Nỗi buồn chung cư: “Cắm” giấy tờ trong ngân hàng
Người dân mua căn hộ hợp pháp, trả tiền sòng phẳng nhưng đang đứng trước nguy cơ bị ngân hàng phát mãi tài sản vì chủ đầu tư đã thế chấp giấy tờ.
Không dừng lại ở 600 hộ dân tại 2 chung cư Ruby Land và Ruby Garden, Báo Người Lao Động nhận được đơn “cầu cứu” từ hàng ngàn hộ dân ở nhiều chung cư trên địa bàn TPHCM phản ánh việc chủ đầu tư đã “cắm” quyền sử dụng đất tại ngân hàng. Hậu quả là cư dân không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và các tài sản gắn liền với đất khác (gọi tắt là GCN).
Hơn 5 năm kể từ ngày nhận bàn giao căn hộ nhưng 840 hộ dân chung cư 585 Phú Thạnh (53 Nguyễn Sơn, quận Tân Phú, TPHCM) chưa được cấp chủ quyền Ảnh: Hoàng Triều
|
Cư dân sẽ khởi kiện!
Ông Nguyễn Trọng Thanh nhận bàn giao căn hộ chung cư 585 Phú Thạnh (quận Tân Phú) từ năm 2009. Hợp đồng mua bán ghi rõ trong vòng 12 tháng kể từ khi bàn giao căn hộ, chủ đầu tư là Công ty Xây dựng công trình 585 (thuộc Bộ Giao thông Vận tải) phải chuyển giao GCN cho người mua. Từ đó đến nay, năm nào người dân cũng yêu cầu chủ đầu tư chuyển giao GCN nhưng đều chỉ nhận được một lời hứa. “Chúng tôi mua bán nhà hợp pháp, đóng tiền đầy đủ, cớ sao 4-5 năm trời vẫn chưa được cấp GCN?” - ông Thanh đặt vấn đề.
Theo bà Hoàng Thị Ngọc Thủy, Tổ trưởng Tổ dân phố 17A (block B), chủ đầu tư đã 2 lần tổ chức thu tiền phí đo vẽ là 900.000 đồng và thu bản hợp đồng mua bán gốc, nói là để làm thủ tục cấp GCN. Tuy nhiên, chỉ một số ít người nộp còn hầu hết cho rằng hợp đồng là giấy tờ pháp lý duy nhất chứng minh ai là chủ căn hộ nên không dám nộp cho chủ đầu tư.
Ông Phạm Văn Phúc, Tổ trưởng Tổ dân phố 17B (block C), cho biết sau khi cư dân khiếu nại nhiều nơi, cuối năm 2014, UBND quận Tân Phú mời cư dân và chủ đầu tư lên làm việc. “Đến lúc này, chúng tôi mới vỡ lẽ nguyên nhân chủ đầu tư lần lữa không hoàn thành thủ tục cấp GCN là vì quyền sử dụng đất của toàn khu đất 5 block chung cư đã bị thế chấp cho ngân hàng” - ông Phúc bức xúc.
Ông Phúc thông tin thêm: Chủ đầu tư hứa trong quý II/2015 sẽ giải chấp quyền sử dụng đất để giao cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất cấp GCN cho người dân nhưng dân ở đây bị lừa nhiều lần rồi nên không ai tin cả. “Cư dân tổ 17B đã họp và thống nhất nếu hết quý II/2015 không được cấp GCN, chúng tôi sẽ khởi kiện Công ty Xây dựng công trình 585” - ông Phúc khẳng định. Theo thống kê, đến nay, 840 căn hộ thuộc 5 block chung cư 595 Phú Thạnh chưa có GCN.
Ông Lê Trung Kiên, Phó Ban Quản trị chung cư cao cấp Minh Thành (quận 7), cho biết hiện vẫn chưa có căn hộ nào trong số 120 căn hộ chung cư ở đây được cấp GCN. Theo phản ánh của các cư dân ở đây, dù họ đã nhiều lần liên lạc nhưng chủ đầu tư vẫn im hơi lặng tiếng buộc người dân phải nộp đơn lên Văn phòng Tiếp công dân TP xin đối thoại với lãnh đạo TP.
Trước đó, tháng 9-2014, ông Bùi Ngọc Minh, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Minh Thành (chủ đầu tư), khẳng định đã sẵn sàng tiền mặt và một mảnh đất khác để thế chấp ngân hàng, giải chấp quyền sử dụng đất của chung cư và chỉ trong thời gian ngắn sẽ hoàn tất thủ tục cấp GCN cho người dân. Thế nhưng, thực tế như người dân phản ánh, chủ đầu tư chỉ “hứa hão”.
Cần khởi tố chủ đầu tư
Luật sư Nguyễn Văn Đức, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng việc chủ đầu tư thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản hình thành trong tương lai khiến khách hàng không được cấp GCN sẽ gây hậu quả hết sức nghiêm trọng cho xã hội. Nếu giải quyết bằng con đường tố tụng dân sự, ngân hàng phát mãi các căn hộ để thu hồi nợ thì hàng ngàn người mua nhà có nguy cơ bị mất trắng tài sản. Trong khi đó, các chủ đầu tư đã ôm một khoản tiền rất lớn thu được từ thế chấp tài sản và bán căn hộ thì vẫn bình an vô sự, không bị chế tài gì cả.
Theo luật sư Đức, hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn lúng túng trong việc xác định rằng đây chỉ là giao dịch dân sự đơn thuần giữa chủ đầu tư và người dân hay chủ đầu tư có dấu hiệu lừa đảo, một căn hộ bán 2 lần. “Việc bán căn hộ đã được thế chấp là hành vi gian dối, có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự. Do đó, cần xử lý hình sự đối với các chủ đầu tư mới đủ tính răn đe” - luật sư Đức khẳng định.
Luật sư Đức cho rằng nếu ngân hàng biết rõ mọi giao dịch giữa chủ đầu tư và bên thứ ba nhưng không có biện pháp kiểm soát và thu hồi dòng tiền thu được từ việc bán căn hộ của chủ đầu tư thì các ngân hàng phải gánh chịu hậu quả khi chủ đầu tư mất khả năng chi trả. Trong trường hợp này, chủ đầu tư có dấu hiệu “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, còn người có trách nhiệm của ngân hàng có dấu hiệu “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” hoặc “ cố ý làm trái”.
Trường hợp chủ đầu tư đã bán căn hộ cho người dân sau đó mới đem giấy tờ về đất và tài sản liên quan đến căn hộ đi thế chấp ngân hàng và được ngân hàng cho thế chấp thì lỗi hoàn toàn thuộc về chủ đầu tư và ngân hàng. Khi đó, nếu mất khả năng thanh toán, chủ đầu tư sẽ bị xử lý hình sự về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, còn ngân hàng có dấu hiệu “vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.
Minh Khanh
Người lao động
|