Ngành đồ uống, nước giải khát “tăng nhiệt”
Kế hoạch kinh doanh của nhiều DN ngành hàng đồ uống - nước giải khát đang có sự điều chỉnh theo nhu cầu tăng cao.
Mảnh đất màu mỡ
Theo Tổng CTCP Bia rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), dự kiến năm 2015, họ sẽ đạt tốc độ tăng trưởng về sản lượng là 1% và doanh thu tăng 4% so với năm trước (sản lượng tiêu thụ bia Sài Gòn 1.356 triệu lít, rượu 3,6 triệu lít, nước giải khát đạt 33 triệu lít).
Với sức tiêu thụ này, Sabeco sẽ tăng cường năng lực sản xuất thông qua kế hoạch hoàn chỉnh đầu tư tại Nhà máy bia Sài Gòn - Nguyễn Chí Thanh (TP.Hồ Chí Minh), nâng cao công suất Nhà máy Củ Chi, đưa dự án Nhà máy bia Sài Gòn - Kiên Giang vào sản xuất, cũng như tiến hành khởi công Nhà máy bia Khánh Hòa...
Không riêng gì các “ông lớn” trong ngành đồ uống, nước giải khát (NGK) mới gia tăng năng suất, sản lượng do chiếm thị phần áp đảo, mà nhiều DN quy mô vừa và nhỏ trong ngành cũng nỗ lực đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Nguyễn Thanh Đức, Tổng giám đốc CTCP NGK Chương Dương cho biết, các tháng 4 - 5 là lúc bước vào cao điểm mùa nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng đối với một số mặt hàng đồ uống, NGK gia tăng đột biến.
Vào thời điểm hiện tại, công ty đang dồn lực tập trung sản lượng để kịp đáp ứng sức cầu thị trường. Đặc biệt, các dòng sản phẩm NGK có gaz với nhiều hương vị sá xị, trái cây, nha đam… của công ty đang khá hút khách do phù hợp với thị hiếu giới trẻ và nhanh chóng giải nhiệt cơn khát trong mùa nắng nóng.
Sản lượng trung bình hàng năm của công ty vào khoảng 35 triệu lít, nhưng chỉ tiêu trong năm nay được điều chỉnh lên thành hơn 36 triệu lít và phấn đấu 40 triệu lít do nhận thấy nhu cầu thị trường đang có dấu hiệu tăng.
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương, mặc dù sức cầu trên thị trường ở nhiều ngành hàng chưa có sự hồi phục rõ rệt, tuy nhiên với đặc thù ngành hàng NGK có tính mùa vụ, thường tăng cao vào dịp lễ tết và thời tiết nắng nóng kéo dài nên sản lượng và sức tiêu thụ đang có sự gia tăng đáng kể.
Chính vì vậy, thông thường bước vào những mùa cao điểm trong năm thì các công ty, nhà máy sản xuất sẽ tăng năng suất, điều chỉnh sản lượng tăng trung bình từ 5 – 15% so với thời điểm bình thường. Tuy nhiên, năm nay một số nhà máy tại các tỉnh thành phía Nam đã tăng đến 30% sản lượng để kịp đáp ứng nhu cầu khách hàng. Riêng đối với sản phẩm bia sức tiêu thụ cũng có phần nhích lên so với mọi năm.
Dây chuyền sản xuất của bia Sài Gòn
|
Gia tăng cạnh tranh
Một khảo sát mới đây của Công ty Vietnam Report cho thấy, doanh thu toàn ngành thực phẩm đồ uống trong 5 năm qua tăng trưởng khá nhanh với tỉ lệ tăng mạnh. Đồng thời, triển vọng tăng trưởng ngành đồ uống Việt Nam cũng rất khả quan bởi ngành đã thu hút được nhiều vốn đầu tư từ các doanh nghiệp.
Dự báo doanh số của ngành sẽ tăng 7,5% vào các năm 2015-2016, và doanh thu sẽ tăng 10,5% khi mà người tiêu dùng bắt đầu sử dụng các loại đồ uống có giá trị cao hơn, trong đó bia vẫn tiếp tục giữ vai trò chiếm lĩnh thị trường cả về doanh số lẫn doanh thu.
Song, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, mảnh đất càng màu mỡ thì sẽ càng nhiều người tham gia khai phá. Thực tế thời gian gần đây, thị trường rượu bia, NGK đang bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt không chỉ giữa các DN nội, mà còn có sự tham gia của không ít đối thủ nặng ký từ nước ngoài thâm nhập thị trường.
Cụ thể, Công ty ThaiBev đang có ý định sở hữu lượng cổ phần lớn tại Sabeco, hay F&N Dairy Investments Pte Ltd đã sở hữu 110,4 triệu cổ phiếu của CTCP Sữa Vinamilk, còn trước đó là Carlsberg mua Huda Huế... Mặc dù tại sân chơi này, khi nhu cầu ngày một gia tăng thì các DN nội vẫn có phần với không ít cái tên Việt tham gia như Masan Group.
Hiện tập đoàn này đang nắm giữ 63,5% cổ phần của Công ty Nước khoáng Vĩnh Hảo, 53,2% của Vinacafé Biên Hòa và sau đó là chi 252 tỷ đồng để mua CTCP Bia và Nước giải khát Phú Yên. Một cái tên khác là Tân Hiệp Phát cũng đang có thị phần đáng kể với nhiều sản phẩm NGK có thương hiệu như Number One, Trà xanh 0 độ.
Sự tham gia của nhiều nhà đầu tư đang khiến sức ép cạnh tranh với DN trong ngành ngày một căng thẳng hơn. Nhưng vấn đề đáng quan tâm là liệu các thương hiệu Việt có bị nuốt chửng bởi những “con cá mập” ngoại hay không?
Bên cạnh đó, cuộc chiến phía trước vẫn còn dài và DN nội còn phải đứng trước thách thức khi cánh cửa thị trường mở rộng bởi nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương. Nỗi lo sẽ càng lớn hơn bởi đa số DN Việt Nam là vừa và nhỏ, tiềm lực tài chính không mạnh, kinh nghiệm ít ỏi, và rất khó để các DN chiếm lĩnh thị phần đầy hấp dẫn ngay trên sân nhà.
Thanh Tuyết
thời báo ngân hàng
|