biểu xem có sửa hay không.
Về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, người phát ngôn của Quốc hội cho biết tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương 4 khóa XI, Trung ương đã có chủ trương xây dựng cảng. “Trung ương rất thận trọng, sau khi lắng nghe ý kiến đại biểu Quốc hội, trung ương đã thảo luận. Trong thảo luận thì trung ương lưu ý đến hiệu quả kinh tế. Trung ương rất muốn các đại biểu Quốc hội bàn bạc xem làm thế nào để đầu tư cho hiệu quả dự án này” - ông Phúc nói.
Ông Nguyễn Bá Thanh
|
Tháng 5-2014, ông Nguyễn Bá Thanh lâm trọng bệnh, được điều trị tại bệnh viện 108 với chẩn đoán rối loạn sinh tủy. Ông được đưa sang Singapore và sau đó là sang Mỹ điều trị. Ngày 9-1-2015, ông được đưa về Đà Nẵng tiếp tục điều trị nhưng do bệnh hiểm nghèo, ông đã qua đời ngày 13-2-2015, hưởng thọ 62 tuổi.
Ông từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Bí thư thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng và sau đó là Trưởng ban nội chính trung ương từ ngày 28-12-2012. Ông từng là ĐBQH các khóa IX, XI, XII, XIII.
Trong suốt thời gian làm việc ở Đà Nẵng, ông đã làm thay đổi diện mạo đô thị thành phố này. Với chương trình "năm không ba có": không hộ đói, không người mù chữ, không người ăn xin, không người nghiện ma túy, không giết người cướp của và Có nhà ở, có việc làm, có lối sống văn minh, ông đã làm cho cuộc sống người dân ở TP này tốt hơn.
Ông qua đời, hàng ngàn người dân Đà Nẵng tiếc thương ông.
Tuổi trẻ
|